Xử lý nghiêm những cán bộ buông lỏng quản lý an toàn thực phẩm
Đó là những nội dung nêu trong Quyết định số 28/2022/QĐ-UBND (ngày 24/6/2022) của UBND thành phố Hà Nội, quy định phân công, phân cấp quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 4/7/2022.
Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm (Ảnh minh họa) |
Quy định này giao nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể về quản lý an toàn thực phẩm cho các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương. Trong đó, Sở Y tế là cơ quan đầu mối Thường trực Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội có trách nhiệm tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo hoạch định những vấn đề có tính chiến lược để chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý.
Quyết định cũng cụ thể hóa trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã trong quản lý về an toàn thực phẩm. Đối với UBND cấp huyện, thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên phạm vi địa phương, chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về an toàn thực phẩm tại địa phương.
Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm; Chủ động tổ chức lực lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Đối với UBND cấp xã, thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên phạm vi địa phương, chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện và UBND thành phố về an toàn thực phẩm tại địa phương. Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm.
Chủ tịch UBND cấp xã chủ động tổ chức lực lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn; Trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của cơ quan, đơn vị, bộ phận được phân công quản lý an toàn thực phẩm; Xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; tổ chức giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.