Xúc động cầu truyền hình “Bản hùng ca chiến thắng”

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, tối 17/12, Đài PTTH Hà Nội thực hiện Cầu truyền hình đặc biệt mang tên “Bản hùng ca chiến thắng” nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (18/12/1972-18/12/2022).
Thăm và tặng quà cá nhân, tập thể trực tiếp tham gia chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” Ra mắt bộ sách về “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” Toàn bộ diễn biến chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972

Tái hiện một Hà Nội hiên ngang, anh dũng

Cầu truyền hình “Bản hùng ca chiến thắng” là chương trình nghệ thuật đặc biệt được truyền hình trực tiếp tại 3 điểm cầu: Cột cờ Hà Nội, Đài Tưởng niệm Khâm Thiên và Trận địa tên lửa Chèm. Xuyên suốt chương trình, thông qua hiệu ứng của ánh sáng, các tiết mục nghệ thuật và đặc biệt là trò chuyện với các nhân vật là nhân chứng lịch sử từng tham gia trực tiếp chiến đấu, khán giả như được sống lại 12 ngày đêm hào hùng tháng 12 năm 1972 của quân và dân Thủ đô.

Xúc động Cầu truyền hình “Bản hùng ca chiến thắng”
Tại điểm cầu Cột cờ Hà Nội

Bắt đầu từ đêm 18/12/1972, những chiếc “Siêu pháo đài bay B-52” mang cái chết đến từ trên không, rầm rộ tiến vào vùng trời Hà Nội, Hải Phòng. Trong thời khắc lịch sử ấy, cũng như một đêm tháng Chạp 26 năm về trước, cả Hà Nội lại khắc sâu thêm lời hịch cứu nước của Bác: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Thủ đô hiên ngang bước vào trận đánh quyết định sống còn bằng chính tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, vì Hà Nội mãi xứng đáng là “niềm tin và hy vọng” của cả nước.

Xúc động Cầu truyền hình “Bản hùng ca chiến thắng”

Suốt 12 ngày đêm, Hà Nội hiên ngang đối đầu với B-52 bảo vệ phẩm giá của mình và cũng là bảo vệ tự do và danh dự của nhân loại. Ý chí sắt thép của quân và dân Hà Nội đã hóa thân vào “rồng lửa Thăng Long”, “vít cổ” những “siêu pháo đài bay” của giặc Mỹ. Trong chương trình, khán giả đã được lắng nghe câu chuyện từ người chỉ huy cao nhất của Tiểu đoàn 77 cách đây đúng nửa thế kỷ, Đại tá, Anh hùng LLVT Đinh Thế Văn.

Ông đã kể về việc bắn hạ 4 chiếc B-52, nhiều nhất trong số các đơn vị tên lửa tham gia chiến đấu bảo vệ ngày ấy với cách đánh B52 độc đáo “vượt nửa góc”. Nếu so với lối đánh được huấn luyện rất kỹ từ trước-“bắn ba điểm” thì đánh “vượt nửa góc”- nguy hiểm nhưng hiệu quả. Chỉ cần ta không tắt sóng ra-đa kịp thời, các trắc thủ không thao tác nhanh gọn, dứt điểm, đặc biệt là toàn đội không có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ thì máy bay địch có thể dùng tên lửa tấn công trận địa ngay tức thì.

Với tinh thần “dám đánh”, “quyết đánh”, “quyết thắng”, trong 12 ngày đêm, Tiểu đoàn 77 đã đánh 18 trận, trong đó 14 trận bắt mục tiêu; 10 trận hoàn toàn đưa khí tài vào tự động nên xác suất đạt 98%; làm nên “Trận địa Chèm huyền thoại”.

Xúc động Cầu truyền hình “Bản hùng ca chiến thắng”
MC Bảo Anh tại điểm cầu Đài Tưởng niệm Khâm Thiên

Hiên ngang, anh dũng là thế nhưng trong bom rơi, đạn lửa, người Hà Nội vẫn đầy khí chất hào hoa. Tại điểm cầu Cột cờ Hà Nội, nhà báo Ngô Thanh - tác giả kịch bản, đạo diễn chương trình đã xen kẽ các tiết mục nghệ thuật với các ca khúc: "Hà Nội – Niềm tin và hy vọng" (Sáng tác: Phan Nhân), "Hà Nội những đêm không ngủ" (Sáng tác: Phạm Tuyên), với điểm nhấn là câu chuyện về sự ra đời của những ca khúc này.

Trong hoàn cảnh ấy, những thi sĩ, những văn nhân hay bất cứ người dân nào của Hà Nội vẫn giữ vững tinh thần thép và lạc quan hiếm thấy.

Xúc động trước một Khâm Thiên đau thương

Đáng chú ý, tại điểm cầu Khâm Thiên, khán giả trẻ Thủ đô, những người sống trong thời bình hôm nay đã vô cùng xúc động khi chứng kiến tội ác tột cùng của quân giặc khi dội bom B-52 nhằm san phẳng Hà Nội qua các thước phim tư liệu được trình chiếu.

Sau vệt bom rải thảm đêm 26/12/1972, 534 ngôi nhà ở Khâm Thiên đã bị san phẳng, 287 người chết, trong đó có 40 cụ già, 56 trẻ em và 94 phụ nữ; 290 người bị thương và 178 trẻ em trở thành mồ côi sau đêm định mệnh đó.

