Bắc Giang: Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn chỉ đạo rút tiền ngân sách để đi...du lịch
Cuối cùng, sau 14 bài viết "bóc mẽ" quy trình "ăn" tiền ngân sách Nhà nước của Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn thì Công an huyện Sơn Động cũng đã có công văn trả lời Tuổi trẻ và Pháp luật và gửi cho người dân tố cáo để thông báo kết quả điều tra.
Công an huyện Sơn Động xác định toàn bộ nội dung báo phản ánh về sai phạm tại thị trấn Thanh Sơn là có cơ sở |
Tại công văn số 239/CV-CQĐT của Công an huyện Sơn Động, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) khẳng định toàn bộ những nội dung báo phản ánh ông Phạm Văn Thắng - Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn lập khống chứng từ rút tiền ngân sách là có cơ sở. Trong đó, năm 2017 có 12 mục chi với số tiền 270 triệu, năm 2018 có 9 mục chi với số tiền 140 triệu đồng đều từ tiền ngân sách Nhà nước.
Thế nhưng, trong 21 "mục chi tiền" nêu trên thì Cơ quan CSĐT chỉ phát hiện được có 3 chứng từ chi mua bồn nước Tân Á, sửa chữa, mua trang thiết bị Đài phát thanh với số tiền 48.990.000 đồng là bị lập khống, không thực chi để rút tiền ngân sách.
Lập khống chứ từ rút tiền ngân sách Nhà nước để đi du lịch tại Đà Nẵng |
Trong 3 hóa đơn, chứng nêu trên đều do ông Thắng là người trực tiếp chỉ đạo kế toán là bà Vi Thị Khanh lập ra để quyết toán khống, sau đó rút tiền về để chi vào mục đích đi tham quan du lịch tại Đà Nẵng, chi mua quà biếu lãnh đạo UBND thị trấn Thanh Sơn phải trực không đi tham quan và một số khoản chi khác.
Đối với 18 mục chi còn lại, Cơ quan CSĐT chưa phát hiện ra sai phạm liên quan đến hành vi tham ô, tham nhũng theo như nội dung tố cáo. Ngoài ra, việc sơn lại trụ sở ủy ban chưa tiến hành chi trả và thanh quyết toán nên chưa xem xét đến nội dung này.
Lập khống chữ ký các Trưởng thôn đã nhận đồ cấp phát để hợp thức hóa chứng từ rút tiền |
Hành vi của ông Phạm Văn Thắng và bà Vi Thị Khanh là rõ ràng nhưng Cơ quan CSĐT chưa chứng minh được hành vi vụ lợi cá nhân nên vụ việc này có dấu hiệu phạm vào tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 221 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).
Cơ quan CSĐT Công an huyện Sơn Động xác định, hành vi của ông Thắng và bà Khanh gây ra chưa đến mức định khung để xử lý về hình sự tương ứng với tội danh nêu trên. Do đó, vụ việc trên không đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự mà chỉ đề nghị Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Sơn Động xử lý về Đảng, Chính quyền đối với những cá nhân liên quan.
Công an huyện Sơn Động xác định hành vi của ông Thắng và bà Khanh gây ra chưa đến mức "định khung" để xử lý về hình sự...? |
Trước đó, như Tuổi trẻ và Pháp luật đã thông tin, hàng loạt hồ sơ mua bán vật tư, trang thiết bị có dấu hiệu lập "khống" trong năm 2017 dưới bàn tay "ma thuật" của ông Phạm Văn Thắng - Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn cùng trợ giúp đắc lực của kế toán trưởng đã dễ dàng rút hàng trăm triệu đồng từ Kho bạc Nhà nước trước sự ngỡ ngàng của những cán bộ đang làm việc tại đây.
Nghiêm trọng hơn, những vị "công bộc của dân" này còn bất chấp làm giả chữ ký của 6 trưởng thôn (thôn Néo, Đồng Giang, Đồng Thanh, thôn Chợ, Nòn, Đồng Rì) để hoàn thiện hồ sơ, chứng từ và rút tiền.
Khoản chi sửa chữa thiết bị nhà vệ sinh cũng không được làm rõ |
Chưa hết, ông Thắng còn ký hợp đồng mua hàng với con dâu là bà Nguyễn Thị Khanh – Phó Chủ tịch hội Phụ nữ thị trấn và cho con trai là Phạm Văn Cương (cán bộ Tư pháp - pv) sơn lại trụ sở UBND với số tiền gần 400 triệu đồng khi mà hồ sơ khái toán, dự toán vẫn là một "bí ẩn" với cán bộ nơi đây.
Theo những tài liệu chúng tôi thu thập được, phương thức cũng như thủ đoạn lập nên các hợp đồng "ma" đều rất chặt chẽ, đầy đủ nội dung trên hợp đồng. Tuy nhiên, thực tế việc giao nhận hàng hóa, sửa chữa cấp phát cho người sử dụng thì chỉ có bộ ba ông Thắng, bà Khanh và một người nữa biết với nhau.
Hóa đơn mua bồn nước Tân Á là lập khống để rút tiền |
Trong quy trình đó, để có hóa đơn VAT thì từ khi ký kết hợp đồng cho đến nghiệm thu, thanh lý đồng đều phải “trích” lại 5% tổng giá trị hợp đồng cho chủ cửa hàng để xuất hóa đơn.
Về công tác quản lý đất đai, vừa qua, khoảng 200m suối Bài ở thôn Nòn, thị trấn Thanh Sơn đã bị ông Đỗ Văn Nguyện ở xã Tuấn Đạo đồ hàng vạn m3 đất san lấp mặt bằng. Ngay sau khi thấy ông Nguyện cho xe chở đất đổ xuống suối Bài, người dân đã báo cho chính quyền địa phương nhưng không thấy ngăn chặn và dòng suối Bài vẫn bị lấp trước sự khó hiểu của hàng chục hộ dân.
Khoảng 200m suối Bài ở thôn Nòn, thị trấn Thanh Sơn bị san lấp trái phép trước sự làm ngơ của chính quyền địa phương |
Trước đó, năm 2016, câu chuyện bố con ông Phạm Văn Thắng cùng với con trai là Phạm Văn Cương - Cán bộ Tư pháp bị người dân tố cáo lấn chiếm đất lâm nghiệp của hàng xóm và chặt phá trái phép 26.056m2 rừng tự nhiên tại xã Tuấn Mậu cũng ầm ĩ một thời gian.
Sau đó, Hạt Kiểm lâm Sơn Động đã lập Tổ công tác xác minh thông tin tố cáo của người dân. Kết quả cho thấy phản ánh của người dân về việc ông Phạm Văn Thắng phá rừng là có cơ sở.
Để chối bỏ trách nhiệm, ông Thắng đã lập ra giấy ủy quyền "ma" cho con trai nhận là phá rừng vì khi đó vị này đang là Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn. Sau khi bị báo chí bọc mẽ, không hiểu có ai “chống lưng” mà ông Thắng chỉ bị kỷ luật khiển trách, con trai bị cảnh cáo cả về mặt Đảng lẫn chính quyền trước sự phẫn nộ của người dân nơi đây.
Năm 2016, bố con ông Thắng đã chặt phá trái phép 26.056m2 rừng tự nhiên tại xã Tuấn Mậu gây ầm ĩ một thời gian |
Luật sư Lê Ngọc Hoàng, Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm cho biết, kết luận điều tra của Công an huyện Sơn Động liệu thực sự đã trung thực, làm rõ đầy đủ các sai phạm hay chưa?. Với những chứng cứ rất rõ ràng như vậy, hàng loạt chứng từ chứng minh hành vi để "trục lợi" ngân sách của Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn và Kế toán trưởng nhưng không bị khởi tố hình sự là điều rất khó hiểu
"Tôi nhận thấy đã có dấu hiệu "dàn xếp" để hàng loạt các sai phạm của ông vua con này được ở mức nhẹ nhất để tránh bị khởi tố. Hơn lúc nào hết, các cơ quan thực thi pháp luật cấp cao hơn cần vào cuộc kiểm tra và làm rõ những nội dung kết luận điều tra của Công an huyện Sơn Động xem có khách quan, chuẩn mực hay không?" Luật sư Hoàng nói thêm.
Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.