Xử đại án Mobifone-AVG được bình chọn là sự kiện nổi bật năm 2019

Lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp, hai cựu Bộ trưởng là ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn phải hầu tòa vì hành vi nhận hối lộ trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG. Đây là 1 trong 10 sự kiện kinh tế nổi bật trong năm 2019 do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt cùng 20 chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam bình chọn.
Hai cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông hầu toà Sau bê bối vụ AVG, MobiFone có Tổng giám đốc mới 8 đại án sắp xử và những thiệt hại khủng

Toàn cảnh cuộc bình chọn 10 sự kiện kinh tế 2019 và tọa đàm “Kinh tế 2020: Triển vọng từ cộng đồng ASEAN”. (Ảnh: Trọng Hiếu).

Sáng 18/12, Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức bình chọn 10 sự kiện kinh tế 2019 và tọa đàm “Kinh tế 2020: Triển vọng từ cộng đồng ASEAN”. Đây là sự kiện được tổ chức dịp cuối năm và liên tục trong 3 năm gần đây nhằm nhìn lại những thành tựu đã đạt được của nền kinh tế 2019 cũng như khó khăn, thách thức và triển vọng của năm 2020.

Sự kiện đã thu hút sự tham gia của hơn 20 chuyên gia kinh tế hàng đầu như: Ông Trương Đình Tuyển, TS Trần Đình Thiên, TS Võ Trí Thành, TS Lê Xuân Nghĩa, TS Nguyễn Xuân Thành, TS Nguyễn Đình Cung, TS Đặng Kim Sơn, TS Cấn Văn Lực…

Sau gần 2 giờ thảo luận, ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia kinh tế, Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt đã chọn ra 10 sự kiện kinh tế tiêu biểu của năm 2019.

1. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP cao hơn mục tiêu 6,8% được Quốc hội đặt ra.

Trong bối cảnh tín dụng thấp nhất trong 5 năm qua, hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công chưa được cải thiện. Song tăng trưởng GDP vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, thoát khỏi chu kỳ tăng trưởng trồi sụt 10 năm từng xuất hiện trong quá khứ.

2. Lạm phát thấp nhất trong nhiều năm qua.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2019 tăng 0,96% so với tháng trước và là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 trong 9 năm trở lại đây, nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung thịt lợn giảm làm giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao. Tuy nhiên, tính bình quân 11 tháng của năm 2019, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 11 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây

3. Năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện mạnh, tăng 10 bậc theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế Giới (WEF).

Năm 2019 năng lực cạnh tranh quốc gia của nước ta theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới tăng 3,5 điểm và 10 bậc. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của nước ta theo xếp hạng của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tăng 3 bậc với 6/7 nhóm trụ cột tăng điểm. Kết quả cải thiện Môi trường kinh doanh theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) năm 2019 tăng 1,2 điểm…

4. Hiệp định Thương mại tự do CPTPP chính thức có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do EVFTA được ký kết, tạo động lực thúc đẩy cải cách thể chế trong nước.

Năm 2019 là năm chứng khiến sự hội nhập sâu rộng hơn của nền kinh tế Việt Nam khi hai hiệp định thương mại thế hệ mới là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Các Hiệp định thương mại này mang lại nhiều thách thức nhưng đồng thời cũng mở ra những cơ hội lớn lao cho nền kinh tế Việt Nam.

5. Kinh tế tư nhân bứt phá, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

11 tháng của năm 2019 ghi nhận hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng trưởng 5,9% về số doanh nghiệp và 34% về số vốn đăng ký. Bên cạnh đó, còn có 27,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

6. Vụ án tham nhũng kinh tế lớn nhất từ trước tới nay được đưa ra xét xử.

Thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG được đưa ra xét xử. Lần đầu tiên trong lịch sử, hai cựu Bộ trưởng Bộ TTTT là ông Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son phải hầu toà vì những sai phạm trong quản lý kinh tế, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ngân sách Nhà nước.

