Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu “siết chặt” nhập khẩu cá tầm Trung Quốc
Tiêu hủy hơn nửa tấn cá tầm không rõ nguồn gốc |
Chiều 8/3, nguồn tin cho biết, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đinh Tiến Dũng vừa có văn bản yêu cầu một số bộ ngành và Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu cá tầm.
Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các Bộ: Tài chính, Công an, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc Phòng và Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai và các địa phương có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Các đơn vị được yêu cầu tăng cường công tác quản lý, kiểm soát trong thị trường nội địa (nhất là các trung tâm tiêu thụ lớn tại Hà Nội và TP HCM) để đấu tranh, ngăn chặn, xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, buôn bán mặt hàng cá tầm (nguồn gốc, xuất xứ, giấy phép, sở hữu trí tuệ; kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, gian lận thương mại...).
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố rộng rãi danh sách các loại cá tầm được phép nhập khẩu để các cơ quan chức năng thuận lợi trong việc thực hiện và kiểm tra, kiểm soát.
Chỉ đạo này của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về những thông tin báo chí nêu thời gian qua về việc nhập khẩu và kinh doanh cá tầm. Bên cạnh đó là một số kiến kiến nghị, xem xét các vấn đề về nhập nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công thương... về việc chỉ đạo lực lượng Hải quan tại các cửa khẩu trọng điểm, gồm: Hữu Nghị, Lào Cai, Móng Cái, Tà Lùng... kiểm soát chặt việc nhập khẩu cá tầm về Việt Nam để đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và thuộc danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua Bộ đã phối hợp với địa phương thu mẫu cá tầm thương phẩm tại chợ cá Yên Sở (Hà Nội) và chợ Bình Điền (TP HCM).
Kết quả có 8/11 mẫu cá tầm thương phẩm được xác định hình thái không phù hợp với loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam. Mặt khác, hiện nay, một số loài cá tầm nhập khẩu dùng làm thực phẩm lưu thông trên thị trường chưa rõ nguồn gốc, không thực hiện kiểm dịch, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, môi trường và sản xuất cá tầm tại Việt Nam.
Để ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả hành vi gian lận thương mại trong việc nhập khẩu cá tầm dùng làm thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra việc lưu thông, vận chuyển, kinh doanh cá tầm trên thị trường nhằm ngăn chặn việc trà trộn cá tầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người nuôi và người tiêu dùng trong nước...
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an và địa phương thành lập Đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện vận chuyển cá tầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không thực hiện kiểm dịch theo quy định.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các đơn vị rà soát việc cấp phép nhập khẩu cá tầm; chủ trì, phối hợp với các đơn vị và địa phương kiểm tra cơ sở kinh doanh cá tầm làm thực phẩm và xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh cá tầm làm thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.