Vĩnh Phúc: Chủ động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho Nhân dân

Chiều 7/6, Sở Y tế Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo “Xây dựng Đề án phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc”.
AVĩnh Phúc: Chuẩn bị lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã Huyện Lập Thạch: Quán triệt học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh Thành phố Vĩnh Yên: Phát huy thanh niên xung kích, sáng tạo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 4 người thì có 1 người sẽ gặp một hay nhiều rối loạn tâm thần hoặc hành vi trong suốt cuộc đời. Sức khỏe tâm thần được WHO xếp hạng thứ 4 trong các vấn đề sức khỏe.

undefined
Toàn cảnh Hội thảo

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp chiếm 14,9% dân số. Hiện nay, tại tỉnh Vĩnh Phúc, số người được phát hiện và điều trị chiếm tỷ lệ chưa cao, người dân chưa thực sự quan tâm và hiểu hết về vấn đề sức khoẻ tâm thần.

undefined
Tiến sĩ Lê Hồng Trung, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc phát biểu tại Hội thảo

Tiến sĩ Lê Hồng Trung, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết, trong năm 2024, ngành Y tế Vĩnh Phúc được Tỉnh ủy giao 3 nhiệm vụ trọng tâm cho người đứng đầu cơ quan, trong đó có nhiệm vụ tham mưu tỉnh ban hành Đề án phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động Bệnh viện Tâm thần tỉnh đến năm 2030. Dù đây là nhiệm vụ khó, nhưng ngành Y tế tỉnh luôn phát huy tính chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

undefined
PGS.TS. Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo

Sau khi hoàn thiện dự thảo Đề án, Sở Y tế Vĩnh Phúc đã tiến hành xin ý kiến bằng văn bản các sở, ban, ngành và đã nhận được nhiều góp ý quan trọng. Đây chính là tiền đề để hoàn thiện đề án, xây dựng Bệnh viện Tâm thần tỉnh phát triển một cách tổng thể về trình độ chuyên môn, cơ cấu tổ chức, trang thiết bị, cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị cho các đối tượng đặc biệt, yếu thế của xã hội.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tâm thần của toàn quốc và một số tỉnh, thành phố; các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đã cho ý kiến theo từng lĩnh vực chuyên môn.

PGS. TS. Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, vấn đề chẩn đoán và điều trị các chứng rối loạn tâm thần đòi hỏi những kỹ thuật rất cao, trang thiết bị hiện đại, cũng như năng lực và trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ.

“Thực tế cho thấy, các bệnh về tâm thần cũng đòi hỏi phải có những chuyên khoa riêng biệt – ví dụ như sức khỏe tâm thần trẻ em, sức khỏe tâm thần người cao tuổi, bệnh tự kỷ, trầm cảm, mất ngủ, nghiện các chất kích thích… Phải chẩn đoán tốt, điều trị tốt thì mới nâng cao được hiệu quả của công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần, bởi lẽ có bệnh nhân không chỉ mắc một chứng rối loạn tâm thần, và có những bệnh nhân tâm thần nhưng “lạc” ở những khuyên khoa khác.

Do đó, xây dựng Đề án phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc, nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các chứng rối loạn tâm thần trên địa bàn, là cần thiết.” - PGS. TS Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia bày tỏ.

undefined
PGS. TS. Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai - Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo

Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Mạnh Phát, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cũng nêu thêm ý kiến, việc xây dựng Đề án phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc nên thực hiện theo hướng bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ ngoài chuyên khoa tâm thần – có thể khám bệnh đa khoa phù hợp với văn bằng chứng chỉ của đội ngũy y bác sĩ, cũng như trang thiết bị phương tiện kỹ thuật của bệnh viện.

Trong đó, tập trung vào một số nội dung như thực trạng nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe tâm thần; xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy hoạt động chuẩn cho Bệnh viện Tâm thần tỉnh phù hợp với cơ cấu bệnh tật; những sáng kiến, cách làm hay trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần…

Từ những ý kiến đóng góp quý báu tại Hội thảo, Sở Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Đề án phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của Bệnh viện Tâm thần tỉnh để trình UBND tỉnh trong thời gian tới.

Kể từ sau khi Bộ Y tế ban hành Thông tư số 17/2022/TT-BYT ngày 30/12/2022 quy định nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh tâm thần của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đến nay ,trên cả nước vẫn chưa có cơ cấu tổ chức bộ máy chuẩn Bệnh viện Tâm thần. Do vậy, thông qua Hội thảo này, ngành Y tế mong muốn đưa ra một bộ máy hoạt động cho Bệnh viện Tâm thần của tỉnh Vĩnh Phúc phù hợp với cơ cấu bệnh tật tại tỉnh, đáp ứng toàn diện về công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần, thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Vĩnh Phúc, thời gian tới, ngành Y tế Vĩnh Phúc sẽ xây dựng Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc theo hướng là một đơn vị hoàn thiện về quy mô và cơ cấu tổ chức bộ máy, thực hiện chức năng nhiệm vụ theo đúng Thông tư của Bộ Y tế và trở thành Bệnh viện Tâm thần tiêu biểu, điển hình, hoàn thiện của toàn quốc.

undefined
Lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thái Bình đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 4.350 bệnh nhân động kinh, tâm thần tại cộng đồng đang được quản lý, theo dõi và điều trị, trong đó có 1.247 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 1.675 bệnh nhân động kinh, 74 bệnh nhân trầm cảm và 1.349 bệnh nhân được chẩn đoán mắc các bệnh khác về tâm thần. Tỷ lệ bệnh nhân được cấp thuốc điều trị bệnh tâm thần phân liệt, bệnh động kinh, trầm cảm tại cộng đồng đạt 86,76%; còn lại là bệnh nhân tự mua thuốc điều trị.

Hằng năm, cùng với việc chú trọng thực hiện công tác quản lý và điều trị cho bệnh nhân tâm thần, Bệnh viện Tâm thần tỉnh còn thường xuyên triển khai chương trình khám sàng lọc đối với các đối tượng có nguy cơ cao; phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình quản lý bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm tại các xã, phường, thị trấn; tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở các kiến thức về phát hiện một số rối loạn tâm thần và tự kỷ…

Với sự quan tâm của tỉnh, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng ngày càng đạt được kết quả tốt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế hiện nay cho thấy, nhận thức của một bộ phận người dân về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm thần còn hạn chế; vẫn còn thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử đối với bệnh nhân tâm thần.

Nhiều người bệnh chưa được điều trị đúng cách, nên tình trạng bệnh không cải thiện; gia đình người bệnh chưa thực sự quan tâm đến việc điều trị; vẫn còn tình trạng cố tình giấu bệnh, không đưa người bệnh đi điều trị do tâm lý sợ bị kỳ thị. Đồng thời, tại các địa phương, đội ngũ cán bộ chuyên trách chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn…

Kết thúc chương trình Hội thảo, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc Lê Hồng Trung, cảm ơn những ý kiến đóng góp từ các đại biểu tham dự. Sở tiếp thu, tổng hợp các ý kiến để điều chỉnh xây dựng hoàn chỉnh đề án trình UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh những vấn đề Sở xin tiếp tục tham khảo ý kiến đóng góp, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện đề án theo nhiệm vụ mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã giao.

Lê Sơn
Phiên bản di động