Xe buýt sắp chạy ở Yên Bái: Người dân nói gì?

Theo Sở GTVT Yên Bái, từ nay đến năm 2020, Yên Bái sẽ thay thế tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe buýt trên một số tuyến ở Cổ Phúc, TP Yên Bái và huyện Yên Bình có cự ly ngắn.
Yên Bái: Sắp khai trương 3 tuyến buýt phục vụ người dân

Không phải lần đầu có xe buýt

Tại Yên Bái, đây không phải đề án mới, mà những ngày đầu năm 2008, trên đường thành phố Yên Bái và tuyến thị trấn Cổ Phúc - cảng Hương Lý, người ta thấy xuất hiện những chiếc xe sơn màu vàng, đỏ chạy theo giờ cố định do Công ty cổ phần Vận tải Thuỷ bộ Yên Bái khai thác phục vụ hành khách. Trước đó, thời bao cấp, công ty cũng đã cho chạy thử nghiệm tuyến thành phố Yên Bái - cảng Hương Lý, nhưng hiệu quả thấp nên phải dẹp bỏ.

Giờ đây, trong đề án mới của Sở Giao thông Vận tải Yên Bái, đến năm 2020, sẽ có 3 tuyến xe buýt gồm tuyến Thành phố Yên Bái đi thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên) dài 17,5km; tuyến thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình) đi bệnh viện 500 giường (TP Yên Bái) dài 20km; tuyến thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình) đi bến xe Nước Mát (TP Yên Bái) dài 19,1 km. Các tuyến này sẽ sử dụng xe buýt từ 20 đến 60 chỗ ngồi, với tần suất từ 55 đến 65 phút/chuyến.

Sau khi triển khai các tuyến xe buýt trên, tỉnh Yên Bái sẽ mở thêm các tuyến xe buýt mới. Dự kiến đến năm 2030, Yên Bái sẽ có hệ thống xe buýt hoàn chỉnh, nối thành phố Yên Bái tới một số khu du lịch, cùng các tỉnh lân cận.

Việc triển khai và xây dựng các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh Yên Bái là cần thiết, sẽ mở ra cơ hội để nhân dân trên địa bàn tiếp cận với các phương tiện công cộng tiện dụng, đảm bảo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tiết kiệm chi phí xã hội.

Nhưng các tuyến đường như thế nào, giờ chạy của xe buýt ra sao để phù hợp, phục vụ được phần lớn nhu cầu đi lại của người dân, nên có sự tham vấn đầy đủ ý kiến của các ban ngành, địa phương và nhân dân… để đưa ra những tuyến xe buýt chất lượng nhất phục vụ việc đi lại, di chuyển trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Theo ghi nhận và khảo sát của PV về vấn đề này, nhiều người dân cho rằng, việc mở các tuyến xe buýt trong tỉnh Yên Bái là hợp lý và cần triển khai nhanh. Nhưng cũng vẫn còn nhiều bất cập, như việc 3 tuyến xe mở ra với chặng đường ngắn, thời gian chờ lâu chưa thực sự hợp lý với sự phát triển của tỉnh Yên Bái.

Người dân nói gì?

Qua khảo sát tại một số khu vực đông dân cư và hay di chuyển như học sinh, cán bộ công chức viên chức, và người lao động tại khu công nghiệp… nói về việc có hay không đi xe buýt.

Tại trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Yên Bái, em Lý Hữu Xuân Huy, học sinh trường cho biết: “Nếu có tuyến xe buýt, chắc chắn em sẽ đi, vì như vậy sẽ tiết kiệm các khoản chi phí đi lại mỗi khi em về”. Em Lương Mỹ Lệ cho rằng: “Xe buýt mở ra rất tiện lợi, hàng tuần em có thể về nhà ở Lục Yên, chi phí em đi lại cũng sẽ được giảm. Nhưng chưa có tuyến xe về nhà em, nên em mong có tuyến xe buýt về nhà em sớm nhất”.

