Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không khai báo dịch H5N6
Vào tâm điểm dịch cúm A H5N6 tại Thanh Hóa |
Ngày 25/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi UBND tỉnh Thanh Hoá về việc tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt kiểm soát dịch cúm gia cầm.
Qua kiểm tra thực tế của Bộ, báo cáo của cơ quan thú y tỉnh Thanh Hóa, từ đầu tháng 2 đến nay, dịch bệnh cúm gia cầm đã xảy ra tại 14 xã, 9 huyện, buộc phải tiêu hủy gần 60.000 con gia cầm.
Bộ Nông nghiệp đề nghị Thanh Hóa xử lý nghiêm hành vi không khai báo dịch cúm gia cầm |
Hiện nay, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan rộng trên toàn địa bàn tỉnh Thanh Hóa và các địa phương khác.
Để nhanh chóng kiểm soát không để dịch lây lan ra diện rộng, đặc biệt không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch trong bối cảnh dịch Covid đang diễn ra phức tạp, Bộ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung các nguồn lực của địa phương nghiêm túc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm; trong đó chú trọng ngăn chặn, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới.
Địa phương phải tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc; tiêm phòng khẩn cấp chống dịch, bao vây ổ dịch cho đàn gia cầm của các xã đã, đang có dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra khỏi vùng có dịch theo đúng quy định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hoá tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện việc báo cáo để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Ngoài ra, tỉnh cần tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng, liên tục để người dân biết về tác hại nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tham gia tích cực trong phòng chống dịch bệnh cũng như các biện pháp xử lý gia cầm bệnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tỉnh xem xét việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, phân công rõ trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, tổ chức chống dịch khẩn cấp theo đúng các quy định.
Đối với các địa phương chưa có dịch cúm gia cầm, Bộ yêu cầu chính quyền các cấp, cơ quan thú y, các cơ quan liên quan tổ chức chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp gia cầm mắc bệnh.
Các đơn vị rà soát, tổ chức tiêm phòng tại các địa bàn có nguy cơ cao; thực hiện nghiêm việc báo cáo dịch bệnh từ cấp thôn, xã, huyện đến cấp tỉnh, bảo đảm chính xác, kịp thời và theo đúng quy định để tổ chức phòng, chống dịch bệnh; đồng thời tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi chủ động áp dụng các biện pháp phòng dịch là chính, chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, sát trùng phòng bệnh.