Vĩnh Phúc: Để thắng dịch COVID-19 “không lơ là, chủ quan”
Những thách thức chưa có tiền lệ...
Đầu tháng 1/2020, thông tin về những bệnh nhân đầu tiên người Vĩnh Phúc bị nhiễm (dương tính) với virus SARS-CoV-2 sau chuyến công tác từ Vũ Hán trở về lan ra, khiến cộng đồng không khỏi lo âu.
Trước tình hình đó, nhận được sự chỉ đạo của Trung ương, các bộ, ngành liên quan, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã nhanh chóng đề ra những biện pháp tiên quyết nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh.
Lấy mẫu xét nghiệm dịch Covid-19 tại một khu dân cư thuộc phường Liên Bảo (Vĩnh Yên). Ảnh: V.N |
Tuy nhiên, tháng 2/2020, dịch bùng phát với diễn biến phức tạp. “Điểm rơi” đầu tiên của dịch trên toàn quốc là xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên). Rất nhanh chóng, những chủ trương, quyết sách mới (chưa có tiền lệ, thậm chí chưa từng được xuất hiện và áp dụng ở nơi nào) được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp tốc ban hành, thực hiện. Trong đó, nổi bật là quyết định: Khoanh vùng, cách ly y tế toàn bộ xã Sơn Lôi - một xã trung du, thuần nông, có hơn 11 ngàn người dân đang sinh sống từ ngày 13/2/2020.
Có thể nói, những ngày tháng này là những ngày tháng đặc biệt. Sự căng thẳng bao trùm không chỉ riêng với các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc, với người bị lây nhiễm dịch mà còn là của cả cộng đồng. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị vào cuộc, toàn Đảng, toàn dân Vĩnh Phúc chung một quyết tâm: Từng bước ngăn chặn, khống chế dịch bệnh, ổn định cuộc sống. Căng thẳng nhưng không, hoang mang, bối rối, sợ hãi; luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, người dân Vĩnh Phúc đoàn kết, từng bước thích nghi với cuộc sống trong tình hình mới.
Và rồi, Vĩnh Phúc đã khống chế thành công bước đầu dịch bệnh COVID-19. Ngày Sơn Lôi dỡ lệnh phong tỏa (0h ngày 4/3/2020), niềm vui không chỉ vỡ òa với người dân nơi đây, mà còn vỡ òa trong tim người xa - gần. Cuộc sống tiếp tục vận hành, trong trạng thái mới: chủ động, tự tin, thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, tích cực lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống, quyết thắng COVID-19.
Nhưng rồi đợt dịch thứ 4 bùng phát trên cả nước (từ ngày 27/4/2021đến nay). Số ca nhiễm và số ca tử vong tăng nhanh ở nhiều tỉnh, thành. Riêng với Vĩnh Phúc, việc xuất hiện hai “điểm dịch” ở thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên, một lần nữa lại “đặt” tỉnh vào “tâm dịch”. “Cuộc chiến” với “kẻ thù” vô hình càng thêm những khó khăn với sự nguy hiểm gấp nhiều lần trước đó.
Với “truyền thống đoàn kết, vượt mọi khó khăn”, với nỗ lực cùng quyết tâm cao độ, hàng loạt nghị quyết được ban hành, nhiều biện pháp linh hoạt, cách làm sáng tạo, hiệu quả, thể hiện sự táo bạo, quyết liệt được triển khai đồng bộ; Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Phúc đã “vượt sóng” đại dịch, giành những thành tựu rất đáng trân trọng, góp phần cùng cả nước từng bước khống chế, ngăn chặn đại dịch Covid-19.
… và những thành quả
Trong hai năm (2020 - 2021) mặc dù chịu tác động của đại dịch COVID-19 nhưng tổng thu ngân sách của Vĩnh Phúc vẫn đạt trên 32.000 tỉ đồng (thu nội địa đạt gần 28.000 tỉ đồng), gấp 282 lần so với số thu ngân sách của năm 1997. Vĩnh Phúc đã vững vàng vượt “sóng đại dịch”, hoàn thành thực hiện “mục tiêu kép”: từng bước khống chế, ngăn chặn đại dịch COVID-19; kinh tế tiếp tục phát triển, với mức tăng trưởng đạt 8.02%, đứng thứ 9 cả nước. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh - quốc phòng… đều đạt được những thành tựu mới, ý nghĩa; an sinh xã hội, sức khỏe và an toàn cho người dân được chăm lo, đảm bảo “không để ai bị bỏ ại phía sau”.
