VinFuture 2024 vinh danh 4 công trình khoa học “bứt phá kiên cường”

Năm nhà khoa học: Yoshua Bengio, Geoffrey E. Hinton, Jensen Huang, Yann LeCun, và Fei-Fei Li với những thành tựu nghiên cứu về Deep Learning (thuật toán học sâu) đã trở thành chủ nhân của giải thưởng Chính VinFuture 2024.
Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất để vươn xa

Tối 6/12, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ trao giải thưởng VinFuture lần thứ 4. Cùng dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương Việt Nam và đại diện các đại sứ quán, tổ chức quốc tế.

Đáng chú ý là sự tham dự của các nhà khoa học đến từ khắp nơi trên thế giới. Trong số này có nhiều nhà nghiên cứu là chủ nhân của những giải thưởng quốc tế danh giá như Nobel, Millennium Technology, Turing và VinFuture các mùa trước.

Tại buổi lễ, Quỹ VinFuture chính thức công bố 4 công trình khoa học được vinh danh năm 2024. Đây là 4 công trình đạt giải đã xuất sắc vượt qua gần 1.500 đề cử ấn tượng đến từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Với phạm vi bao quát các lĩnh vực cốt lõi như: Khoa học máy tính, y tế công cộng và sức khỏe toàn cầu, khoa học vật liệu và y học tái tạo, các công trình được vinh danh đều là các sáng kiến đột phá, không chỉ mang đến giải pháp cho các thách thức chung toàn cầu mà còn góp phần định hình tương lai của nhân loại.

VinFuture 2024 vinh danh 4 công trình khoa học “bứt phá kiên cường”
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự lễ trao giải thưởng VinFuture lần thứ 4 Ảnh: VGP.

Đặc biệt, với tiềm năng phát triển vượt trội trong tương lai theo cấp số mũ, các công trình đoạt giải VinFuture 2024 là minh chứng rõ nét cho tinh thần bứt phá kiên cường, vượt qua mọi giới hạn để mở ra những hướng đi, lĩnh vực ứng dụng mới đầy tiềm năng trong khoa học công nghệ.

Giải thưởng Chính VinFuture 2024 đã được trao cho 5 nhà khoa học: Giáo sư Yoshua Bengio và Giáo sư Geoffrey E. Hinton (Canada); Ông Jen-Hsun Huang; Giáo sư Yann LeCun và Giáo sư Fei-Fei Li (Mỹ) vì những đóng góp đột phá để thúc đẩy sự tiến bộ của học sâu.

Những tiến bộ trong học sâu đã mở ra một kỷ nguyên đột phá cho những đổi mới sáng tạo về công nghệ, nhờ đó máy móc có thể “học” từ lượng dữ liệu khổng lồ và đạt được độ chính xác đáng kinh ngạc trong các tác vụ như nhận diện hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và đưa ra quyết định.

VinFuture 2024 vinh danh 4 công trình khoa học “bứt phá kiên cường”
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao giải thưởng Chính VinFuture 2024 các nhà khoa học: Giáo sư Yoshua Bengio và Giáo sư Geoffrey E. Hinton (Canada), Ông Jen-Hsun Huang, Giáo sư Yann LeCun và Giáo sư Fei-Fei Li (Hoa Kỳ).

Thành tựu này có được là nhờ những đóng góp mang tính cách mạng cho mạng nơ-ron và các thuật toán học sâu của Giáo sư Geoff E. Hinton, Giáo sư Yann LeCun và Giáo sư Yoshua Bengio.

Bên cạnh đó, ông Jen-Hsun Huang đã tiên phong trong việc phát triển các nền tảng điện toán tăng tốc, thúc đẩy sự bùng nổ của kỷ nguyên AI (trí tuệ nhân tạo) hiện đại. Việc Giáo sư Fei-Fei Li tạo ra tập dữ liệu ImageNet cũng đã thúc đẩy sự tiến bộ trong hệ thống nhận diện hình ảnh, giúp huấn luyện các mô hình học sâu ở quy mô lớn.

