10% hộ dân không cho phun hóa chất diệt muỗi phòng dịch sốt xuất huyết
Theo báo cáo của Phòng Y tế quận Nam Từ Liêm, tính đến ngày 30/6, quận Nam Từ Liêm có 6 ổ dịch, với 70 trường hợp bị sốt xuất huyết. Với con số trên, Nam Từ Liêm là 1 trong 4 quận của Hà Nội có số ca sốt xuất huyết nhiều nhất thành phố.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm đánh giá thời gian qua, trên địa bàn quận đã giảm số ca mắc lẫn giảm phát sinh ổ dịch mới một phần nhờ công tác tuyên truyền, giúp việc nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của dịch sốt xuất huyết (SXH) đã tốt hơn. Việc chủ động phòng ngừa trong nhân dân đã tích cực hơn, hiệu quả hơn. Kết quả giảm, nhưng dịch bệnh vẫn tăng vì từ tháng 8 tháng 9 trở đi mới là đỉnh dịch, diễn biến thời tiết còn hết sức phức tạp trong khi đó học sinh, sinh viên sắp khai trường; sinh viên đa phần ở trọ, điều kiện khó khăn nên ở những nơi không đảm bảo vệ sinh, nguy cơ dịch bệnh cao.
Với mật độ dân số đông, nhiều người dân từ nơi khác về cư trú, thuê trọ, vệ sinh môi trường kém là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát. Ảnh minh họa |
“Các ca bệnh chủ yếu xuất hiện tại khu vực Mễ Trì, Phương Canh, Xuân Phương do dân cư biến động lượng người thuê trọ gấp 2 - 3 lần dân địa phương nên việc thực hiện tuyên truyền chống dịch gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa khi cán bộ đi phun thuốc diệt muỗi thì khoảng 10% hộ dân không cho phun vì sợ độc hại” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Để người dân hiểu và an tâm hơn về công tác phun muỗi phòng dịch, các chuyên gia y tế khẳng định việc dị ứng với thuốc phun chống muỗi là điều không tránh khỏi, tuy nhiên nó không gây ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó khoa Côn trùng - Viện Sốt rét ký sinh trùng, Côn trùng Trung Ương cho biết: “Tất cả các hóa chất của Bộ Y tế sử dụng hiện nay trong chương trình phòng chống sốt xuất huyết đều nằm trong danh mục được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo sử dụng đặt khảo nghiệm thực tế tại các Viện 3 miền và khẳng định hóa chất này an toàn với con người. Trong khuyến cáo về việc phun thuốc diệt muỗi sau phun tối thiểu 30 đến 90 phút mới được vào nhà. Còn đối với trẻ nhỏ, người có bệnh về đường hô hấp dễ bị cấp tính thì nên tránh ra ngoài khoảng 2 - 3 tiếng sau khi phun”.
Ra quân phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết tại một quận trên địa bàn thành phố Hà Nội. |
Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, từ đầu năm đến nay, quận Nam Từ Liêm đã tổ chức 3 đợt tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết. Trung tâm Y tế quận Trạm Y tế phường, giám sát các điểm nguy cơ xảy ra dịch SXH hàng tuần.
Hiện, quận đã cung cấp tờ rơi tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết, các biểu mẫu báo cáo và hóa chất diệt bọ gậy cho các phường. Tổ chức giám sát các chỉ số bọ gậy trước và sau chiến dịch để đánh giá hiệu quả của chiến dịch. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát trước, trong và sau các chiến dịch. Đồng thời, tổ chức lớp tập huấn kỹ năng phát hiện và xử lý ổ bọ gậy, kỹ năng tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết cho cán bộ y tế...
Ông Tuấn cũng cho biết: “Trong quá trình giám sát 15 điểm nguy cơ xảy ra dịch cao thì có đến 8 điểm chỉ số bọ gậy vẫn rất cao (BI>20). Các điểm có chỉ số bọ gậy cao như là: Mễ Trì Hạ. tổ 5+6 Xuân Phương, tổ 1+2 Tu Hoàng, Phương Canh. Những nơi có bọ gây và muỗi cao nguy cơ sẽ tiếp tục xảy ra sốt xuất huyết”
Trước nguy cơ dịch sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng, ngành Y tế và chính quyền các địa phương đang nỗ lực triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Ngoài ra, cũng tập trung điều trị cho các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
10% Hộ dân không cho phun hóa chất chống sốt xuất huyết |
Bác sĩ Đoàn Thu Trà, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, vì sốt xuất huyết có biểu hiện giống như sốt do các vi rút khác nên nhiều người chủ quan, không đi khám hoặc tự điều trị tại nhà. Thậm chí, có trường hợp tự ý truyền dịch và dùng kháng sinh, điều này có thể nguy hiểm đến tính mạng. Dù sốt xuất huyết là bệnh tự khỏi trong vòng 7 ngày nhưng khoảng 5% bệnh nhân có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc nặng do giảm thể tích, nếu không chữa trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong. Do đó, người bệnh khi thấy các triệu chứng sốt cao đột ngột liên tục 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, đau đầu, đau người kèm các dấu hiệu phát ban, nổi hạch, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng... thì nên đến bệnh viện khám để xác định sớm và điều trị kịp thời.