Xây "tổ" chắc chắn và hiện đại, Bắc Giang trở thành bến đỗ của hàng loạt "đại bàng"
Bắc Giang thu hút được hơn 3,2 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi |
Dấu ấn mạnh mẽ sau 2 thập kỷ
Tại hội nghị thông tin báo chí về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023; mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2024 diễn ra chiều 6/12, đồng chí Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang phấn khởi cho biết, tính riêng thu hút mới FDI, Bắc Giang đứng thứ 2 cả nước sau Quảng Ninh với số vốn đạt 1,53 tỷ USD. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 15.843 tỷ đồng, vượt 5,2% dự toán và là một trong 18 tỉnh, thành phố trong cả nước hoàn thành dự toán thu ngân sách.
Tỉnh Bắc Giang phát triển mạnh mẽ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch sang công nghiệp, dịch vụ |
Kết quả to lớn nói trên càng ý nghĩa hơn khi Bắc Giang chỉ bắt tay phát triển công nghiệp vỏn vẹn 20 năm trước, từ nền tảng khá khiêm tốn, nếu không muốn nói là nghèo nàn. Tuy nhiên, sự quyết tâm, sáng tạo, nỗ lực không biết mệt mỏi của cả hệ thống chính trị đã mang lại “quả ngọt” cho Bắc Giang trong phát triển công nghiệp.
Được biết, sau khi tái lập tỉnh năm 1997, Bắc Giang chưa có khu công nghiệp (KCN). Việc sản xuất mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự đồng bộ, hiệu quả.
Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XV (nhiệm kỳ 2000-2005) đã phân tích đánh giá và chỉ ra thuận lợi của tỉnh trong việc phát triển công nghiệp.
Cụ thể, tỉnh Bắc Giang nằm ở khu vực chuyển tiếp từ vùng Trung du và miền núi phía Bắc đến vùng Đồng bằng Sông Hồng, có vị trí địa lý thuận lợi để thu hút đầu tư thông qua hợp tác và liên kết kinh tế với các tỉnh lân cận và các trung tâm kinh tế lớn.
Bắc Giang là tỉnh thuộc vùng Thủ đô Hà Nội, hạ tầng kỹ thuật và xã hội của vùng đang được tập trung xây dựng đồng bộ và hiện đại. Trong vùng, Bắc Giang được xem là cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp vận-trung chuyển hàng hóa của Vùng Thủ đô Hà Nội với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn).
Thủ tướng Phạm Minh Chính ấn nút khởi công nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Bắc Giang |
Sức cạnh tranh của Bắc Giang đang được củng cố đáng kể thông qua hệ thống đường giao thông kết nối với Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị. Ngoài ra, Bắc Giang cách không xa các trung tâm công nghiệp, đô thị lớn của “Tam giác kinh tế phát triển”: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, nơi tập trung tiềm lực khoa học kỹ thuật của cả nước, nơi tập trung đầu mối kinh tế đối ngoại, giao lưu kinh tế, khoa học, công nghệ với tốc độ đô thị hoá nhanh và là thị trường tiêu thụ lớn.
Chính vì thế, Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XV (nhiệm kỳ 2000-2005) đã quyết định chuyển trọng tâm định hướng phát triển kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp. Tròn 20 năm trước, tức năm 2003, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập KCN Đình Trám, đây là KCN đầu tiên của tỉnh Bắc Giang.
Những năm tiếp theo, tỉnh Bắc Giang được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập thêm 7 KCN, bao gồm: KCN Quang Châu (426ha và mở rộng thêm 90ha); KCN Song Khê - Nội Hoàng (150ha); KCN Vân Trung (351ha); KCN Việt Hàn (giai đoạn 1 là 50ha); KCN Hòa Phú (208ha và mở rộng thêm 85ha); KCN Yên Lư (377ha); KCN Tân Hưng (105ha). Nâng tổng số các KCN trên địa bàn tỉnh là 8 KCN, với tổng diện tích quy hoạch là 1.980ha. Tỷ lệ đất công nghiệp đã cho thuê đạt trên 77%. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật các KCN được đầu tư đồng bộ về giao thông, cấp thoát nước, cấp điện, xử lý nước thải, cây xanh ... Trong đó có khu công nghiệp hướng đến đạt KCN sinh thái.
