Bắc Giang: Công bố tình huống khẩn cấp sự cố đê bối Tiên Sơn - Vân Hà do ảnh hưởng của bão số 3

UBND tỉnh Bắc Giang vừa công bố tình huống khẩn cấp sự cố đê điều đã xảy ra do ảnh hưởng bão số 3 và mưa lũ gây ra, đoạn từ K0+160 đến K2+340 và K5+500 đến Kc đê bối Tiên Sơn - Vân Hà, xã Vân Hà, thị xã Việt Yên.
Bắc Giang: Công bố tình huống khẩn cấp sự cố trên tuyến đê cấp V của huyện Lục Nam Bắc Giang: Trích Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát Bắc Giang: Vận động đối tượng truy nã nguy hiểm ra đầu thú

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi), mực nước trên sông Cầu dâng cao, mực nước tại trạm Đáp Cầu đạt đỉnh khoảng +7,79 m (cao hơn mặt đê bối Tiên Sơn -Vân Hà khoảng 2,00 m), dẫn đến nước tràn qua mặt đê bối làm mái đê phía đồng bị sạt lở tạo hàm ếch, mặt đường bê tông bị nứt gãy, hư hỏng nhiều đoạn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn công trình cũng như mất an toàn giao thông đi lại của Nhân dân sinh sống tại địa phương (tuyến đê bối kết hợp đường giao thông là tuyến giao thông chính của nhân dân xã Vân Hà.

Cụ thể: Đoạn 1 từ K0+160 đến K2+340 có 10 điểm sạt lở nghiêm trọng, trong đó đoạn từ K0+160 đến K1+200 dài khoảng 1.000 m, mái taluy đê phía đồng bị sạt lở, gây hư hỏng nhiều đoạn mặt đường đê và kênh tưới cạnh đường, đoạn từ 2 K1+200 đến K2+340 bị sạt lở ít hơn, cục bộ có đoạn bị sạt đường đê, kênh mương dọc theo tuyến đường đê. - Đoạn 2 từ K5+500 đến Kc (tương ứng K9+000).

Trong đó: Đoạn từ K5+500 đến K7+800 dài khoảng 2.300 m có hơn 7 đoạn: Mái taluy và thân đê phía đồng bị sạt lở nghiêm trọng làm mất toàn bộ mái taluy, xói sâu vào thân đê tạo hàm ếch dẫn đến gẫy, nứt vỡ mặt đường đê bê tông xi măng.

Bắc Giang: Công bố tình huống khẩn cấp sự cố đê bối Tiên Sơn - Vân Hà do ảnh hưởng của bão số 3
Đê bối Tiên Sơn - Vân Hà đợt lũ vừa qua. Ảnh BBG

Cánh cống 3 cửa xả lũ qua đê khu vực thôn Yên Viên 1 bị kẹt, máy đóng mở cống qua đê hỏng không vận hành được, cống được xây dựng từ nhiều năm trước có kết cấu đáy, trần đổ bê tông, tường xây gạch nên đã xuống cấp nghiêm trọng, khi có lũ hoặc muốn tháo nước ra ngoài sông gặp rất nhiều khó khăn, khẩu độ, vị trí cống không còn phù hợp với yêu cầu tiêu thoát nước hiện nay.

Cống 1 cửa tại K8+750 khẩu độ nhỏ, đã xuống cấp, vận hành khó khăn, cao độ đáy cống cao nên khả năng tiêu thoát lũ hạn chế ảnh hưởng rất nhiều đến công tác phòng chống thiên tai.

Đoạn từ K7+800 đến cuối tuyến Kc dài khoảng 1.200 m, mái taluy phía đồng có cỏ mọc dầy chống xói khá tốt, cục bộ có một số vị trí (3 vị trí) do không có cỏ mọc đã bị sạt lở, mỗi vị trí sạt lở khoảng 30 m dọc mái taluy đê. Trên đoạn này bị đổ gẫy một số cột đèn chiếu sáng. Mái đê phía sông tại vị trí cống (khu vực kè mái mới thực hiện trước mùa lũ) có hiện tượng nứt đường đê bê tông ở đoạn kè mới xây dựng.

UBND tỉnh Bắc Giang giao UBND thị xã Việt Yên tiếp tục theo dõi, cắm biển cảnh báo tại các vị trí bị sạt lở mái, thân đê, hàm ếch; xây dựng bổ sung phương án kỹ thuật hộ đê toàn tuyến đê bối Tiên Sơn-Vân Hà năm 2024 của thị xã. Cử lực lượng tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự cố, cập nhật diễn biến báo cáo thường xuyên về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

Đồng thời chủ động bố trí, sử dụng nguồn kinh phí của huyện, tổ chức khảo sát, đánh giá, lập ngay phương án khẩn cấp, cấp bách sự cố công trình, ban hành lệnh xử lý khẩn cấp công trình theo phương châm 4 tại chỗ, chỉ đạo tổ chức thực hiện theo quy định. Thời điểm kết thúc, xử lý ứng phó tình huống là khi thực hiện hoàn thành các biện pháp xử lý sự cố đảm bảo an toàn;

UBND thị xã Việt Yên phải chịu trách nhiệm báo cáo và đề nghị UBND tỉnh xem xét, công bố kết thúc tình huống khẩn cấp nêu trên.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh); các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được phân công phối 3 hợp, hướng dẫn UBND thị xã Việt Yên trong quá trình tổ chức thực hiện xử lý sự cố nêu trên đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật.

Đình Phong
Phiên bản di động