Vượt qua khó khăn dịch bệnh, Chương trình 02 về đích trước 2 năm
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU chủ trì hội nghị.
Hà Nội có 355/382 xã đạt chuẩn Nông thôn mới
Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM) và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, công tác xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân đã đạt những kết quả nổi bật.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU phát biểu tại hội nghị |
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, từ đầu năm đến nay, tuy gặp nhiều điều kiện không thuận lợi nhưng chương trình xây dựng NTM của Hà Nội đạt được những kết quả rất tích cực. Toàn thành phố đã có 6 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai và Gia Lâm) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, hội nghị tập trung vào 3 nội dung chính: Bàn công tác chuẩn bị tổ chức hội nghị liên kết "4 nhà" (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp) dự kiến diễn ra cuối tháng 9/2020; Kết quả triển khai xây dựng “Đề án thí điểm xã Nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô” và kết quả triển khai xây dựng “Đề án nghiên cứu khoa học xây dựng nội dung chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, cụ thể hóa triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII, Đảng bộ thành phố Hà Nội”.
Thị xã Sơn Tây đã được Hội đồng thẩm định Trung ương họp, xét công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019; 3 huyện (Thạch Thất, Phúc Thọ, Thường Tín) đã trình Hội đồng thẩm định Trung ương công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020; 3 huyện (Thanh Oai, Sóc Sơn, Phú Xuyên) đang hoàn thiện hồ sơ trình Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia thành phố Hà Nội bỏ phiếu công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020.
Trong xây dựng xã NTM và NTM nâng cao, thành phố có 355/382 xã (chiếm 92,9%) được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn NTM, 13 xã đã được UBND thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong số 27 xã còn lại chưa đạt chuẩn NTM có 24 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 3 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí…
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, thu nhập của người dân khu vực nông thôn năm 2019 đạt 51,5 triệu đồng/người/năm; Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế cuối năm 2019 trên địa bàn thành phố đạt 88,3%, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm, còn 0,69%; Sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội dần khẳng định thương hiệu để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện và tiêu thụ…
Cũng theo báo cáo kết quả chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình từ năm 2016 đến nay khoảng 56.513 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 58 tỷ đồng; Ngân sách TP bố trí khoảng 20.911 tỷ đồng; Ngân sách huyện 29.275,5 tỷ đồng; Ngân sách xã 1.455,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước cho Chương trình số 02-CTr/TU từ năm 2016 đến nay đạt khoảng 4.813 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp của Nhân dân (bằng ngày công lao động trực tiếp, hiến đất làm các công trình công cộng...) là 1.976,6 tỷ đồng; Vốn doanh nghiệp, hợp tác xã là 2.037,54 tỷ đồng; Các nguồn vốn khác là 798,47 tỷ đồng.
Cùng với kinh phí đầu tư trực tiếp trên, TP cũng đã bố trí 1.000 tỷ đồng ủy thác cho chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội để tạo điều kiện cho các hộ vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân. Nhờ đó, thu nhập của người nông dân không ngừng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm dần qua từng năm.
Tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đồng bộ, toàn diện
Song song với việc chỉ đạo đồng bộ các xã xây dựng nông thôn mới, NTM nâng cao, kiểu mẫu theo quy định, thành phố đã lựa chọn xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng), xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) sau khi hoàn thành xây dựng NTM nâng cao tiếp tục xây dựng NTM kiểu mẫu Thủ đô theo hướng đồng bộ và toàn diện.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đóng góp tham luận về kết quả triển khai xây dựng Đề án thí điểm xã NTM kiểu mẫu Thủ đô và kết quả triển khai xây dựng Đề án nghiên cứu khoa học xây dựng nội dung chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân cụ thể hóa triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố.
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhận xét: “Các ý kiến tham luận đều tâm huyết trách nhiệm đi thẳng vào nội dung. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, 9 tháng đầu năm ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19 song toàn thành phố đã nỗ lực, cố gắng lớn trong thực hiện Chương trình số 02, tổ chức thành công đại hội đại biểu các cấp, kiểm soát được dịch bệnh. Hội nữ trí thức Hà Nội, Hội Phụ nữ Hà Nội, các giáo sư, nhà khoa học, giảng viên Đại học Nông nghiệp đã vào cuộc quyết liệt khẩn trương xây dựng các tiêu chí hai đề án... Đặc biệt, với chương trình OCOP, trong 9 tháng đầu năm nay, TP đã có thêm 500 sản phẩm.
Chương trình 02 từ nhiều năm nay được sự chỉ đạo quyết liệt của Thành phố, sự vào cuộc tích cực của các sở ngành, Nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức đã về đích trước 2 năm. Tuy nhiên, chúng ta phải xác định xây dựng NTM không có kết thúc, chương trình sẽ tiếp tục được triển khai với yêu cầu chất lượng cao hơn, hàm lượng chất xám, ứng dụng khoa học kỹ thuật tri thức được nâng cao, hướng tới mục tiêu Hà Nội sẽ hoàn thành xây dựng NTM ở 100% các xã, huyện, thị xã trên địa bàn, 40% xã NTM nâng cao, 20% xã NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, 5 huyện đã được thành phố phê duyệt đề án phát triển từ huyện lên quận phải xây dựng NTM tiệm cận với phát triển đô thị".
Các huyện, thị xã dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; Có giải pháp căn cơ, bền vững, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... để bảo đảm tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt 4,12% năm 2020.
Đề cập đến việc nâng cao đời sống nông dân, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các địa phương phải tập trung vào tiêu chí môi trường, xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp; Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công, tạo việc làm cho lao động nông thôn; Đẩy nhanh tiến độ chương trình giảm nghèo; hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật…