Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận có nhiều dự án giao thông chậm giải ngân vốn đầu tư công

Theo thống kê của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải), Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận là một trong những đơn vị có nhiều dự án chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Nỗ lực hết sức, tháo gỡ đến cùng để giải ngân vốn đầu tư công Nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực phát triển mới

Nhiều dự án giao thông trọng điểm chậm giải ngân

Theo thông tin từ Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải), tính đến ngày 24/10/2022, có 28 dự án giao thông có kết quả giải ngân vốn đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu, chia làm 3 nhóm: Nhóm giải ngân chậm do giải phóng mặt bằng; Nhóm giải ngân chậm do chậm tiến độ thi công; Nhóm giải ngân chậm do hoàn chỉnh hồ sơ nội nghiệp.

Cụ thể, nhóm thứ nhất chậm giải ngân do công tác giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà thầu có 8 dự án gồm: Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (Ban QLDA 2 đại diện chủ đầu tư); Gia cố các hầm yếu và cải tạo tuyến đường sắt Vinh - Nha Trang (Ban QLDA 85 làm đại diện chủ đầu tư); Dự án nâng cấp các công trình thiết yếu đường sắt Hà Nội - Vinh và Nha Trang - Sài Gòn (Ban QLDA Đường sắt).

Bên cạnh đó là 2 dự án do Ban QLDA Mỹ Thuận đại diện chủ đầu tư gồm: Dự án cầu Rạch Miễu 2 và Tân Vạn - Nhơn Trạch; dự án tuyến Kênh Chợ Gạo (Ban QLDA Đường thủy); Tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột (Ban QLDA tỉnh Đắk Lắk).

Nhóm thứ hai giải ngân chậm do tiến độ thi công có 9 dự án gồm: Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (Ban QLDA 6); Dự án tuyến tránh QL1A đoạn qua TP Cà Mau và dự án nâng cấp QL1A, tỉnh Sóc Trăng do Ban QLDA 7 đại diện chủ đầu tư; Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (Ban QLDA Mỹ Thuận đại diện làm chủ đầu tư).

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận có nhiều dự án giao thông chậm giải ngân vốn đầu tư công
Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được khởi công năm 2021, tổng mức đầu tư hơn 4.826 tỷ đồng do Ban QLDA Mỹ Thuận đại diện làm chủ đầu tư. (Ảnh: Báo LĐ)

Nhóm thứ ba giải ngân chậm do hoàn chỉnh hồ sơ nội nghiệp có 11 dự án gồm: Dự án QL53, tỉnh Trà Vinh (Ban QLDA 7); Dự án giao thông Cam Lộ - La Sơn và Nha Trang - Cam Lâm do Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh đại diện chủ đầu tư; Dự án đường cất hạ cánh sân bay Nội Bài (Ban QLDA Thăng Long).

Bên cạnh đó còn có 2 dự án do Ban QLDA Mỹ Thuận đại diện chủ đầu tư là Dự án kết nối khu vực Trung tâm đồng bằng MêKông và Đường cất hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất; Hai dự án do Ban QLDA Đường sắt đại diện chủ đầu tư là Dự án nâng cấp các cầu yếu và trụ chống va xô và Cát Linh - Hà Đông.

Như vậy, trong số các dự án chậm giải ngân, Ban QLDA Mỹ Thuận có tới 5 dự án được “điểm tên”, hầu hết trong số đó đều là các dự án giao thông có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc chậm giải ngân ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của việc sử dụng đồng vốn Nhà nước.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi các Ban QLDA, chủ đầu tư và đơn vị trực thuộc về việc đẩy mạnh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư những tháng cuối năm 2022.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các Ban QLDA, chủ đầu tư có kết quả giải ngân kế hoạch dưới mức trung bình của cả bộ kiểm điểm làm rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp cụ thể, hiệu quả để đẩy mạnh giải ngân trong các tháng cuối năm 2022.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu rà soát lại toàn bộ tiến độ thực hiện của các dự án triển khai trong năm 2022 để điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp với tiến độ thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, chia cắt gây lãng phí nguồn lực và chậm trễ trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công.

Theo tìm hiểu, Ban QLDA Mỹ Thuận là đơn vị sự nghiệp công lập và là ban quản lý dự án chuyên ngành giao thông trực thuộc Bộ Giao thông vận tải. Hiện nay, ông Trần Văn Thi đang làm Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận.

Ban QLDA Mỹ Thuận có chức năng, nhiệm vụ quản lý dự án, tư vấn quản lý dự án và chủ đầu tư các dự án theo quy định của pháp luật; hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, tự bảo đảm chi thường xuyên, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, có trụ sở tại TP HCM.

Làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân chậm giải ngân

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các cấp có thẩm quyền rất sốt ruột trước tình trạng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn rất thấp.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận có nhiều dự án giao thông chậm giải ngân vốn đầu tư công
Ông Trần Văn Thi - Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận

Trước tình trạng trên, Chính phủ đã thành lập 6 tổ công tác về thúc đẩy giải ngân, trong đó 4 Phó Thủ tướng làm tổ trưởng 4 tổ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng tổ thứ 5 và Bộ trưởng Bộ Tài chính là tổ trưởng tổ thứ 6. Các tổ thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, ngày 15/9/2022, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 31/10/2022 là 297.774,16 tỷ đồng, đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 55,8%), tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 40.387 tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với số giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước 10 tháng năm 2021.

Vốn trong nước là 290.807,06 tỷ đồng, đạt 53,31% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 60,89%). Tuy nhiên, số tuyệt đối giải ngân năm 2022 giải ngân cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 41.301,65 tỷ đồng. Vốn nước ngoài là 6.967,10 tỷ đồng, đạt 20,14% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 15,29%).

Theo báo cáo, có 3 cơ quan Trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, có 37/51 bộ, cơ quan Trung ương và 19/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (51,34%), trong đó có 10 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện tình trạng giải ngân của đơn vị mình.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu Thủ trưởng các bộ, cơ quan Trung ương và các cấp chính quyền địa phương phải coi việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch đã được giao là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Hậu Lộc
Phiên bản di động