Anh và EU bộc lộ mâu thuẫn về thỏa thuận thương mại hậu Brexit
Dư luận báo chí Anh và EU về ngày Brexit Mô hình nào cho quan hệ giữa EU và Anh hậu Brexit Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2 |
Xe tải tới cảng Dover thuộc Anh để rời khỏi eo biển Dover ngày 1/2/2020, một ngày sau khi London chính thức rời khỏi EU. (Nguồn: THX/TTXVN) |
Liên minh châu Âu (EU) và Anh ngày 3/2 đã bộc lộ những mâu thuẫn liên quan đến thỏa thuận thương mại hậu Brexit, khi hai bên đã đưa ra những tầm nhìn rất khác nhau về mối quan hệ tương lai.
Gần ba ngày sau khi nước Anh chính thức rời khỏi EU, hai bên đã đưa ra mục tiêu đàm phán của mình, trong đó nổi lên một câu hỏi là liệu London có chấp nhận tuân thủ các quy định của EU để đảm bảo hoạt động thương mại không giới hạn hay không.
Hai bên đều muốn đạt được một thỏa thuận thương mại, nhưng Anh đã đặt ra thời hạn cuối năm nay, còn EU cảnh báo nếu Thủ tướng Boris Johnson muốn một thỏa thuận không thuế quan, không hạn ngạch, ông sẽ phải tuân thủ các quy định của khối này nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng.
Tuy nhiên, ông Johnson cho biết ông sẽ không làm như vậy, đồng thời hứa hẹn chính phủ của ông sẽ ủng hộ thương mại tự do và kiên quyết bảo vệ “chủ quyền” của nước này.
Ông nhấn mạnh một thỏa thuận thương mại tự do không cần thiết phải bao gồm việc chấp nhận các quy định của EU về chính sách cạnh tranh, trợ cấp, bảo vệ xã hội, môi trường hay bất cứ điều gì tương tự.
Về phía mình, EU không muốn Anh “cắt xén” các quy định của khối này. Brussels cho biết EU mong muốn có một thỏa thuận thương mại không thuế quan, không hạn ngạch với Anh, nhưng cũng bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng điều này còn phụ thuộc vào sự cạnh tranh mở và công bằng giữa hai bên.
Ông Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, cho rằng cần phải có một sân chơi công bằng trong dài hạn về các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và trợ cấp của chính phủ.
Quan chức này cũng cho biết EU không muốn xảy ra trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận và sẽ nỗ lực để tránh kịch bản này, nhưng vẫn sẽ chuẩn bị cho một viễn cảnh như vậy.
Theo ông, có những lĩnh vực sẽ không có giải pháp nào khác. Một trong những nội dung khó khăn nhất trong các cuộc đàm phán trong tương lại giữa hai bên là ngư nghiệp.
Ông Barnier cho biết một hiệp định thương mại tự do phải bao gồm một thỏa thuận về ngư nghiệp, trong đó cho phép hai bên tiếp cận hải phận của nhau, và những điều kiện cho việc này phải được thiết lập trước ngày 1/7/2020.