Từ năm 2012, học sâu đã trở thành công cụ chủ đạo thúc đẩy các bước tiến lớn trong nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, tự động hóa, dịch vụ tài chính, từ đó định hình sự đổi mới, phát triển trong tương lai.

Bên cạnh giải thưởng Chính, VinFuture 2024 cũng trao 3 giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới, Nhà khoa học nữ và Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.

VinFuture 2024 vinh danh 4 công trình khoa học “bứt phá kiên cường”
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao giải Đặc biệt dành cho nhà khoa học nghiên cứu những lĩnh vực mới.

Giải Đặc biệt VinFuture 2024 dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới đã được trao cho Giáo sư Zelig Eshhar (Israel), Giáo sư Carl H. June và Giáo sư Michel Sadelain (Mỹ) vì sự phát triển liệu pháp tế bào CAR T để điều trị ung thư và các bệnh khác.

Công trình đột phá của Giáo sư Zelig Eshhar đã cách mạng hóa phương pháp điều trị ung thư bằng cách phát triển liệu pháp tế bào CAR T, từ đó cứu sống rất nhiều bệnh nhân và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm sinh học. Sự đổi mới này mang lại hi vọng cho các ứng dụng mới trong y học và mang lại các phương pháp điều trị với chi phí hợp lý cho người dân trên toàn thế giới.

Giáo sư Carl H. June và Giáo sư Michel Sadelain đã tiếp tục cải tiến liệu pháp tế bào CAR T, giúp điều trị hiệu quả các bệnh ung thư và tự miễn không đáp ứng với các liệu pháp thông thường.

Công trình tiên phong của họ đã dẫn đến sự phê duyệt của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho liệu pháp tế bào CAR T đầu tiên vào năm 2017 để điều trị bệnh bạch cầu lympho cấp tính ở trẻ em và thanh thiếu niên. Hiện nay, liệu pháp này đang được xem xét áp dụng trong chăm sóc lâm sàng trên thế giới.

Giải Đặc biệt VinFuture 2024 dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển đã vinh danh Tiến sĩ Firdausi Qadri (Bangladesh) vì sự đổi mới cải tiến vắc-xin dạng uống ngừa bệnh tả ở các nước đang phát triển.

VinFuture 2024 vinh danh 4 công trình khoa học “bứt phá kiên cường”
Tiến sĩ Firdausi Qadri đến từ Bangladesh nhận giải thưởng 500.000 USD dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.

Bệnh tả vẫn đang là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt ở những khu vực có điều kiện vệ sinh kém và thiếu nước sạch. Tiến sĩ Firdausi Qadri đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện quy trình tiêm chủng phòng chống bệnh tả, bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường tiêu hoá do vi khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra khi tiêu thụ thực phẩm hoặc nước bị nhiễm khuẩn.

Tại Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Tả Quốc tế, Bangladesh (ICDDR,B), Tiến sĩ Firdausi Qadri đã tiến hành các nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn sử dụng một chủng vắc-xin sống giảm động lực của Việt Nam.

Nghiên cứu đã rút ra kết luận về lợi ích, hiệu quả và độ an toàn của loại vắc-xin chi phí thấp này khi chỉ sử dụng một liều duy nhất. Tiến sĩ đã thúc đẩy việc triển khai các chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn tại Bangladesh cũng như các nước có thu nhập thấp khác nhằm ngăn ngừa dịch bùng phát. Việc dự phòng sớm để kiểm soát dịch tả giúp tăng cường an ninh y tế và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh trên toàn cầu.

Giải Đặc biệt VinFuture 2024 dành cho Nhà khoa học nữ được trao cho Giáo sư Kristi S. Anseth (Mỹ) vì những tiến bộ trong thiết kế vật liệu polymer và các phương pháp cho ứng dụng y sinh.

Giáo sư Kristi Anseth đã tiên phong phát triển các hệ thống nuôi cấy tế bào dựa trên vật liệu sinh học để giải mã các tín hiệu của chất nền ngoại bào (ECM) trong quá trình điều hòa sự phát triển, duy trì và tái tạo mô.

