Vũ khí siêu vượt âm mới của Mỹ và kịch bản bất ổn hơn cho thế giới
Đáng kể nhất là vào ngày 12-1, Cục Thử nghiệm vũ khí thuộc Lầu Năm Góc công bố chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm tầm trung mới. Loại vũ khí này đang có nguy cơ đẩy các siêu cường vào kịch bản chạy đua vũ trang nguy hiểm.
Mỹ muốn thoát khỏi INF
Trong Chiến tranh Lạnh, các tổ hợp tên lửa tầm trung Pershing II được Mỹ triển khai tại châu Âu với mục đích tấn công Liên Xô trong chiến tranh hạt nhân tổng lực. Sau khi nhận thấy sẽ không có ai chiến thắng trong một cuộc chiến như vậy, Liên Xô và Mỹ đã đàm phán và Hiệp ước INF ra đời vào năm 1987. INF quy định Mỹ và Liên Xô phải loại biên các tổ hợp tên lửa tầm trung trên bộ có tầm bắn từ 500 tới 5.500km. Theo đánh giá của giới quan sát quân sự quốc tế, INF mang lại nhiều lợi ích về an ninh chiến lược hơn cho châu Âu và Liên Xô. Trong khi đó, do quy định của INF, Mỹ đã mất con bài chiến lược là đưa tên lửa hạt nhân áp sát và có thể tấn công Moscow trong vòng 6-8 phút.
Các tổ hợp tên lửa Pershing II từng có nguy cơ biến châu Âu trở thành chiến trường của chiến tranh hạt nhân |
Năm 1991 Liên Xô tan vỡ, INF dần không còn mang lại hiệu quả về an ninh đối với Mỹ, khi đó đối thủ của Washington không chỉ còn là Nga, quốc gia kế thừa của Liên Xô, mà còn là nhiều cường quốc mới nổi khác. Chính vì thế, không khó hiểu khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi hiệp ước này với lý do phía Nga vi phạm khi phát triển tổ hợp tên lửa Iskander. Chỉ vài tuần sau khi rút khỏi INF, Mỹ đã tiến hành phóng thử tên lửa hành trình Tomahawk phiên bản trên bộ với tầm bắn đạt tới 2.000km và tuyên bố chi tới hơn 1 tỷ USD cho các chương trình phát triển tên lửa mới vốn thuộc phạm vi cấm của INF.
Giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, Lầu Năm Góc gấp rút phát triển tên lửa tầm trung mới khi nhận thấy đang tụt hậu so với Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm tương lai. Cả 2 quốc gia trên đều đã sở hữu trong tay ít nhất một dòng tên lửa có tốc độ bay vượt qua Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh). Trong khi đó, các chương trình vũ khí siêu vượt âm của Mỹ vẫn đang ở trong giai đoạn phát triển và sẽ mất nhiều năm nữa mới có thể đưa vào trang bị chính thức.
Thực tế, Cơ quan Nghiên cứu các dự án tương lai (DARPA) thuộc Lầu Năm Góc đã khởi động các chương trình vũ khí siêu vượt âm từ năm 2017. Tuy nhiên, các rào cản về công nghệ đã khiến hàng loạt chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm mới của Mỹ như: ARRW, HAWC... không thể về đích đúng hạn trong giai đoạn 2020-2025.
Vũ khí nguy hiểm hơn Pershing II
Theo thông tin từ DARPA, nguyên mẫu tên lửa tầm trung siêu vượt âm mới thuộc chương trình Operational Fires – OpFires (Tạm dịch: Chiến dịch Lửa đỏ) đã bắt đầu được lắp ráp vào hôm 12-1 và sẽ sớm chuyển sang giai đoạn thử nghiệm.
Một số hình ảnh mô phỏng về tên lửa OpFires do DAPRA công bố |
Trang tin quân sự Breaking Defense cho biết thêm, DARPA đang cố gắng rút ngắn tầm bắn của nguyên mẫu tên lửa OpFires, nhưng vẫn đảm bảo tốc độ bay siêu vượt âm để tấn công các mục tiêu ở cự ly tầm ngắn và tầm trung. OpFires thực tế là tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn. Điểm yếu của thiết kế tên lửa dạng này là động cơ tên lửa khi đã khởi động sẽ cung cấp gia tốc rất lớn, giúp tên lửa nhanh chóng đạt vận tốc siêu âm, nhưng lại khó điều khiển quỹ đạo bay của tên lửa trong các pha phóng. Việc cố gắng cơ động quỹ đạo ở vận tốc lớn có thể khiến kết cấu tên lửa bị phá vỡ.
Để OpFires đạt các mục tiêu chiến thuật, DARPA đang tính tới phương án thay đổi thiết kế động cơ phản lực có thể điều tiết lực đẩy của tên lửa để tạo ra vũ khí siêu vượt âm linh hoạt, có thể cơ động quỹ đạo và khó bị đánh chặn. Thậm chí, OpFires có thể sử dụng cơ chế động cơ hỗn hợp: Khởi tốc bằng động cơ nhiên liệu rắn để tạo gia tốc và cơ động quỹ đạo bằng động cơ nhiên liệu lỏng.
“Tên lửa nhiên liệu rắn giống như một quả pháo hoa. Khi bạn đã đốt ngòi, nó sẽ bay đi rất xa và khó để kiểm soát tầm bắn mà vẫn bảo vệ được kết cấu tên lửa trong quỹ đạo”, Giám đốc chương trình OpFires, Trung tá Amber Walker cho biết. Hiện tại, các nhà thầu Aerojet và Sierra Nevada Corporation đang phát triển động cơ phản lực mới cho tên lửa OpFires.
Sự nguy hiểm của OpFires tương tự như Pershing II là do thuộc phân loại tên lửa tầm trung, thời gian phản ứng và tấn công mục tiêu rất ngắn, chỉ tính bằng phút. Bất kỳ sai sót nào đều không có thời gian để sửa chữa như đối với các dòng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Trong quá khứ, vào năm 1983, thế giới đã suýt rơi vào chiến tranh hạt nhân khi lực lượng cảnh báo sớm Liên Xô phát hiện ra dấu hiệu của một vụ phóng tên lửa hạt nhân tầm trung. Rất may là tín hiệu sau khi được phân tích và giải mã chỉ là báo động nhầm. Cùng với đó, OpFires còn mang nhiều đặc điểm mạnh mẽ hơn người tiền nhiệm Pershing II là có thể đạt tốc độ siêu vượt âm và khả năng cơ động quỹ đạo. Về cơ bản, OpFires sẽ là vũ khí hạt nhân tấn công chính xác cao, rất khó có thể ngăn chặn trong vài thập niên tới.
Với sự xuất hiện của OpFires, thế giới có thể lại rơi vào cuộc Chiến tranh Lạnh mới với mối nguy cơ tấn công hạt nhân thường trực, tương tự như thời điểm INF chưa xuất hiện. Tuy nhiên, các siêu cường cũng nên hiểu rằng, khi chiến tranh hạt nhân xảy ra, sẽ không có ai là người chiến thắng cuối cùng...
Trung Quốc rút 10.000 binh lính khỏi khu vực biên giới với Ấn Độ vì giá lạnh
Truyền thông Ấn Độ ngày 11/01 khẳng định Trung Quốc đã rút khoảng 10.000 binh lính khỏi các khu vực gần biên giới với Ấn ... |