Ba 'cung bậc cảm xúc' của dệt may trong vòng xoáy Covid-19

Dệt may được đánh giá là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của dịch Covid-19.
Dệt may vẫn chật vật vì Covid-19 Dệt may nguy cấp thế nào vì Covid-19?

Trong một chia sẻ mới đây tại Diễn đàn "Xuyên qua Vùng nhiễu động" do Tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mặt hàng dệt may gặp tình trạng sụt giảm đơn hàng, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành chỉ ký được các đơn hàng số lượng nhỏ thay vì số lượng lớn như những năm trước.

Trước tình trạng khan hiếm đơn hàng xảy ra ở một số doanh nghiệp khiến VITAS lo ngại mục tiêu xuất khẩu ngành dệt may đạt 40 tỷ USD trong năm 2020 là khó đạt được. Theo ông Giang, ước tính đến hiện tại, xuất khẩu dệt may lũy kế 9 tháng năm 2020 đạt 27 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019.

Đặc biệt, theo đánh giá của ông Giang, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành dệt may Việt Nam đã trải qua 3 ''cung bậc cảm xúc''.

Ba 'cung bậc cảm xúc' của dệt may trong vòng xoáy Covid-19
Dệt may là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của dịch Covid-19

Thứ nhất, theo ông Giang là thời điểm quý 1/2020, ngành dệt may đứng trước thách thức bị thiếu hụt nguồn trung do tắc nghẽn tại Trung Quốc, nhiều lô vải quan trọng phải bay về được Việt Nam thì chịu chi phí rất lớn.

Thứ hai, khi sang quý 2/2020, hàng loạt đơn hàng bị giảm sâu, đặc biệt với sản phẩm có tính chủ lực như sơ mi, đầm nữ, veston. Thách thức về đơn hàng, kéo dài cho đến hiện tại, mức giảm của dòng sản phẩm này vẫn ở mức 80% và chưa hồi phục.

Và thứ ba là việc phải duy trì, ổn định giờ làm trong tuần. Theo ông Giang, đơn hàng giảm mạnh, nhiều đơn vị giảm 15 ngày, đóng cửa nhà máy để cân đối lại nguồn hàng. Dù vậy, quý 2-3/2020 đơn hàng khẩu trang ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… tăng tạo việc làm cho công nhân viên. Cùng với đó, đơn hàng về quần áo ở nhà, đồ thể thao (đặc biệt là Nike)… thậm chí tăng mạnh trở lại.

Đại diện VITAS nhận định, ngành dệt may đến 2021 vẫn nằm trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của Covid-19. Trong trường hợp có vắc-xin, dự kiến phải đến hết quý 3/2021 mới có thể quay lại trạng thái bình thường như năm 2019.

Trong báo cáo mới đây, Bộ Công thương cho biết, dưới tác động của dịch Covid-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày. Tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn. Tổng cầu dệt may thế giới năm 2020 sụt giảm mạnh. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới là 775 tỷ USD, do Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, ước tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2020 đạt 600 – 640 tỷ USD, giảm 15-20% so với 2019, thậm chí có thể giảm tới 25%.

Theo thông lệ hàng năm, thời điểm hiện tại các doanh nghiệp đều có đơn hàng đến cuối năm và thậm chí nửa đầu năm sau. Tuy nhiên, nhu cầu chững lại do dịch Covid-19 khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần. Thực tế, các mặt hàng truyền thống, thế mạnh của nhiều doanh nghiệp may Việt Nam là veston, sơ mi cao cấp hầu như chưa có đơn hàng cho quý cuối năm.

Trong bối cảnh khó khăn như nêu trên, Bộ Công thương cho biết, cơ quan này đã tích cực làm việc trực tiếp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan, đồng thời làm việc với Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may, các đơn vị tư vấn, chuyển giao công nghệ, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng, các đơn vị phân phối để tạo điều kiện, khuyến khích, kết nối các doanh nghiệp chuyển đổi từ dệt may quần áo, sang dệt may khẩu trang vải.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đã chuyển sang sản xuất khẩu trang vải kháng giọt bắn – kháng khuẩn, khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang vải thông thường, đáp ứng đầy đủ nhu cầu phòng chống dịch trong nước, bình ổn thị trường, đồng thời Bộ Công thương đã giới thiệu, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu khẩu trang vải, tạo công ăn việc làm cho lao động dệt may, giảm bớt khó khăn trong giai đoạn thiếu đơn hàng xuất khẩu quần áo.

Văn Huy
Phiên bản di động