Nhưng thách thức mới
Mặc dù nhân loại đã giành được những thành công bước đầu trong cuộc chiến chống đại dịch đầy cam go, phức tạp này, nhưng mới đây, khi nhận định về dịch bệnh COVID-19 cùng những tác hại lâu dài của nó, các chuyên gia đã đưa ra những cảnh báo, cho biết: Thế giới đang ở thời điểm mấu chốt trong đại dịch COVID-19. Cụ thể, theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới và các nhà khoa học, dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn, làm cho dịch diễn biến phức tạp. khó lường. Tuy nhiên, việc bao phủ vắc xin, có thuốc điều trị giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc.
Tiêm vắc-xin cho học sinh |
Tại Việt Nam, Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Các tỉnh, thành phố đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Nhưng, hiện tại, dịch vẫn diễn biến phức tạp với số ca nhiễm mới tăng cao. Gần nhất và rất đáng lo ngại, đó là ngày 28/02/022, số ca mắc Covid trên cả nước lần đầu tăng vọt lên 94.385 ca, tỉnh Quảng Ninh bổ sung hơn 28.000 ca F0. Riêng Vĩnh Phúc, ghi nhận thêm 2.852 ca, đưa tổng số ca nhiễm trong tỉnh lên tới 89.229 người.
Trong khi đó, tính đến ngày 28/2/2022, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 783.658 người (đạt 99,2% dân số) được tiêm vắc-xin, với tổng số mũi đã tiêm là 2.145.936 mũi (trong đó, mũi 1: 783.658, đạt 99,2%; mũi 2: 773.301, đạt 97,9%; mũi 3 và mũi bổ sung: 588.977, đạt 74,6%). Đó là nỗ lực rất lớn của tỉnh trong việc bao phủ vắc-xin, tạo “lá chắn” đặc hiệu để ngăn chặn dịch COVID-19.
Có thể nói rằng: cứ tăng thêm một người nhiễm bệnh (dương tính với SARS-CoV-2), đồng nghĩa với việc, thêm một “tế bào” của “cơ thể” xã hội bị “đau yếu”, không khỏe mạnh, ít nhất là trong thời gian nhiễm bệnh. Từ đó, kéo theo nhiều hệ lụy, mà điều dễ nhận thấy nhất, đó là, sức khỏe cá nhân người nhiễm bệnh bị suy giảm, ảnh hưởng (chưa kể những hệ lụy có thể xuất hiện, kéo dài về sau), từ đó, kéo theo việc lao động, sản xuất, công tác, học hành bị đình trệ, chưa kể đến những chi phí tốn kém, những tổn thất không đáng có về tiền bạc, công sức, thậm chí là sinh mạng… cũng như chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng. Chưa kể, khi số F0 tăng cao, đồng nghĩa với việc gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học… cũng phải gánh chịu những ảnh hưởng không nhỏ.
Người nhiễm bệnh phải nghỉ làm việc, công tác, học tập. Tiếp đến, vì phải nghỉ làm, thu nhập của cá nhân và gia đình người bệnh đương nhiên bị ảnh hưởng. Trong khi, mọi chi phí cho cuộc sống hàng ngày không vì thế mà được giảm bớt, ngược lại còn bị tăng cao, bởi đau ốm thì cần phải ăn uống để nhanh hồi phục. Đó là chưa kể đến việc phải chi thêm một khoản kinh phí để mua thuốc men, vật tư y tế, thực phẩm… (dù khoản này có thể được tỉnh hỗ trợ nhưng dám chắc, người bệnh và gia đình vẫn phải tiêu tốn thêm một khoản tiền cho chữa trị bệnh). Đó là chưa kể đến việc trong nhà có người nhiễm bệnh thì lại phải có người khỏe hỗ trợ, giúp đỡ trong chăm sóc, điều trị… Những chi phí này, với những gia đình có việc làm và thu nhập ổn định có thể không là khó khăn đáng kể; nhưng với những gia đình nghèo, thiếu việc làm, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, thì hẳn là điều không thể xem thường.
Vậy nhưng, điều đáng lo ngại là, trong khi các cấp và ngành luôn nỗ lực tìm kiếm những giải pháp để ngăn chặn thành công, tiến tới “chung sống an toàn với COVID-19” thì trong cộng đồng đang xuất hiện tâm lý chủ quan, thậm chí bàng quan cho rằng “đã tiêm vắc-xin rồi thì không sợ gì nữa”. Không ít người khi nhắc đến sự nguy hại của dịch Covid-9, đã thản nhiên mà rằng: “Ôi dào, rồi ai cũng “bị” (dương tính với virus SARS-CoV-2 - TG) thôi mà! Làm sao phải nghĩ?!”; “Bây giờ ai còn chưa “bị” F0 là… lạc hậu, nhé?!”; “Tiêm rồi, lo gì. Nếu “bị”, cũng nhẹ thôi, chả chết đâu mà sợ?!”; “Ồi! Đứa bạn/em/cháu tớ “bị” rồi, mà nó có làm sao đâu, vô tư đi?!”; “F1 hả? Bình thường như… cân đường hộp sữa nhé! Bây giờ đến F0 cũng như…. không “ép” nào ấy mà?!”...