Hiện nay, trong các KCN của tỉnh Bắc Giang có 489 dự án còn hiệu lực, trong đó: có 374 dự án FDI, tổng số vốn đăng ký đạt 9,6 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện ước đạt 7,1 tỷ USD, chiếm 74% tổng vốn đăng ký; 115 dự án DDI, vốn đăng ký 18.200 tỷ đồng và vốn thực hiện ước đạt 11.700 tỷ đồng, chiếm 64,2% tổng vốn đăng ký.
Các dự án FDI trong các KCN của Tỉnh đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc (166 dự án), Hàn Quốc (143 dự án), Singapore (21 dự án), Nhật Bản (20 dự án)...
Nhờ đó, năm 2023, tỷ trọng công nghiệp của tỉnh Bắc Giang tiếp tục tăng mạnh, dự kiến công nghiệp - xây dựng chiếm 65,8%, tăng 2,8% (Công nghiệp chiếm 59%, tăng 3,4%; xây dựng chiếm 6,9%, giảm 0,5%); dịch vụ (bao gồm cả thuế sản phẩm) chiếm 21,2%, giảm 1,2%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 13%, giảm 1,7% so với năm 2022.
Xây tổ tốt, đón đại bàng
Như đã nêu ở trên, tỉnh Bắc Giang hiện có 8 KCN, với diện tích quy hoạch xấp xỉ 2.000 ha. Nhiệm vụ vận hành, phát triển và tiếp tục mở rộng các KCN trên địa bàn tỉnh được đặt lên vai của Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang.
Được biết, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang được Thủ tướng Chính phủ Quyết định thành lập ngày 10/12/2003. Đây là là đơn vị trực thuộc UBND tỉnh Bắc Giang để quản lý các KCN trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh KCN Vân Trung, tỉnh Bắc Giang |
Đồng chí Đào Xuân Cường (Giám đốc Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang) cho biết: “Kể từ khi thành lập, vượt qua khó khăn, biến động, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang luôn chủ động, sáng tạo, kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách, quy hoạch, kế hoạch… phát triển các KCN. Đồng thời thường xuyên trao đổi, đối thoại và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh".
Trong những năm đầu chuyển hướng sang công nghiệp, việc kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp rót vốn vào tỉnh Bắc Giang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài và các dự án lớn. Tuy nhiên, bằng chủ trương đúng đắn, luôn tranh thủ sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ của các Bộ, ngành Trung ương; sự tập trung, kiên trì, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh, những năm sau đó tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả tích cực về thu hút đầu tư.
Trong các nhà đầu tư sản xuất tại Bắc Giang có nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, nổi bật như Foxconn, Luxshare. Đây cũng là hai tập đoàn có số lao động và quy mô dẫn đầu các DN FDI trong tỉnh. Công ty TNHH Luxshare ICT (Việt Nam) là công ty con của Tập đoàn Luxshare - ICT Precision (1 trong 6 tập đoàn sản xuất linh kiện điện tử hàng đầu Trung Quốc). Tập đoàn LuxShare ICT triển khai tại Bắc Giang dự án đầu tư sản xuất linh kiện điện tử với số vốn 100 triệu USD; sản phẩm chủ yếu là dây cáp và đầu nối máy vi tính thiết bị điện tử tiêu dùng, dây cáp xe hơi và cho y tế.
