Bạn đã thực sự uống nước ép trái cây đúng cách?

Không chỉ thơm ngon, thuận tiện và dễ uống, nước ép trái cây cũng là thực phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, loại thức uống này sẽ gây hại khó lường cho sức khỏe nếu uống sai cách.
Cẩn trọng mua trái cây giải nhiệt ngày hè Giải tỏa các điểm kinh doanh trái cây không an toàn, lấn chiếm vỉa hè Trái cây, bia rượu Việt bày bán tại siêu thị Nhật Bản

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Hà Nội) cho biết, ông liên tiếp nhận nhiều ca bệnh có các vấn đề liên quan tới dinh dưỡng, đường huyết thời gian qua.

Đơn cử như một bệnh nhân nữ 43 tuổi ở Đống Đa, Hà Nội đến khám tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia vì mệt mỏi, ăn uống khó tiêu, đường huyết lên cao.

Bác sĩ cho biết, bệnh nhân thừa cân và tiền đái tháo đường cần thay đổi chế độ ăn uống khoa học hơn.

Bạn đã thực sự uống nước ép trái cây đúng cách?
Nước trái cây tự nhiên không có chất béo, ít natri và cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng

Sau đó, xem quảng cáo trên mạng, bệnh nhân đã mua gói detox bằng nước ép. Trong 1 tuần, bệnh nhân giảm được 1,5kg. Sau đó, bệnh nhân tự giảm cân tại nhà bằng cách chỉ uống nước ép từ cà rốt, dứa, ổi, dưa hấu. Mỗi ngày, chị ép cả lít nước và để tủ lạnh uống dần.

Trong lần kiểm tra mới đây, bác sĩ chẩn đoán chỉ số đường huyết của chị tăng cao kèm theo gan nhiễm mỡ độ 1.

Tiến sĩ Hưng cho biết, trường hợp như bệnh nhân trên không hiếm. Nhiều người nghĩ rằng uống nước ép giảm cân, thanh lọc cơ thể thậm chí có người còn ngày uống 1 - 2 lít nước ép thay cho nước lọc. Tuy nhiên, bác sĩ Hưng cho rằng thói quen này sai. Sử dụng bất kỳ sản phẩm nào cũng cần theo nguyên tắc đúng và đủ.

Một số quy tắc cần lưu ý

Nước ép trái cây rất tốt cho sức khỏe nhưng nếu không biết uống đúng cách sẽ làm mất đi giá trị dinh dưỡng của chúng, thậm chí còn gây hại đến sức khỏe.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, bạn không nên uống nước ép trái cây vào buổi sáng sớm mới thức dậy hay khi đang đói bụng. Nguyên nhân là do, lúc này trong dạ dày không có chứa thức ăn nên các chất axit có trong nước ép có thể gây tổn hại dạ dày. Thời điểm uống nước ép tốt nhất là giữa 2 bữa ăn hoặc trước bữa ăn khoảng từ 30 - 40 phút.

Không những vậy, trong nước ép trái cây còn có hàm lượng đường nhất định giúp bổ sung thể lực nhanh chóng nên cũng thích hợp để uống sau khi vận động hay khi cơ thể đang mệt mỏi.

Nhiều gia đình có thói quen ép nước hoa quả bỏ tủ lạnh để uống dần. Điều này làm cho chất dinh dưỡng trong hoa quả bị thay đổi tuyến tính, giảm bớt tác dụng hoặc có thể gây rối loạn tiêu hoá. Một số loại nước hoa quả để vài giờ trong tủ lạnh mất chất, thậm chí còn xuất hiện vị đắng, điển hình như nước cam.

Ngoài ra, hâm nóng nước trái cây sẽ làm các loại vitamin và khoáng chất dễ bốc hơi, nước ép sẽ dễ dàng mất đi một lượng lớn vitamin, đặc biệt là vitamin C.

Bạn đã thực sự uống nước ép trái cây đúng cách?
Nếu để nước ép quá lâu mới uống sẽ khiến cho nước ép dễ bị lên men biển đổi dưỡng chất trong đó không tốt cho sức khỏe, tốt nhất nên uống trong vòng 2 giờ sau khi chế biến

Một thói quen nữa nên từ bỏ là thêm nhiều đường vào nước ép trái cây tươi cho ngọt. Trong các loại trái cây đều có chứa một hàm lượng đường nhất định tốt cho sức khỏe nhưng nhiều người vẫn có thói quen bỏ thêm đường vào ly nước ép để tăng thêm vị ngọt.

Tuy nhiên, chúng ta nên hạn chế việc làm này, vì nếu cơ thể tiếp nhận quá nhiều đường sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Nếu bạn tiêu thụ nước trái cây ngọt mà còn bỏ thêm đường thì bạn đang làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 vì chúng ít chất xơ mà còn chứa nhiều đường.

Nước ép trái cây tự nhiên chỉ có thể cung cấp cho cơ thể một lượng dưỡng chất nhất định như vitamin mà không thể đảm bảo đủ chất khi cơ thể cần. Nước ép trái cây không chứa chất xơ mà lại nhiều đường. Nếu ăn quá nhiều đường có nguy cơ mắc các loại bệnh như béo phì, bệnh tiểu đường type II, bệnh tim mạch và nhiều bệnh khác…

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra trẻ em sử dụng nước trái cây đóng chai thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh béo phì cao hơn đến 60%.

Do đó, để tận dụng tối đa nguồn lợi dinh dưỡng của trái cây và rau quả, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mọi người nên kết hợp sử dụng cả nước ép và ăn toàn bộ trái cây, rau quả. Hoặc pha trộn cả xay và ép nước. Việc pha trộn sẽ giữ lại nhiều chất xơ và các hợp chất thực vật có lợi hơn.

TS. BS Nguyễn Trọng Hưng lưu ý: “Nên sử dụng nước ép trái cây nguyên chất không thêm đường và nên dùng số lượng trái cây phù hợp. Tránh dùng nước ép trái cây khi bụng đói, đặc biệt với những người có vấn đề về đường tiêu hóa như đau dạ dày…

Ngoài ra, nước ép không thể thay thế được trái cây và rau củ, nên khuyến khích ăn cả múi, miếng. Bên cạnh uống nước ép, bạn cũng đừng quên bổ sung chất xơ trong chế độ ăn uống hằng ngày”.

Quang Minh
Phiên bản di động