Yên Lạc (Vĩnh Phúc): Xuất hiện thêm 2 ca mắc sốt xuất huyết
2 ca dương tính với sốt xuất huyết
Hai ca mắc mới đều trú tại thôn Trung Hậu, xã Tề Lỗ. Trước khi đến khám tại Trung tâm Y tế huyện, hai bệnh nhân này đều có tiền sử dịch tễ 14 ngày không ra khỏi địa phương, sống cùng gia đình không có ai mắc sốt xuất huyết, nhưng ở gần nhà có người mắc sốt xuất huyết trước đó. Bệnh nhân đều sốt, mệt mỏi, đau đầu và có uống thuốc nhưng không đỡ. Qua làm xét nghiệm tại Trung tâm Y tế huyện đều cho kết quả dương tính với sốt xuất huyết Dengue.
Hiện hai bệnh nhân này đang được điều trị tại khoa Nội truyền nhiễm - Trung tâm Y tế huyện.
Ảnh minh họa |
Ngay sau khi xác định đây là ca bệnh sốt xuất huyết nội địa, nên Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc đã khẩn trương điều tra dịch tễ, giám sát các trường hợp mắc, nghi ngờ mắc sốt xuất huyết trên địa bàn xã Tề Lỗ; đồng thời phối hợp với trạm y tế và chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân các biện pháp phòng chống dịch như: Phát quang bụi rậm, tổ chức diệt muỗi, tuyên truyền người dân trong xã; tuyên truyền trong cộng đồng khi có triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết cần khai báo ngay với y tế địa phương để được hỗ trợ kịp thời.
Triệu chứng của sốt xuất huyết và cách phòng bệnh
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh lây do muỗi vằn đốt, truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 11. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi.
Người mắc bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện: Sốt, đau đầu, có thể không kèm theo ho, sổ mũi… Người bệnh có thể diễn tiến nặng khi có những dấu hiệu sau: li bì hoặc bứt rứt; nôn nhiều; đau bụng nhiều; xuất huyết; tay chân lạnh…
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy, để phòng dịch, người dân cần thực hiện các khuyến cáo sau của Bộ Y tế:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa…
- Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch bệnh.
- Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.