Trước đó, đã diễn ra những phiên toà xét xử Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm"), sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Xây Dựng… Đây đều là những vụ án kinh tế lớn thu hút sự quan tâm của dư luận. Thông qua những phiên toà này, ngân sách đã thu được hàng chục nghìn tỷ đồng, thể hiện quyết tâm cao độ của Đảng, Nhà nước trong việc phòng chống tham nhũng, củng cố niềm tin của toàn thể nhân dân…

7. Hạt gạo ST25 của Việt nam lần đầu tiên đạt giải ngon nhất thế giới.

Tại cuộc thi World’s Best Rice (Gạo ngon nhất thế giới) tại Hội nghị quốc tế lần thứ 11 về thương mại gạo, tổ chức tại Manila (Philippines). Nhóm nhà khoa học gồm kỹ sư Hồ Quang Cua, TS Trần Tấn Phương và kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương được vinh danh khi gạo ST25 do họ lai tạo nhận được cúp World’s Best Rice.

8. Tái cơ cấu nông nghiệp đạt được kết quả ban đầu đáng khích lệ.

Tái cơ cấu nông nghiệp trong những năm qua đã tạo ra những bước bứt phá, khắc phục những tồn tại và tạo ra sự phát triển tích cực. Nhờ sức sản xuất lớn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng mạnh, năm 2019, ước kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này đạt 41 – 42 tỷ USD.

9. Nông thôn mới có nhiều điều chỉnh, khởi sắc.

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân cả nước nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia.

10. Giải ngân vốn dầu tư công chậm, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước không đạt kế hoạch đề ra, cải cách thủ tục hành chính

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2019 là hơn 231.664 tỷ đồng, đạt gần 54% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt hơn 58% so với kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2018 ước đạt gần 62% kế hoạch Thủ tướng giao). Trong đó, vốn trong nước giải ngân được hơn 217.078 tỷ đồng, đạt gần 62% kế hoạch Thủ tướng giao (vốn trái phiếu chính phủ giải ngân đạt gần 13.000 tỷ đồng, đạt hơn 33% và vốn chương trình mục tiêu quốc gia đạt hơn 10.498 tỷ đồng, đạt hơn 58%); vốn ngoài nước giải ngân hơn 14.586 tỷ đồng, đạt 31% kế hoạch Thủ tướng giao.

Về cổ phần hoá DNNN, cũng theo số liệu từ Bộ Tài chính, lũy kế giai đoạn 2016 – 2019, đã có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 168 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/168 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục 128 doanh nghiệp cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch), số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp.

Về thoái vốn, năm 2019 đã có 13 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020, thực hiện thoái vốn với giá trị 896 tỷ đồng, thu về 1.839 tỷ đồng.

Từ năm 2017-2019, thoái vốn nhà nước tại 92 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị 4.704 tỷ đồng, thu về 8.964 tỷ đồng. Như vậy, việc triển khai thoái vốn nhà nước theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg mới đạt 7,8% kế hoạch.

Về cải cách thủ tục hành chính, thời gian vừa qua, dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt về đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Song thực tế cho thấy, vẫn còn một số nhiệm vụ triển khai chậm và chưa đáp ứng yêu cầu. Một số địa phương chưa ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử sửa đổi. Việc ứng dụng chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại một số địa phương chưa được triển khai đầy đủ (Điện Biên mới thực hiện tại 10 cơ quan, đơn vị).

Tỷ lệ văn bản ký số trên tổng số văn bản điện tử gửi đến VPCP (từ ngày 12/3/2019 đến ngày 15/11/2019) của một số địa phương còn chưa cao (Lào Cai: 52,7%; Điện Biên: 62,8%, Tuyên Quang: 67,4%). Việc thành lập, kiện toàn tổ chức bộ phận một cửa, thời hạn là quý IV/2018, tuy nhiên đến nay vẫn còn địa phương chưa hoàn thành.

Một số địa phương chưa hoàn thành việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo yêu cầu; số lượng hồ sơ trực tuyến phát sinh còn rất thấp. Nhiều địa phương chưa triển khai xây dựng HTTT báo cáo; các phương án đơn giản hóa TTHC hầu hết chỉ cắt giảm thời gian thực hiện, chưa gắn với việc đổi mới quy trình nghiệp vụ, ứng dụng CNTT.

Nguồn: Dân Việt
danviet.vn
Phiên bản di động