VinFuture 2024 vinh danh 4 công trình khoa học “bứt phá kiên cường”
Giải Đặc biệt VinFuture 2024 dành cho Nhà khoa học nữ được trao cho Giáo sư Kristi S. Anseth.

Giáo sư đã tiến hành nghiên cứu cách các tế bào trao đổi thông tin với ECM, từ đó thiết kế các vật liệu sinh học có khả năng tái tạo mô, điều trị các trạng thái bệnh lý, cũng như sàng lọc thuốc. Bà đã kết hợp sinh học phân tử và tế bào với kỹ thuật và toán học để tạo ra các vật liệu sinh học mới thay thế mô, có khả năng phục hồi, duy trì hoặc cải thiện chức năng của mô.

Phát biểu tại lễ trao giải thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá với thông điệp "Bứt phá kiên cường", VinFuture 2024 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục vinh danh các công trình nghiên cứu và phát minh mang tính đột phá, tác động sâu rộng, giúp nhân loại vượt qua khó khăn và chạm tới những đỉnh cao mới.

Theo Thủ tướng, trong thế giới đầy biến động với nhiều khó khăn, thách thức ngày nay, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để chúng ta bứt phá, vươn xa, bay cao, hội nhập trong tiến trình phát triển, làm cho thế giới, nhân loại ngày càng tốt đẹp, ấm no và hạnh phúc hơn.

Nhiệt liệt chúc mừng các nhà khoa học được vinh danh, với sự cống hiến bền bỉ, khát vọng bứt phá, nỗ lực không ngừng vì tương lai tươi sáng, hoà bình, phát triển thịnh vượng và bền vững của nhân loại, Thủ tướng cũng đánh giá cao, cảm ơn ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup về việc hình thành, phát triển và khẳng định tầm vóc quốc tế của Quỹ VinFuture.

Đặc biệt, giải thưởng VinFuture đang trở thành một trong những giải thưởng khoa học thường niên uy tín, truyền cảm hứng thúc đẩy hợp tác toàn cầu, kết nối những ý tưởng sáng tạo để giải quyết những thách thức lớn của toàn dân.

Theo Thủ tướng, điều đó cũng phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam, nơi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xác định là một trong những trụ cột quan trọng của phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Thủ tướng tin tưởng rằng, giải thưởng VinFuture tiếp tục tạo động lực, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các nhà khoa học, doanh nhân, nhất là đối với thế hệ trẻ Việt Nam với nhiệt huyết, khát vọng, ý chí vươn lên và sự kiên trì, bền bỉ để hiện thực hoá những ước mơ, hoài bão của mình.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược, là ưu tiên hàng đầu và là quốc sách để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã định hướng.

Trong nỗ lực "bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên", Việt Nam xác định rõ ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ưu tiên nguồn lực và tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mới nổi, đặc biệt quan trọng như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế sáng tạo, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật...

Thủ tướng mong muốn các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các đối tác quốc tế và trong nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ, ủng hộ, hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả hơn nữa để Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển đột phá trong nâng cao năng lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Trong đó, tập trung cho việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách với quan điểm "thể chế là đột phá của đột phá", phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, các quỹ đầu tư mạo hiểm, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực từ bên trong và bên ngoài cho khoa học công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Qua đó, góp phần tạo động lực bứt phá, sớm hiện thực hoá, thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược: Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ: Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà khoa học, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng toả sáng, phát triển mạnh mẽ. Với tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ", Việt Nam luôn hoan nghênh, khuyến khích các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư hiện thực hoá các ý tưởng, cơ hội, dự án đầu tư của mình tại Việt Nam.

Việt Nam cam kết tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, luôn là đối tác tin cậy, là người bạn đồng hành thuỷ chung và nỗ lực hết sức mình để đóng góp cho vai trò là một trong những "người truyền lửa" trong phát triển hệ sinh thái khoa học công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Hậu Lộc
Phiên bản di động