Đó kia, đã xuất hiện tình trạng lơ là, chủ quan, tụ tập ăn uống, hội họp, không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định phòng dịch. Trong khi, nếu bị nhiễm virus SARS-CoV-2 thì sẽ gặp phải những hệ lụy như đã nói ở trên. Nguy hiểm hơn (thực tế đang chứng minh) là: dù đã bao phủ vắc-xin, nhưng tỷ lệ người nhiễm vẫn tăng cao, ở mọi lứa tuổi.
Và cho dù phần lớn số người nhiễm là ở thể nhẹ, thế nhưng số ca tử vong thì vẫn chưa dừng lại. Tính đến ngày 28/02/2022, lũy tích trên cả nước đã có 40.147 ca tử vong, riêng ngày 28/2/2022 tăng thêm 94 ca. Ở Vĩnh Phúc, tính đến 28/2/2022 - đã có 18 ca tử vong, riêng ngày 28/2/2022 tăng thêm 2 ca. Rõ ràng, đại dịch COVID-19 vẫn luôn là mối nguy hại khó lường với con người.
Câu hỏi đặt ra ở đây, đó là: Số ca F0 tăng nhanh mỗi ngày, số ca tử vong vẫn chưa dừng lại, phải chăng, có phần nguyên nhân là bắt đầu từ những suy nghĩ/quan niệm chủ quan, sớm thỏa mãn nói trên?
Nỗ lực hơn nữa, nhưng trên hết, còn là nhận thức và ý thức của mỗi cá nhân
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trước thực tế số ca mắc trên địa bàn tỉnh vẫn tăng cao, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Vĩnh Phúc đã có những quyết sách mới, nhằm tiếp tục giữ vững thành quả chống dịch trong tình hình mới, nhất quán phương châm: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tiếp tục đảm bảo an toàn cộng đồng, sức khỏe Nhân dân là trên hết; đồng thời, duy trì sản xuất, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội…
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Sở Y tế lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 |
Tại hội nghị giao ban với các địa phương trong tỉnh chiều ngày 19/2/2022, đồng chí Lê Duy Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh đã nhấn mạnh: Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thực hiện phương châm phòng chống dịch bệnh từ sớm, từ xa, chuẩn bị tốt hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị vật tư y tế và cả tâm lý để ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Đặc biệt, toàn tỉnh nhanh chóng triển khai các biện pháp cấp bách, chuyển trạng thái phòng, chống dịch từ điều trị tập trung sang điều trị F0 tại nhà; bảo đảm tất cả các F0 điều trị tại nhà đều được thăm khám, cấp phát thuốc, hạn chế tối thiểu bệnh nhân nặng và số ca tử vong.
Đồng chí Lê Duy Thành Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu ngành y tế hướng dẫn công tác phòng, chống dịch cho từng cấp, từng ngành; trang bị thêm các thiết bị, hướng dẫn việc điều trị cho những bệnh nhân F0 có bệnh nền tại các bệnh viện, cơ sở y tế. Vừa nâng cao chất lượng điều trị F0 tại các cơ sở y tế tập trung, các trung tâm y tế cần sớm triển khai việc phân tầng, phân khu điều trị đối với bệnh nhân F0 và bệnh nhân không mắc Covid-19.
Đồng chí Chủ tịch tỉnh đồng ý cho triển khai chủ trương: sáp nhập trạm y tế lưu động vào trạm y tế các xã, phường, thị trấn; sáp nhập các tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng với tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, đồng thời, thay đổi chức năng, nhiệm vụ của các tổ từ điều tra, truy vết sang điều trị, chăm sóc F0 tại nhà. Theo đó, đến 28/2/2022, trên toàn tỉnh đang có 85.096 ca F0 điều trị tại nhà. Việc kiểm soát dịch bệnh Covid trên địa bàn tỉnh tiếp tục được thực hiện hiệu quả.
Mong rằng, để những giải pháp nói trên đi vào thực tế, hơn khi nào hết, nhận thức và ý thức của mỗi cán bộ, đảng viên, người dân cần tiếp tục được nâng cao; hết sức tránh sự chủ quan, thỏa mãn, tự bằng lòng trong suy nghĩ, hành động của mỗi người. Đó cũng chính là một “lá chắn” đắc dụng. Có như vậy, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 mới nhanh chóng đi đến thắng lợi cuối cùng, bình yên cho cuộc sống sớm được thiết lập trở lại một cách bền vững.