ASEAN nỗ lực ứng phó với tình trạng khói mù xuyên biên giới
Hà Nội có thêm 24 trạm quan trắc không khí cảm biến Ô nhiễm không khí: Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong Chất lượng không khí Hà Nội cải thiện sau thời gian giãn cách xã hội |
(Ảnh: AFP/TTXVN) |
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 4/8, Ban Thư ký ASEAN đã tổ chức một hội thảo trực tuyến về tăng cường nỗ lực phối hợp và chuẩn bị ứng phó với tình trạng ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, được dự báo sẽ đạt đỉnh điểm vào tháng 8 và tháng 9 tới.
Hội thảo do Chương trình Hành động Đo lường Quản lý Đất bền vững Không có khói mù ở Đông Nam Á (MAHFSA) thuộc Cơ quan phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ đã quy tụ các cơ quan quản lý khói mù và cơ quan liên quan của ASEAN, cũng như các đối tác và các tổ chức tư nhân.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa-Xã hội Kung Phoak nhấn mạnh các mối đe dọa và tác động tiềm tàng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với công tác phòng chống và ứng phó với nạn cháy rừng và ô nhiễm khói mù do hạn chế về nguồn lực và khả năng can thiệp.
Ông kêu gọi các cơ quan liên quan của ASEAN và các đối tác tăng cường hợp tác, sẵn sàng phối hợp giữa chính quyền, cộng đồng và khu vực tư nhân trong trường hợp xảy ra các vụ cháy rừng và ô nhiễm khói mù xuyên biên giới.
EU hỗ trợ ASEAN sử dụng bền vững than bùn và giảm thiểu khói mù
Về phần mình, Giám đốc Văn phòng IFAD tại khu vực Đông Nam Á và tiểu vùng Thái Bình Dương Cossio Cortez cho biết cơ quan này đã hỗ trợ ASEAN triển khai chương trình nghị sự chống ô nhiễm khói mù trong hơn một thập kỷ qua.
Trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19 và đối mặt với mùa khô sắp tới, ASEAN cần tiếp tục các nỗ lực tăng cường điều phối nhằm thúc đẩy quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ sức khỏe của người dân trong khu vực.
Tại hội thảo, đại diện các nước ASEAN và Australia đã chia sẻ đánh giá về tác động và nguy cơ tiềm ẩn của đại dịch COVID-19 đối với khả năng ứng phó của ASEAN trước các vụ cháy rừng và ô nhiễm khói mù, cũng như các bài học kinh nghiệm trong mùa khô năm 2020 ở khu vực sông Mekong và cuộc khủng hoảng cháy rừng năm 2019 ở Australia.
Ngoài ra, các đại biểu cũng chia sẻ các hoạt động chuẩn bị ứng phó trong mùa khô sắp tới ở khu vực phía Nam của ASEAN, cũng như các biện pháp đã được triển khai nhằm ngăn chặn các vụ cháy rừng và ô nhiễm khói mù xuyên biên giới.
Một số nội dung cũng được thảo luận tại hội thảo gồm việc mô phỏng tác động của đại dịch đối với khả năng ứng phó của ASEAN; ngân sách cho việc phòng ngừa, chuẩn bị, quản lý và ngăn chặn các vụ ô nhiễm khói mù; cũng như việc sử dụng công nghệ tiên tiến phòng chống cháy rừng và ô nhiễm khói mù ở Đông Nam Á.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của phối hợp liên ngành thông qua việc ưu tiên các giải pháp khu vực, trong đó tập trung vào các chiến lược và ưu tiên y tế, phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm như dịch COVID-19.
Hội thảo tái khẳng định ASEAN đã nỗ lực đảm bảo một khu vực không có khói mù theo Thỏa thuận chống ô nhiễm khói mù xuyên biên giới của ASEAN; nâng cao nhận thức và sẵn sàng ứng phó với các vụ ô nhiễm khói mù xuyên biên giới trong các ngành và lĩnh vực; giải quyết các tác động của đại dịch COVID-19 đối với việc quản lý các vụ cháy rừng và ô nhiễm khói mù, cũng như nguy cơ tiềm ẩn từ áp lực hậu đại dịch đối với các hệ sinh thái đất than bùn./.