Xúc động Cầu truyền hình “Bản hùng ca chiến thắng”
Ông Lê Đình Giật, nhân chứng sống ở Khâm Thiên đã xúc động trong nước mắt kể lại trận bom kinh hoàng đêm 26/12/1972

Vẫn chất chứa trong lòng những ám ảnh, đau thương, mất mát, ông Lê Đình Giật, nhân chứng sống ở Khâm Thiên đã xúc động trong nước mắt kể lại, trận bom kinh hoàng rải thảm dài hơn 1km, chiều ngang tới 300m chùm lên cả dãy phố. Hàng trăm quả bom các loại đã hủy diệt hoàn toàn 6 khối phố.

Cả một con đường dài với những ngôi nhà cao thấp khác nhau, sau khi dứt tiếng bom B-52 chỉ còn là một bãi gạch đá ngổn ngang, cát bụi mịt mù. Chỉ một đêm sau trận bom, những vành khăn trắng xoá trong đêm, mùi hương bay dài theo phố… Tất cả hình ảnh đó đã biến thành nỗi ám ảnh khiến cả đời ông Giật và người dân khu phố Khâm Thiên khắc khoải khôn nguôi:

Một tháng chạp,

Trên nóc cao, còi hụ,

Cái chết đến tự phương nào?

Cách thủ đô bao nhiêu cây số?

Tháng Chạp con đường ngẩn ngơ,

Dãy phố thành tọa dộ.

Khu trắng không người ở…”

Một trong những chi tiết gieo vào lòng người xem nỗi đau không tả xiết, nỗi ám ảnh khôn nguôi, đó là thước phim tư liệu kể về nữ bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai Ngô Thị Ngọc Tường. Người con gái Hà Nội, nữ bác sĩ ấy đã mãi mãi ra đi sau trận bom kinh hoàng chỉ trước ngày cưới. Chiếc váy cưới trở thành áo liệm chị trong ngày đưa tang.

Mất mát lớn lao ấy rồi cũng dần được nguôi ngoai bởi tình thương yêu và khát vọng hòa bình của người Hà Nội. Song nỗi đau về một đêm tháng Chạp cách đây nửa thế kỷ dường như vẫn hiện hữu mỗi khi những cơn gió đông xao xác ùa về…

Hà Nội - thành phố của lương tâm và phẩm giá

Với sự kết nối nhịp nhàng giữa 3 điểm cầu, các nhân chứng lịch sử dẫn dắt khán giả ngược về hồi ức 50 năm trước. Hình ảnh Hà Nội với những chiến sĩ, người dân giản dị, lãng mạn nhưng đứng trước kẻ thù thì hiên ngang và anh dũng phi thường.

Đạo diễn Ngô Thanh đã đưa khán giả về với hồi ức của người nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Tự - người tạc bức tượng ở Đài tưởng niệm Khâm Thiên. Ông khắc họa một người phụ nữ Hà Nội, tay chị ôm đứa con đã chết nhưng bước chân nhấc lên cao, giẫm đạp lên bom Mỹ. Đó là hình ảnh người phụ nữ với tinh thần mạnh hơn cái chết, hơn cả sự hủy diệt của bom đạn.

Họa sĩ kể, khi nghe câu chuyện đau thương trong đêm Mỹ dội bom ở Khâm Thiên, ông quyết định làm làm bức tượng bằng đất này, lấy nguyên mẫu hình ảnh của một phụ nữ người Hà Nội đã bị chết đứng ngay chân cầu thang nhà số 47 đổ nát để tố cáo tội ác của giặc.

“Đó là hình ảnh có giá trị tố cáo tội ác của giặc Mỹ và thể hiện tình thần bất khuất của người dân Hà Nội, người dân Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc”, họa sĩ Nguyễn Tự chia sẻ.

Xúc động Cầu truyền hình “Bản hùng ca chiến thắng”
Các tiết mục nghệ thuật xen kẽ trong chương trình

Chương trình nghệ thuật đã khép lại với những đánh giá, nhận định của các nhà báo, nhân chứng quốc tế về sự thất bại của đế quốc Mỹ. Và đúng như bạn bè quốc tế khi đó kỳ vọng, Hà Nội đã chứng minh là một thành phố của “lương tâm và phẩm giá’’.

Sau 12 ngày đêm kiên cường với ý chí sắt thép “quyết thắng”, quân và dân Hà Nội đã buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán Hội nghị Paris, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Xúc động Cầu truyền hình “Bản hùng ca chiến thắng”
GS.TS Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

Phần cuối chương trình, GS.TS Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh và khẳng định: “Có thể nói, "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" chính là bản hùng ca chiến thắng, một kỳ tích của sức mạnh tổng hợp toàn dân, từ thế trận lòng dân, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.

Riêng với Thủ đô, chiến thắng này trở thành biểu tượng rực rỡ của hào khí Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, là bản anh hùng ca thời đại Hồ Chí Minh, để giờ đây, mỗi chúng ta thêm tự hào về một Hà Nội rạng ngời, "linh thiêng, hào hoa” suốt cả ngàn năm, là “niềm tin” của hiện tại và cũng chính là “hy vọng” của tương lai”.

Thái Sơn
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động