Vụ hàng nghìn que thử viêm gan B, HIV bị cắt đôi: Kết quả xét nghiệm âm tính giả rất nhiều
Gian lận que thử HIV, viêm gan B tại BV Xanh Pôn: Đình chỉ cán bộ làm xét nghiệm |
Sự việc hàng nghìn que thử viêm gan B, HIV bị cắt đôi trước khi tiến hành xét nghiệm, hàng trăm bệnh nhân bị trộn chung mẫu máu trong quy trình xét nghiệm HIV bán tự động tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) khiến nhiều người không khỏi sửng sốt. Rất nhiều người bày tỏ băn khoăn về tính chính xác của những kết quả xét nghiệm này tại bệnh viện uy tín hàng đầu của thành phố.
Về việc một test nhanh HIV, viêm gan B được cắt làm đôi dùng cho 2 bệnh nhân, chia sẻ với phóng viên Dân trí, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương cho rằng trong trường hợp này dùng từ chính xác phải là chẻ dọc thanh thử test nhanh, không phải cắt.
“Nếu Bệnh viện Xanh Pôn thực sự làm như thế thì chắc chắn là sai. Nguyên tắc không bao giờ được phép làm như vậy”, GS Trí chia sẻ.
Lý do vì nhà sản xuất khi sản xuất ra công cụ test kit nhanh (bộ dụng cụ để xét nghiệm) đã phải tính toán rất kỹ, mẫu mã phải trải qua rất nhiều khâu, qua hàng vạn thử nghiệm, thử nghiệm trên lâm sàng rất nhiều mới có thể đưa ra thị trường.
“Thanh test thử dày, rộng, dài bao nhiêu, lượng kháng thể tích hợp để phát hiện kháng nguyên thì phải bao nhiêu mới phát hiện được mầm bệnh, tất cả đều được tính toán kỹ lưỡng. Cắt tuỳ tiện là không thể được, giảm đi một phần khả năng phát hiện được, kết quả xét nghiệm không thể chính xác”, GS Trí nói.
Theo ông, như thế trong trường hợp kết quả xét nghiệm là dương tính cũng có thể đúng với điều kiện lượng kháng nguyên trong mẫu máu gấp đôi. Còn nếu nồng độ kháng nguyên thấp thì chắc chắn không thể phát hiện được, gây hiện tượng âm tính giả. Điều đó có nghĩa là đã bỏ lọt những trường hợp dương tính, đã bị nhiễm bệnh, nhưng vẫn trả kết quả là âm tính.
Việc trộn chung 4 mẫu máu khác nhau cho vào chung một giếng trong xét nghiệm miễn dịch bán tự động (ELISA) thì càng sai nghiêm trọng hơn. Theo đó, nếu kết quả trả ra là âm tính thì cả 4 bệnh nhân đều âm tính, nếu dương tính thì làm lại.
“Nếu thực sự như vậy thì nguy cơ bỏ sót gấp 4 lần. Xét nghiệm ELISA không khuếch đại gene lên hàng triệu lần như xét nghiệm PCR nên việc trộn 4 mẫu máu như vậy là làm sai hoàn toàn. Việc áp dụng máy móc rất nguy hiểm. Kết quả âm tính giả rất nhiều”, GS Trí nhấn mạnh.
Về góc độ người làm chuyên môn, theo GS Trí lỗi này mang tính hệ thống do công tác quản lý chất lượng chưa tốt. Lỗi này hay xảy ra tại nhiều phòng xét nghiệm y khoa của nhiều cơ sở y tế. Điều đó cho thấy công tác quản lý chất lượng của các cơ sở còn bị buông lỏng dù đã đạt ISO này, ISO kia…
“Lấy được chứng nhận đạt ISO hay một chứng chỉ nào đó không có nghĩa là năm nay làm tốt, năm sau vẫn làm tốt. Công tác, kiểm tra giám sát vẫn phải tiếp tục. Quản lý chất lượng là hành trình, không phải đích đến. Ví dụ năm nay làm được đến đây, sang năm lại làm tiếp bước nữa… Công việc này phải làm thường xuyên, ngày nào cũng phải làm”, GS Trí phân tích.
Theo ông, cán bộ nhân viên y tế của khoa Vi sinh y học của Bệnh viện chưa ý thức sâu sắc được tầm quan trọng của công tác quản lý chất lượng.
“Chỉ cần một người có ý thức nghiêm túc, họ kiến nghị với lãnh đạo nói làm thế không được, trưởng khoa không được thì phản ánh lên lãnh đạo Bệnh viện”, GS Trí nói.
Liên quan đến sự việc cắt bớt vật tư y tế này, Bệnh viện Xanh Pôn đã họp khẩn, đình chỉ 3 cán bộ liên quan gồm 1 Phó phụ trách khoa Vi sinh, 1 kỹ thuật viên trưởng khoa vi sinh, 1 kỹ thuật viên khoa vi sinh.