An toàn thực phẩm trước cổng trường: Chưa bao giờ hết lo

Phong phú, màu sắc bắt mắt, giá lại rẻ, các loại đồ ăn thức uống xung quanh khu vực cổng trường rất thu hút các bạn học sinh. Tuy nhiên, các vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến học sinh ăn, uống thực phẩm trước cổng trường xảy ra ngày một nhiều.
Quảng Trị: Ăn kẹo không rõ nguồn gốc ngoài cổng trường, nhiều học sinh đau bụng, khó thở Chặn các mối nguy tấn công trường học Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn VSTP từ đồ ăn vặt cổng trường

Không phải chuyện nhỏ

Sau mấy tháng nghỉ hè, khi năm học mới bắt đầu là các xe đẩy, gánh hàng rong bán đồ ăn sáng, ăn vặt lại tiếp nối cuộc mưu sinh quanh khu vực cổng trường. Trong đó, không ít loại đồ ăn vặt chất lượng kém, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang đe dọa tới sức khỏe của học sinh.

Dạo một vòng qua các trường học, không khó để bắt gặp những chiếc xe lưu động bày bán đủ các món ăn nhanh khá thu hút học sinh. Buổi sáng thì xôi, bánh mỳ, bánh kẹp. Chiều thì phô mai que, xúc xích, bắp rang bơ, kẹo bông, thịt xiên, nem nướng, chả cá viên chiên, thạch, bánh kẹo, đồ uống... Những mặt hàng này đều có giá thành rẻ, mẫu mã bắt mắt, đa dạng về chủng loại.

Theo tìm hiểu chung thì thực phẩm cổng trường thường không rõ nguồn gốc, không che đậy, quy trình chế biến hoàn toàn bằng tay trần, sử dụng dầu mỡ chiên lại nhiều lần…

Tuy vậy, những món ăn này vẫn cuốn hút đối với học sinh. Sau giờ tan học, các em tụ tập thành từng nhóm mua quà vặt và ăn ngay trên đường phố.

An toàn thực phẩm trước cổng trường: Chưa bao giờ hết lo
Học sinh mua đồ ăn vặt không còn là chuyện lạ.

Số liệu từ Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, có tới 70% - 80% thức ăn đường phố, bao gồm cả quà vặt cổng trường, được xác định là bị nhiễm khuẩn như Ecoli - loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả. Đáng lo ngại, hàng ăn vặt được bán trên những xe lưu động, rất khó kiểm soát.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, đa số thực phẩm “siêu rẻ” bán tại các hàng rong ở cổng trường không có nguồn gốc rõ ràng, không được bảo quản, chế biến đúng quy cách nên dễ gây ngộ độc thực phẩm.

Ngoài nguy cơ ngộ độc cấp tính, gây tiêu chảy, nôn mửa, đau đầu, khó thở..., những loại thực phẩm này còn tiềm ẩn mối nguy hại lâu dài cho sức khỏe người dùng mà không có biểu hiện ngay ra bên ngoài, gây ra các bệnh mạn tính như béo phì, tim mạch, đái tháo đường...

Về lâu dài, việc tiêu thụ các thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Đặc biệt, những chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng... tồn dư trong thực phẩm sẽ ngấm vào cơ thể, tích tụ lại và gây bệnh ung thư. Thậm chí trong nhiều vụ việc, cơ quan chức năng đã phát hiện loại ma túy nguy hiểm được trộn trong các loại đồ uống, bánh kẹo…

Nỗi lo của phụ huynh

Chị Phạm Ngọc Oanh, một phụ huynh có con đang theo học tại trường tiểu học ở quận Hà Đông chia sẻ, việc các con ăn vặt tại những hàng quán không đảm bảo vệ sinh ảnh hưởng đến rất nhiều về vấn đề sức khỏe của các con. Đặc biệt đã có rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do học sinh ăn quà vặt trước cổng trường.

Chị Oanh kể, nhiều lần con trai nhìn thấy những gói tẩm ướp gia vị liền đòi mua. Tuy nhiên sau khi mở thấy mùi nồng, hắc của gia vị đồng thời chỉ có chữ nước ngoài nên đã không cho con ăn.

Anh Khổng Tuấn Anh (Long Biên), cũng tâm sự anh rất lo ngại trước “ma trận” thực phẩm đang bày bán tại các cổng trường bởi các em học sinh còn nhỏ tuổi, chưa nhận thức đầy đủ các yêu cầu về việc đảm bảo VSATTP mà chỉ cần đẹp, rẻ tiền là đổ xô mua.

“Tôi cũng khuyên con không được ăn những thực phẩm đó và thậm chí không cho con tiền để mua nhưng nhiều khi bạn bè ăn, chia sẻ với cháu trong giờ ra chơi thì mình rất khó quản lý”, anh Tuấn Anh kể.

Lo lắng của anh Tuấn Anh cũng là nỗi lo chung của nhiều phụ huynh vì học sinh là nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm độc cao nhất do sức đề kháng yếu. Bên cạnh đó do tâm lý lứa tuổi thích tụ tập bạn bè, thích các đồ ăn vặt nên việc tìm hiểu các thông tin về chất lượng sản phẩm cũng như vấn đề VSATTP gần như không có.

An toàn thực phẩm trước cổng trường: Chưa bao giờ hết lo
Các loại xiên nướng có vẻ ngoài bắt mắt với màu vàng óng ánh của dầu đọng lại, là một món ăn được ưa thích của nhiều học sinh

“Tôi cũng biết việc mua bán quà vặt, đồ ăn hàng rong ở cổng trường diễn ra rất phổ biến và phức tạp lâu nay. Song nhiều khi không kịp chuẩn bị cho con đồ ăn tại nhà nên mua ngay cổng trường. Các con chưa có nhận thức đầy đủ về thực phẩm mất vệ sinh, thiếu an toàn. Tôi cũng thường xuyên nhắc nhở và giúp con nhận thức phân loại. Tuy nhiên, các loại thực phẩm trước cổng trường ngày càng đa dạng và thay đổi mẫu mã liên tục nên cũng khó mà bao quát hết được”, chị Lê Thu Trang (Times City) bộc bạch.

Tình trạng mất an toàn thực phẩm trước các cổng trường học dù được cơ quan chức năng chấn chỉnh nhưng vẫn diễn ra, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa gia đình, nhà trường, học sinh.

Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tiếp tục phối hợp kiểm tra thường xuyên hơn. Các hàng quán đồ ăn, đồ uống bán ngoài cổng trường nhất thiết phải đăng ký và chịu sự quản lý. Đồng thời cũng cần thường xuyên quản lý để người bán hàng rong không được tiếp cận với cổng trường vào các thời điểm học sinh ra chơi, hay tan học.

Từ phía nhà trường, không chỉ ra quy định là xong, cần thường xuyên thông tin, tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại khu vực trường học. Bên cạnh đó, cần có sự giám sát để nhắc nhở khi học sinh có dấu hiệu không chấp hành những quy định.

Các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian quan tâm, nhắc nhở con em mình ăn uống tại gia đình trước khi đến lớp; không mua, sử dụng các loại thực phẩm, đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc.

Song, trên hết là trách nhiệm nghề nghiệp, lương tâm của những người bán hàng và sự giám sát của các cơ quan chức năng. Thực phẩm là một loại hàng hóa đặc biệt, cần chú trọng các quy định về ATTP.

Ngọc Ly
Phiên bản di động