Vĩnh Phúc: Huyện Yên Lạc xứng đáng với Cờ thi đua của Chính phủ
Xứng đáng với Cờ thi đua của Chính phủ
Trao đổi với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Nguyễn Xuân Thông - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc cho biết, để đạt được Cờ thi đua của Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền huyện Yên Lạc có sự nỗ lực cố gắng của các ngành, các cấp, sự chung tay đồng lòng, đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp phát triển để quyết tâm đạt được ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra.
Ông Nguyễn Xuân Thông - Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc. |
Nằm ở phía nam tỉnh Vĩnh Phúc với diện tích tự nhiên hơn 106km2, gồm 15 xã và 2 thị trấn; trong đó có 6 đơn vị được công nhận là đô thị loại V, Yên Lạc không chỉ tạo điểm nhấn khi là huyện đầu tiên được công nhận là huyện nông thôn mới của tỉnh, mà còn tiếp tục tạo sự đột phá trong phát triển hạ tầng đô thị và công nghiệp.
Huyện Yên Lạc ngày càng đổi mới và phát triển. |
Trên cơ sở xác định, định hướng huyện Yên Lạc phát triển theo hướng công nghiệp, đô thị, thương mại và nông nghiệp chất lượng cao, nhiều cấp đồ án quy hoạch được thiết lập, làm cơ sở hình thành khung hạ tầng kỹ thuật để phát triển đô thị, công nghiệp và thương mại, dịch vụ.
Huyện Yên Lạc đã làm tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao công tác điều hành của cơ quan các cấp từ huyện đến cơ sở; Huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế- xã hội; Xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ quan trọng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Đánh thức tiềm năng phát triển công nghiệp ở Yên Lạc
Hiện nay, một số dự án đô thị trên địa bàn huyện Yên Lạc đã được hình thành và đi vào hoạt động như: Khu đô thị Yên Lạc – Dragon City (diện tích 40,2ha); khu nhà ở hỗn hợp tại thị trấn Yên Lạc và xã Tam Hồng (diện tích 11,33ha); khu nhà ở đất dịch vụ xã Đồng Văn (diện tích 8,55ha)…, tạo động lực để tỉnh phát triển đô thị về phía Nam; đồng thời góp phần tích cực để Yên Lạc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu KT - XH, giải quyết việc làm.
Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương - điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư. |
Một số dự án đã được tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận chủ trương đầu tư như: Dự án phát triển đô thị tại xã Trung Nguyên và thị trấn Yên Lạc (Khu đô thị mới Green City diện tích 47,42ha); khu đô thị mới Đồng Cương – Bình Định (diện tích 22ha); khu đô thị mới Nguyệt Đức (diện tích 22ha)…
Khi hoàn thiện, những dự án này sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị huyện Yên Lạc, phù hợp với thực tiễn và quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, các cụm công nghiệp (CCN) Tề Lỗ; Yên Đồng; CCN thị trấn Yên Lạc, Đồng Văn; CCN làng nghề Minh Phương; CCN Trung Nguyên..., đã và đang hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều nhà đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ các ngành nghề phát triển và giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương.
Đặc biệt, việc hình thành và đưa vào sử dụng các CCN còn đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh của hàng nghìn doanh nghiệp, hộ dân, đóng góp đáng kể vào ngân sách huyện hằng năm.
Cùng với đó, huyện chú trọng đầu tư phát triển các ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp. Toàn huyện hiện có 8 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, đang được duy trì, hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 8.000 lao động nông thôn có thu nhập ổn định.
Công nghiệp phát triển đã góp phần quan trọng thúc đẩy KT - XH của huyện Yên Lạc với tốc độ tăng trưởng bình quân tăng đều theo các năm.
Riêng năm 2022, tốc độ tăng trưởng đạt 9,25%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Thu ngân sách đạt gần 658 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong huyện được cải thiện và nâng cao.
Huyện Yên Lạc cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện xã nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022; Chỉ đạo các xã trên địa bàn huy động các nguồn vốn, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo 5 xã xây dựng nông thôn mới nâng cao gồm Đồng Cương, Bình Định, Đại Tự, Trung Kiên và Văn Tiến (Trong đó, 2 xã được tỉnh chỉ đạo gồm Trung Kiên và Đại Tự theo Kế hoạch số 151/KH-UBND ngày 10/6/2022 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc), 14 thôn đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
Cùng với đó, huyện cũng đã tiếp tục đẩy mạnh quá trình phát triển đô thị; trong đó, ưu tiên cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị khu vực số 1, số 2, số 3 thuộc thị trấn Yên Lạc và quy hoạch chi tiết khu trung tâm các xã Yên Đồng, Đại Tự, Hồng Châu, Yên Phương, Hồng Phương, Trung Hà, Trung Kiên, Văn Tiến; lập đề án công nhận các xã Liên Châu, Yên Đồng là đô thị loại V; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đô thị và triển khai lắp đặt tên đường phố và công trình công cộng trên địa bàn… là những việc mà Yên Lạc sẽ triển khai trong năm 2023.
Những năm qua huyện Yên Lạc đạt nhiều danh hiệu thi đua như: Năm 2016 Cờ thi đua xuất sắc theo Quyết định số 858/QĐ-UBND ngày 21/3/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Năm 2018 Tập thể Lao động xuất sắc theo Quyết định số 606 /QĐ-UBND ngày 21/2/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc...
Với những thành tích đã đạt được, Nhân dân và cán bộ huyện Yên Lạc đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc xét, trình Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Cờ thi đua xuất sắc năm 2023.