Bày tỏ về vấn đề này, thầy Vũ Hải - Hiệu trưởng nhà trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Yên Bái nói: “Học sinh tại trường 100% là các em dân tộc ở các huyện trên địa bàn tỉnh về học, khi có tuyến xe buýt mở ra nối liền các huyện với thành phố Yên Bái thì rất tốt, giúp giảm chi phí đi lại cho các em học sinh mỗi khi các em về nhà”.

Tại trường THPT Nguyễn Huệ, em Thiều Ngọc Khánh Linh chia sẻ: “Có xe buýt thì em cũng sẽ đi, vì như vậy sẽ tránh được tai nạn, nhưng thời gian giữa các chuyến lâu quá, em là học sinh cuối cấp, nên việc di chuyển đi học sẽ rất nhiều, các chuyến cách xa nhau quá, em không thể vào học kịp”.

Em Nguyễn Trà My, học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành nói: “Nếu có xe buýt thì thật tốt, giúp em thuận tiện đi lại hơn, trường em ở xa khu nhà em ở, nên nếu có xe buýt em đi không phải lo nắng mưa, em mong thời gian phân bổ chuyến hợp lý, vì gần như bọn em học ở trường, nên mong có những chuyến xe muộn, để đi”.

Tại trường THPT Hoàng Quốc Việt, em Nguyễn Tuấn Mạnh chia sẻ: “Đường trước cổng trường em rất bé, có nhiều xe container đi lại, đi rất nguy hiểm, có tuyến xe buýt qua trường em thì tốt quá”.

Anh Xuân Hà, công tác tại văn phòng đăng ký đất đai và phát triển quỹ đất tỉnh Yên Bái bài tỏ: “Có xe buýt thì mình cũng không đi, vì công việc của mình yêu cầu đi lại nhiều, xe buýt lại chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của mình, nên mình sẽ không đi”.

Anh Hoàng Tuấn, công tác tại Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố Yên Bái nói: “Công việc của mình, đôi lúc phải đi lại giao hồ sơ cho các bên liên quan trong địa bàn thành phố Yên Bái, nên nếu các chuyến xe buýt có thời gian hợp lý thì mình sẽ đi”.

Chị Khánh Trà, kinh doanh tại bến xe Yên Bái chia sẻ: “Nếu có xe buýt mở ra thì cũng hay, nhưng nếu là bản thân chị thì chị không đi, vì chị bị say xe, với lại sợ chất lượng xe không tốt”.

Chị Minh Ngọc, huyện Trấn Yên cho rằng: “Tôi sẽ không đi, vì đơn giản từ nhà chị xuống thành phố cũng không có xa, đi lại đi xe máy vẫn tiện hơn”. Anh Thanh Tú, huyện Văn Chấn cũng ủng hộ việc đi xe buýt: “Mình đang có người nhà chữa bệnh trong bệnh viện 500 giường, nên nếu có xe buýt thì mình cũng ủng hộ, như thế mình có thể tiết kiệm đi lại, để dành tiền chữa bệnh cho người nhà. Tiếc là chưa có tuyến xe lên đến nhà mình”.

Chia sẻ với PV, anh Mùa A Chúng, huyện Mù Cang Chải: “Nhà mình nghèo, nên nếu có xe buýt, thì mình sẽ đi, tiết kiệm được rất nhiều tiền, con mình bị ngã chấn thương nặng, nên tiết kiệm được nhiều thì tốt, nên có xe mình sẽ đi”.

Chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người cũng bày tỏ, trước đây cũng đã có xe buýt chạy thử nghiệm, tuy nhiên, dự án này đã bị hủy bỏ vì không khả thi và ít người sử dụng phương tiện xe buýt để đi mà lựa chọn phương tiện cá nhân.

(Còn nữa...)

Đức Mậu - Ngọc Nhung
Phiên bản di động