Công nhân nhà máy may làm việc trong KCN tỉnh Bắc Giang |
Nói về hoạt động của Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang, đồng chí Đào Xuân Cường cho biết thêm. "Ban cũng tập trung vào nhiệm vụ đôn đốc, chỉ đạo chủ đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN tập trung đẩy nhanh xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất sạch để sẵn sàng tiếp nhận dự án đầu tư thứ cấp. Do đó, việc thu hút đầu tư dự án vào các KCN của tỉnh đã có sự phát triển vượt bậc. Đặc biệt trong những năm gần đây, các KCN của tỉnh đã thu hút được nhiều dự án lớn của các tập đoàn đa quốc gia, góp phần vào kết quả thu hút vốn đầu tư FDI của tỉnh đều đứng trong tốp 10 các tỉnh, thành phố trên toàn quốc".
Theo đánh giá của Ban Quản lý các KCN Bắc Giang, nhìn chung, các doanh nghiệp trong KCN đã đóng góp rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tính riêng tháng 10/2023, tổng doanh thu từ sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp KCN ước đạt khoảng 50.400 tỷ đồng (giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt khoảng 46.700 tỷ đổng); lũy kế tổng doanh thu sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2023 ước đạt trên 393.400 tỷ đồng (giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt khoảng 371.000 tỷ đồng); giá trị xuất khẩu tháng 10 ước đạt khoảng 2,2 tỷ USD, lũy kế 10 tháng năm 2023 ước đạt khoảng 18,12 tỷ USD, đóng góp tích cực cho sự phát triển của tỉnh.
Những nỗ lực của Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang đã được ghi nhận xứng đáng. Hàng năm Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang đã được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; được cấp trên ghi nhận và khen thưởng như: được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua năm 2022; được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT tặng cờ thi đua năm 2018, năm 2021 và tặng Bằng khen năm 2020, năm 2021; năm 2023 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020-2025).
Công nghiệp là động lực tăng trưởng chính
Với tỉnh Bắc Giang, trong những năm qua, việc thu hút dự án đầu tư trong KCN đã chứng minh được những đóng góp quan trọng của các dự án sản xuất công nghiệp đối với tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm 2023, kinh tế của tỉnh Bắc Giang tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong điều kiện khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm ước đạt 13,45% (gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước), đứng đầu cả nước. Tỉnh có 17/18 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra.
Chăm lo cho đời sống của công nhân tại các KCN |
Đồng chí Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang thông tin: Cơ cấu kinh tế tỉnh Bắc Giang dịch chuyển theo hướng tích cực. Thu hút đầu tư tiếp tục đạt kết quả nổi bật. Tính đến ngày 30/11, tỉnh thu hút được hơn 3,2 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt kỷ lục từ trước đến nay. Tính riêng thu hút mới FDI, Bắc Giang đứng thứ 2 cả nước sau Quảng Ninh với số vốn đạt 1,53 tỷ USD. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 15.843 tỷ đồng, vượt 5,2% dự toán và là một trong 18 tỉnh, thành phố trong cả nước hoàn thành dự toán thu ngân sách.
Đến năm 2030, tỉnh Bắc Giang phấn đấu có 29 KCN, trở thành tỉnh trọng điểm về công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng. Hiện thực mục tiêu này, Bắc Giang đi đầu và là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050. Theo quy hoạch, Bắc Giang có 10 nghìn ha đất phát triển công nghiệp cho giai đoạn 2021-2030 với 29 KCN, 63 CCN.
Đến năm 2030, tỉnh Bắc Giang phấn đấu có 29 KCN, trở thành tỉnh trọng điểm về công nghiệp |
Như vậy, có thể thấy, nhiệm vụ dành cho Ban Quản lý các KCN Bắc Giang thời gian tới rất quan trọng và nặng nề. Đồng chí Đào Xuân Cường (Giám đốc Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang) bày tỏ: " Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, Ban Quản lý các KCN luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh; sự phối hợp của các sở, ngành và chính quyền địa phương; sự đồng thuận ủng hộ chính sách và chủ trương xây dựng KCN của nhân dân khu vực có đất bị thu hồi xây dựng KCN, do đó đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hạ tầng KCN sớm triển khai xây dựng hạ tầng KCN được hoàn thiện đồng bộ".