Vietnam Airlines sẽ “gặp nguy” nếu không gia hạn khoản vay tái cấp vốn
Chính phủ muốn cho Vietnam Airlines gia hạn khoản nợ gần 4.000 tỷ đồng Nguy cho Vietnam Airlines |
Chiều 26/6, Quốc hội cho ý kiến về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 đối với Tổng Công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng, trường hợp không được gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn, Vietnam Airlinessẽ đối mặt với rủi ro mất khả năng thanh toán; có nguy cơ bị kiện, giảm uy tín với đối tác, khả năng Chính phủ phải trả nợ thay các khoản dư nợ có bảo lãnh; ảnh hưởng đến khả năng thu hồi khoản vay của các tổ chức tín dụng và tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm của hãng bay.
Đại biểu Huân cũng cho rằng, cần có những biện pháp hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của Vietnam Airlines – là hãng hàng không quốc gia và bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị Vietnam Airlines có kế hoạch cụ thể về tái cấu trúc để đảm bảo 5 năm tới không tiếp tục đề nghị Quốc hội tái cấp vốn.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương). |
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) nhất trí với báo cáo và đề xuất của Chính phủ về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Vietnam Airlines.
Đại biểu cho rằng, Vietnam Airlines đã có nhiều cố gắng, nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp tự thân, cơ cấu lại tổ chức, hoạt động của tổng công ty, tiết kiệm, cắt giảm chi phí, cơ cấu lại nợ vay, nhờ đó góp phần đáng kể trong xử lý giảm lỗ. Tuy nhiên, do chịu tác động khủng hoảng kép từ đại dịch COVID-19 và những bất ổn địa chính trị trên thế giới, chi phí đầu vào tăng cao, biến động rất lớn so với dự báo khi báo cáo Quốc hội năm 2020 đã để lại hậu quả rất nghiêm trọng.
Đại biểu Ngọc nhấn mạnh, trong bối cảnh này, Vietnam Airlines cần có các giải pháp tổng thể mới đảm bảo vượt qua khó khăn, sớm phục hồi và phát triển bền vững. Nhất trí với đề xuất của Chính phủ về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn, tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh, giải pháp này chỉ là giải pháp ngắn hạn, giúp Vietnam Airlines tạm thời có dòng tiền để ổn định duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo đại biểu, các giải pháp tái cơ cấu tài sản, nguồn vốn, tăng vốn điều lệ, thoái vốn tại các doanh nghiệp thành viên mới là các giải pháp căn cơ giải quyết được hai mục tiêu cho Vietnam Airlines. Đó là vừa có dòng tiền để xử lý thâm hụt dòng tiền, vừa có thu nhập để xử lý vấn đề âm vốn chủ sở hữu.
Máy bay Vietnam Airlines. |
Khi năng lực tài chính được cải thiện, Vietnam Airlines sẽ có nguồn vốn dài hạn để khơi thông các dự án đầu tư trọng điểm, tạo nền tảng vững chắc để doanh nghiệp phát triển bền vững, đặc biệt là dự án liên quan đến sân bay Long Thành, là căn cứ chính để hãng bay thực hiện trọng trách của hãng hàng không quốc gia và tiếp tục vươn tầm mạnh mẽ ra thế giới.
Cũng đồng tình với sự cần thiết gia hạn nợ cho Vietnam Airlineskhông quá 3 năm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho rằng, để có giải pháp căn cơ đảm bảo sự phát triển bền vững của Vietnam Airlines trong thời gian tới, Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Vietnam Airlines cần tái cơ cấu lại nợ.
Trong đó, giảm nợ ngắn hạn bằng cách tiếp tục tạo điều kiện cho Vietnam Airlines tăng vốn phát hành cổ phiếu. Tạo điều kiện cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu doanh nghiệp để thay thế cho nguồn vốn ngắn hạn hiện nay.
Trước đó, chiều 25/6, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã thay mặt Chính phủ đọc tờ trình về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Quốc hội liên quan đến Vietnam Airlines.
Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ngành hỗ trợ Vietnam Airlines triển khai gói hỗ trợ thanh khoản 12.000 tỷ đồng (bao gồm khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng và gói tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng thông qua chào bán thêm cố phiếu cho cổ đông hiện hữu) đúng theo yêu cầu tại nghị quyết của Quốc hội.
Với việc kết hợp triển khai tổng thể các giải pháp, nhất là gói giải pháp thanh khoản 12.000 tỷ đồng đã có tác động tích cực, mang lại hiệu quả, giúp đảm bảo vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines trên báo cáo tài chính năm 2021 không bị âm.
Qua đó, cổ phiếu HVN không bị hủy niêm yết bắt buộc tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) và vẫn duy trì khả năng thanh khoản, củng cố niềm tin, uy tín, hình ảnh của Vietnam Airlines đối với cổ đông, công chúng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng để duy trì hạn mức vay vốn hàng năm.
Theo báo cáo của Chính phủ, gói giải pháp trên còn giúp Vietnam Airlines thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán và nguy cơ phá sản ngay trong năm 2021, đảm bảo việc làm cho hàng nghìn người lao động; tạo niềm tin cho các chủ nợ, đặc biệt là các chủ tàu thuê, các nhà cung cấp bảo dưỡng sửa chữa tàu bay để hãng bay đàm phán giãn hoãn thanh toán, giảm giá tiền thuê.
Đồng thời, giúp duy trì hoạt động liên tục cho Vietnam Airlines với vai trò là hãng hàng không quốc gia đóng góp tích cực trong công tác hỗ trợ phòng, chống dịch, không để xảy ra các hệ lụy nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ, góp phần đảm bảo ổn định chính trị, an ninh quốc phòng đất nước.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện, đã phát sinh nhiều vấn đề mới và nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế. Trước hệ lụy kéo dài và nặng nề từ đại dịch COVID-19, cùng với môi trường kinh doanh tiếp tục biến động và nhiều rủi ro, các yếu tố đầu vào như tỷ giá, giá dầu vẫn ở mức cao dẫn đến trạng thái tài chính năm 2024 của Vietnam Airlines chưa được cải thiện.
Dự kiến đến cuối năm 2024, vốn chủ sở hữu Công ty mẹ Vietnam Airlines và hợp nhất vẫn lần lượt âm 8.237 tỷ đồng và âm 13.108 tỷ đồng. Vay ngắn hạn (bao gồm khoản vay từ nguồn tái cấp vốn) và nợ quá hạn của Vietnam Airlines ở mức cao, trong đó khoản vay tái cấp vốn có thời hạn hoàn trả từ tháng 7/2024 cùng nhiều khoản nợ từ giai đoạn trước sẽ đến hạn phải trả trong năm 2024.
Cùng đó, dòng tiền trong năm 2024 của Vietnam Airlines tiếp tục thâm hụt. Các giải pháp tái cơ cấu tài sản và cơ cấu danh mục đầu tư không triển khai kịp nên hãng bay không thể trả nợ khoản vay tái cấp vốn đúng hạn.
Do đó, Chính phủ trình Quốc hội thông qua việc cho phép Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo điểm a Khoản 11 Điều 1 Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội.
Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm (bao gồm 2 lần đã được gia hạn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14); lãi suất 0%/năm; không tài sản bảo đảm.