Vợ lính Trường Sa và những câu chuyện cảm động

Những người vợ lính thấu hiểu về nhiệm vụ cao cả của các anh. Rồi họ vững vàng hơn trước sóng gió, thách thức để giữ gìn, xây dựng một gia đình hạnh phúc.
Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc tổ chức khánh thành công trình 'Cột mốc Trường Sa' Hành trình những cánh thư chở tâm tình của tuổi trẻ Thủ đô đến với Trường Sa Những bức thư mang tình cảm của thiếu nhi Thủ đô gửi đến Trường Sa

Đó là ý niệm khi nói tới câu chuyện của hai người phụ nữ có chồng là bộ đội Trường Sa trong 21 gia đình trẻ tiêu biểu vừa được Trung ương Hội LHTN Việt Nam tuyên dương.

Nguồn động viên lớn nhất là… cuộc điện thoại

Chị Lê Thị Hạnh là vợ anh Nguyễn Xuân Đang (công tác tại Phòng Kỹ thuật, Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật, Bộ tư lệnh Vùng 3 - Đà Nẵng). Người vợ lính biển đã trải qua những tháng ngày xa cách chồng với nỗi nhớ dài đằng đẵng. Chị Hạnh kể, tình yêu của anh chị gặp nhiều thử thách. Khi anh Đang tốt nghiệp ra trường thì được điều động về Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật, Vùng 3 Hải quân công tác. Năm 2010 anh chị kết hôn. Tuy nhiên mới cưới nhau được 5 ngày, anh Đang trở lại Đà Nẵng, chị về Hà Nội. Một năm sau chị Hạnh mang thai đứa con đầu lòng.

Mang bầu được bốn tháng, chị bị sốt do Rubella. Bác sĩ bảo khả năng dị tật khi sinh con là hơn 90% nên khuyên bỏ thai. Giữa lúc hoang mang trong những sự lựa chọn, anh Đang bảo rằng, đã là con mình thì dù có 10% hi vọng sinh ra lành lặn thì vẫn phải giữ lại. Mang thai đến tháng thứ 8, chị Hạnh về quê ngoại. Về quê mới được vài ngày thì chị có hiện tượng sinh non, lúc đó thai nhi mới tròn 34 tuần tuổi. Ngặt nỗi chồng chị vẫn không về chăm sóc được vợ con.

Gia đình chị Hạnh, anh Đang
Gia đình chị Hạnh, anh Đang hạnh phúc bên nhau

Năm 2014 chị Hạnh sinh bé thứ hai, anh Đang lại nhận quyết định đi tập huấn công tác ngoài đảo Trường Sa. Trong thời gian anh xa nhà thì bà nội qua đời. Khi anh ra đảo được 3 tháng, con trai đầu phát bệnh nặng cần can thiệp tim gấp; Rồi đến lúc ông nội qua đời... Những biến cố liên tục xảy ra nhưng vì nhiệm vụ công tác, anh Đang không thể về cùng chị giải quyết. Người vợ lính âm thầm gánh vác, cố gắng vượt qua tất cả để anh yên tâm công tác.

Chị Hạnh tâm sự: “Những lúc đó, cuộc điện thoại của chồng từ đảo xa với thông báo anh hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao là món quà lớn nhất mà anh gửi về cho vợ con, người thân”.

Không xa đâu Trường Sa ơi!

Cũng là vợ bộ đội, chị Nông Thị Ve (quê ở Bắc Kạn) tần tảo sớm tối nuôi con, chờ chồng. Ngày anh Hoàng Ngọc Hoá (chồng chị) nhận nhiệm vụ công tác ở Trường Sa, chị đang mang bầu đứa con đầu lòng. Khi vượt qua hành trình đầy gian nan, người vợ trẻ tiêu biểu này kể lại những năm tháng "vượt sóng, vượt bão" khi chồng công tác xa nhà.

Ngày anh Hóa nhận nhiệm vụ công tác tại đảo Trường Sa, chị Ve đang mang bầu. Một mình chị cáng đáng việc nhà, vượt qua những tháng ngày khó khăn khi không có chồng ở bên. Ngày chị "vượt cạn", anh cũng không thể về. Người vợ lính Trường Sa kể, ngày anh lên đường, gạt nước mắt, chị động viên chồng gắng công tác và nhắn nhủ “Mẹ con em ở nhà luôn nhớ đến anh”, dù biết sẽ rất khó khăn và thương nhớ vô cùng.

Đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực ban Dân vận Trung ương và đồng chí chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn
Vợ chồng anh Hoá, chị Ve tại Lễ tuyên dương Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu

"Tủi thân nhưng cố gắng vượt qua khó khăn. May mắn tôi nhận được sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp và gia đình hai bên, nhất là mẹ chồng cũng là vợ quân nhân nên hiểu và thương con dâu rất nhiều. Lý do rất lớn nữa là dù xa xôi nhưng anh vẫn luôn quan tâm, sẻ chia với tôi trong mọi hoàn cảnh, như lời bài hát Không xa đâu Trường Sa ơi!", chị Nông Thị Ve bày tỏ.

Khi từ Trường Sa trở về, anh Hóa cũng không có nhiều thời gian dành cho gia đình bởi nhiệm vụ của người lính phải luôn sẵn sàng lên đường. Anh nhận nhiệm vụ xa nhà, xa đơn vị đến rất nhiều miền quê, thao trường ở những địa danh khác nhau như: Cao Bằng, Bắc Giang, Lạng Sơn, Bình Dương… Đã quen với những ngày chồng đi làm nhiệm vụ xa nhà nhưng chị Ve kể, lần chồng đi làm nhiệm vụ chống dịch là những ngày chị lo lắng nhất, con gái lại thiếu vắng sự chỉ bảo của cả hai vợ chồng.

Tuy nhiên, tư tưởng thông suốt, bản lĩnh cũng được rèn luyện nên chị Ve, chị Hạnh - những người vợ lính luôn vững vàng, làm hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm công tác, phục vụ Tổ quốc.

Lê Dung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động