Xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng
Nội dung công tác phối hợp, thực hiện hiệp định chống cướp biển Nội dung hợp tác quốc tế trong Luật Cảnh sát biển Hà Nội và TP HCM ký kết 10 nội dung hợp tác phát triển |
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.
Ở trong nước, chúng ta phải đối mặt với “tác động kép” từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài đối với nền kinh tế có độ mở cao và trong quá trình khắc phục hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu khai mạc kỳ họp |
Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, của Tỉnh ủy; HĐND tỉnh đã tăng cường giám sát và ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thực hiện các khâu đột phá, khơi thông điểm nghẽn; UBND tỉnh đã chủ động, linh hoạt điều hành phát triển kinh tế - xã hội; cùng với sự nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kết quả kinh tế - xã hội năm 2023 đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XVII diễn ra ngay sau thành công tốt đẹp của của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng để HĐND tỉnh xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được trong năm 2023; chỉ ra những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; dự báo tình hình, những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức; từ đó, đề ra những cơ chế, chính sách, biện pháp để các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện năm 2024 và từ nay đến cuối nhiệm kỳ.
Vì vậy, tại kỳ họp này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh cần phát huy tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, trí tuệ, phân tích, đánh giá những kết quả đã đạt được, những hạn chế; đề xuất, quyết định đúng đắn, kịp thời các cơ chế, chính sách để thực hiện được các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của HĐND tỉnh đã đề ra.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp thanh tra cho đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan |
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết, theo chương trình đã được thông qua tại phiên họp trù bị, kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh diễn ra trong 3 ngày, sẽ xem xét, quyết định những nội dung quan trọng.
Về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và đầu tư công: HĐND tỉnh xem xét báo cáo của UBND tỉnh về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023, sử dụng nguồn dự phòng ngân sách cấp tỉnh năm 2023; xem xét và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách năm 2024; xem xét tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, quyết định kế hoạch đầu tư công năm 2024; điều chỉnh và giao vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; xem xét kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2024 - 2026.
Trên cơ sở kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách ước thực hiện cả năm 2023, căn cứ các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các vị đại biểu nghiên cứu kỹ các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh và báo cáo thẩm tra của các Ban của HĐND tỉnh để phân tích, đánh giá sát thực, khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được; chỉ rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém hoặc bất cập, nguyên nhân khách quan và chủ quan; xem xét, quyết định mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách năm 2024; đồng thời, đề xuất, hiến kế các giải pháp nhằm đạt được kết quả cao nhất của năm 2024 tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025.
Về hoạt động giám sát: HĐND tỉnh sẽ nghe Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo kết quả kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thông báo về hoạt động của Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến HĐND tỉnh.
Các đại biểu cũng sẽ xem xét báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh về tổng hợp và giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Cùng với đó, các đại biểu cũng sẽ xem xét, cho ý kiến báo cáo công tác năm 2023 của Thường trực và các Ban HĐND tỉnh, UBND tỉnh, TAND tỉnh, Viện KSND tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh; các báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phòng, chống tham nhũng; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tình hình triển khai thi hành Hiến pháp, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và Nghị quyết của HĐND tỉnh năm 2023.
HĐND tỉnh tiến hành giám sát chuyên đề “Về việc triển khai thực hiện xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc theo nghị quyết của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc”. Trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh, báo cáo của Đoàn giám sát, đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế; các nguyên nhân kể cả khách quan và chủ quan; kiến nghị các giải pháp cụ thể để tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong quản lý nhà nước; góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương của tỉnh về xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trong thời gian tới.
Thực hiện Quy định số 96 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 96/2023 của Quốc hội; hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND tỉnh bầu. Đây là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của HĐND tỉnh đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Trên cơ sở báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi đến từng đại biểu HĐND tỉnh, lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, đề nghị mỗi đại biểu HĐND tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm cao đối với cử tri, đối với tổ chức, hoạt động của HĐND tỉnh và bộ máy chính quyền của tỉnh, đánh giá công tâm, khách quan và chính xác trong ghi phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh do HĐND tỉnh bầu.
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thông qua các nghị quyết có liên quan đến hoạt động giám sát của HĐND tỉnh năm 2024, như: Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung chương trình giám sát năm 2024; thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2024; Kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh năm 2024.
Ở ký họp này, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc cũng sẽ xem xét, thông qua các nghị quyết do Thường trực HĐND, UBND tỉnh trình.
Với số lượng lớn dự thảo nghị quyết được xem xét, cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp này, trong đó, có nhiều dự thảo nghị quyết có nội dung phức tạp, phạm vi tác động rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, người dân và doanh nghiệp, trên cơ sở báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, đề nghị các vị đại biểu dành thời gian nghiên cứu, tập trung thảo luận, đánh giá làm rõ sự cần thiết, căn cứ ban hành, nội dung của các nghị quyết, đặc biệt là các chuyên đề về ban hành cơ chế, chính sách để đảm bảo tính pháp lý, thực tiễn và tính khả thi của nghị quyết HĐND tỉnh.
Về công tác nhân sự: HĐND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự, cụ thể là xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh; miễn nhiệm Hội thẩm Nhân dân của TAND tỉnh Vĩnh Phúc.