Bác sĩ mách bạn: Điểm mặt những con “quái vật” trong cơ thể người
Đó là những chia sẻ của Ths. Bs Nguyễn Đình Liên, Bộ môn ngoại trường ĐHY Hà nội, khoa ngoại - BV ĐHY Hà Nội trong buổi trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, nhằm cung cấp thông tin, tác hại của ký sinh trùng trên cơ thể người.
Cụ thể, bác sĩ Liên cho biết ký sinh trùng (quái vật) là sinh vật “ở nhờ” gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và trong cơ thể có thể gặp các loại giun sán như sau: Sán lợn- ấu trùng sán lợn (Cysticercosis); Sán nhái (Sparganosis); Sán máng (Schistosomiasis); Giun lươn (Strongyloidiasis).
Đối với loại “quái vật” mang tên Sán lợn - ấu trùng sán lợn thì bệnh lây do quá trình ăn uống thức ăn (thịt lợn) hoặc rau sống, hoa quả có chứa trứng của sán lợn sẽ nhanh chóng phát triển thành ấu trùng sán lợn. Ấu trùng ký sinh ở tại cơ quan nào sẽ có biểu hiện lâm sàng.
Vòng đời của sán lợn- ấu trùng sán lợn |
Ở lợn thì biểu hiện thường ở cơ, xương nhưng ở con người, ấu trùng sán lợn thường ký sinh tại hệ thần kinh, đặc biệt là não hoặc tủy sống, mắt, người bệnh có biểu hiện đau đớn toàn thân; Đau đầu âm ỉ, dữ dội kèm buồn nôn, nôn do khối choán chỗ (nang sán) của ấu trùng sán tạo ra trong não, liệt thần kinh khu trú… khi nang sán bị ly giải, vôi hóa (sẹo thần kinh) có thể xuất hiện các cơn động kinh cục bộ hoặc toàn thân.
Loại “quái vật” thứ 2 cũng ghê gớm không kém đó là Sán nhái, mặc dù con người không phải là vật chủ ưa thích của loại “quái vật” mà chúng thường “ăn bám” trên các con vật như ở chó, mèo…
Vòng đời của sán nhái |
Nhưng do vô tình con người ăn đồ ăn, thức uống, rau củ quả chứa ấu trùng lông (Cyplops) của sán nhái hoăc vết thương ngoài da của người tiếp xúc trực tiếp với Cyplops thì loài ký sinh trùng này sẽ nhanh chóng làm tổ tại mắt, da, cơ của người.Bác sĩ Liên nhấn mạnh: “Nếu ấu trùng sán dị cư tại mắt sẽ gây đau mắt dữ dội, giảm thị lực hoặc mù đột ngột, bệnh nhân có cảm giác như “con gì đang ngọ nguậy, đục phá mắt của mình”. Khi bác sĩ khám mắt có thể thấy ấu trùng sán lợn, sán lợn đang tàn phá, làm tổ trong đáy mắt, kết mạc,…của người bệnh”
Nếu nhiễm loại kí sinh trùng này thì người bệnh sẽ có biểu hiện khác nhau do quá trình phát triển thành sán và cơ chế chống thải ghép (dị vật ngoại lai) của cơ thể.
Sán nhái được gắp từ cơ thể bệnh nhân |
Điển hình con quái vậy này ký sinh và phát triển tại mắt gây cộm, ngứa ở mắt, cử động nhãn cầu theo các phía khó khăn, đau nhức, chảy nước mắt.
Diễn biến nhanh theo ngày khiến thị lực giảm dần tới mất hẳn do viêm dây thần kinh thị giác (dây số II) hoặc làm tổn thương các tế bào ở đáy mắt, mắt bệnh nhân có thể bị đẩy lồi ra phía trước.
Theo bác sĩ Liên, loại “quái vật” này cũng rất nguy hiểm, kể cả khi bác sĩ soi đáy mắt tìm ra nó, dùng dụng cụ vi phẫu để gắp ra, nếu không cẩn thận thì chỉ cần 1 phần thân sán bị đứt, phần thân sán này sót lại cũng sẽ và phát triển dài ra thêm. Ngoài ra nếu loại sán này ký sinh ở da sẽ gây ngứa, tạo thành khối abces. Ở bàng quang gây đái máu, ở phổi gây ho, ở não gây động kinh, đau đầu…
Loại thứ 3 bác sĩ Liên lưu ý đến là loại sán máng Trùng đuôi của sán máng xâm nhập qua da người qua thông qua sinh hoạt hàng ngày như bơi lội, tắm,..
Vòng đời của sán máng |
Biểu hiện khi nhiễm loại “quái vật” này là cơ thể ngứa, mẩn, nổi nốt ở da (vùng tiếp xúc), các điểm xuất huyết nhỏ, tụ dần thành đám.
Nặng hơn là khả năng nhiễm trùng, nhiễm độc sẽ có biểu hiện nhức đầu, đau các chi, rét run, ban đêm đổ mồ hôi,…
Nếu bệnh nhân bị loài “quái vật” này tấn công thì chỉ sau vài tuần, bệnh nhân có thể bị đái máu toàn bộ (sán ký sinh ở bàng quang, gây nguy cơ thành ung thư bàng quang), đi ngoài phân máu (sán ký sinh ở đường tiêu hóa à nguy cơ gây thủng tạng rỗng, trĩ, sa trực tràng…) hoặc gan, lách to, bụng cổ trướng (sán làm viêm tắc hệ thống tĩnh mạch ở gan…). Để truy tìm loại “quái vật” này sẽ rất khó khăn vì kích thước sán nhỏ, phải nội soi đại tràng, bàng quang, lấy tổ chức sinh thiết để soi tìm thấy sán hoặc làm phản ứng Elisa.
Tiếp theo là “quái vật” giun lươn, âu trùng của loài này sẽ tiếp tục phát triển ở ngoại cảnh thành ấu trùng có thực quản hình trụ có khả năng xâm nhập qua da người hoặc sống tự do ở ngoại cảnh. Khi xâm nhập vào được cơ thể người thì ấu trùng phát triển thành giun lươn đa phần ký sinh trong đường tiêu hóa, và gây ra các biểu hiện như: Đau bụng thượng vị, đi ngoài phân lỏng.
Chu trình vòng đời của giun lươn |
Ngoài những con “quái vật” nêu trên bác sĩ Nguyễn Đình Liên cũng liệt kê thêm như: rận mu, chấy, ve, các loại giun, …Biểu hiện khi ấu trùng xâm nhập vào da rất điển hình: Nốt đỏ, ngứa, lan tỏa thành hang.
Để tránh quái vật tấn công hoặc ký sinh trong cơ thể bác sĩ Liên có lời khuyên như sau:
“Chúng ta nên tránh ăn đồ mất vệ sinh như thịt tái hoặc sống, các loại rau quả không được rửa sạch, nhà nuôi chó, mèo nên tẩy giun sán định kỳ cho cả người lớn và trẻ nhỏ".
Đặc biệt khi có các cảm giác khó chịu trong cơ thể nên đi khám và phải kể tỉ mỉ cho bác sĩ các bất thường, rối loạn, bất thường trong cơ thể bạn. Nhiều khi sự bất thường đó chính là triệu chứng giúp bác sĩ truy tìm và loại bỏ các con quái vật bé nhỏ đang hủy hoại cơ thể bạn.