Vinapaco bị kiện đòi nợ hàng trăm tỷ tại nhà máy bột giấy đắp chiếu
Gánh nặng trả nợ tại dự án "đắp chiếu" của Tổng Công ty Giấy Việt Nam Ứng 97 triệu USD trả nợ cho dự án đắp chiếu của TCT Giấy Việt Nam |
Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, Bộ Công thương về tiến độ xử lý 12 dự án yếu kém của ngành, trong đó Bộ Công thương cũng đã đề cập đến tiến độ giải quyết dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam (Long An), chủ đầu tư là Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco).
Theo Bộ Công thương, Vinapaco hiện đang gặp khó khăn về tài chính, không chi trả được các khoản nợ gốc và lãi nêu trên cho PVcomBank.
Cụ thể, tháng 10/2019, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết buộc Vinapaco phải trả cho nhà băng tổng số tiền là 592,3 tỷ đồng.
Nhà máy Bột giấy Phương Nam. Ảnh: Internet. |
Vì thế, tháng 1/2020, Bộ Công thương kiến nghị với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội) xem xét, có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành và đại diện vốn Nhà nước tại PVcomBank thống nhất với Vinapaco phương án xử lý tài sản thế chấp thuộc dự án theo hướng bảo đảm các chỉ đạo của Chính phủ.
Vụ việc đang chờ ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ để xem xét, xử lý.
Về việc định giá phục vụ bán đấu giá tài sản cố định của dự án, theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2017, Vinapaco đã triển khai tổ chức bán đấu giá dự án lần 1 nhưng không thành công. Sau khi chứng thư thẩm định giá lần thứ nhất hết hiệu lực, công ty đã tiến hành thẩm định giá tài sản và hàng tồn kho của dự án lần thứ 2.
Sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đề nghị Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả định giá lần thứ 2 của Vinapaco, tuy nhiên sau khi Kiểm toán nhà nước bổ sung kế hoạch kiểm toán năm 2019, chứng thư thẩm định giá lần 2 hết hiệu lực (chứng thư chỉ có hiệu lực 6 tháng kể từ ngày ban hành).
Đến ngày 22/10, Bộ Công thương đề nghị Vinapaco thuê tư vấn định giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho của dự án tại thời điểm 0h ngày 1/10/2019. Đến nay, Vinapaco đã lựa chọn được đơn vị tư vấn thẩm định giá và đang tiến hành triển khai thực hiện (lần 3).
Trụ sở Vinapaco. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam ban đầu do Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi) làm chủ đầu tư được khởi công năm 2004, tuy nhiên đến tháng 6/2008 thì dừng thi công do thiếu vốn. Vào tháng 6/2009, dự án được chuyển giao từ Tracodi sang Vinapaco. Sau khi tiếp nhận, Vinapaco đã tiến hành lập báo cáo điều chỉnh tăng vốn lên 3.409,9 tỷ đồng.
Sau đó, Vinapaco đã đưa dây chuyền vào chạy thử. Tuy nhiên, khi chạy thử, dây chuyền gặp sự cố, do đó, từ tháng 10/2012 đến nay, dự án dừng hoạt động.
Theo báo cáo, tính đến ngày 31/12/2015, tổng chi phí đầu tư vào dự án là 2.636 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2016, tính cả lãi suất phải trả, tổng nợ phải trả lên tới 2.695 tỷ đồng. Tháng 9/2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đồng ý về chủ trương bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hoá tồn kho của nhà máy.
Nguyên nhân khiến nhà máy “nghìn tỷ” này phải đắp chiếu được giải thích do Tracodi thiếu năng lực, kinh nghiệm. Tuy nhiên, sau khi chuyển về chủ đầu tư mới là Vinapaco, dự án cũng không được làm tốt khâu rà soát, đánh giá tình trạng, không lường hết được những khó khăn về công nghệ, khả năng cung cấp nguyên liệu...
Tại thời điểm này, dù chưa thể nói trước được kết quả đấu giá dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam ra sao nhưng có thể nói rằng để lấy lại hàng nghìn tỷ đồng như đã đầu tư như ban đầu là điều không thể, chứ chưa nói đến là lỗ cả nghìn tỷ đồng. Vậy, ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự thua lỗ, và ai sẽ là người giải quyết hậu quả về sau (?).
Theo ý kiến của một số chuyên gia cho rằng, trách nhiệm ở đây gồm nhiều đơn vị, cá nhân, trong đó đặc biệt là ban lãnh đạo của Vinapaco, bởi chính đơn vị này tiến hành lập báo cáo điều chỉnh tăng vốn lên 3.409,9 tỷ đồng. "Không biết khi lập báo cáo điều chỉnh tăng vốn, Vinapaco có thực hiện kỹ càng, có tính toán được hết các rủi ro hay không nhưng hậu quả để lại đã thấy rõ vì vậy cần phải làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong dự án này", một vị chuyên gia nhấn mạnh.
Hiện tại, vấn đề trách nhiệm và việc xử lý như thế nào đang là câu hỏi lớn của người dân, dư luận đưa ra về Nhà máy Bột giấy Phương Nam với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cùng bao nhiêu kỳ vọng nhưng giờ đã nằm đắp chiếu và đang lên phương án đấu giá thanh lý.