Việt Nam chưa bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền

Lãnh đạo Chính phủ và các chuyên gia kinh tế khẳng định chưa bao giờ Việt Nam có chủ trương phá giá đồng tiền theo kiểu thao túng tiền tệ để cạnh tranh xuất khẩu hay tạo lợi thế thương mại.
Bộ Ngoại giao nói về việc Việt Nam bị Mỹ đưa vào diện thao túng tiền tệ Ngân hàng Nhà nước lên tiếng việc Mỹ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 18/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi về thông tin Bộ Tài chính Mỹ công bố báo cáo về chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn, trong đó nêu việc có 10 nước trên thế giới trong diện theo dõi về chính sách tiền tệ, riêng Thụy Sỹ và Việt Nam là những nước thao túng tiền tệ.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh quan điểm Việt Nam không thao túng tiền tệ như kết luận của Bộ Tài chính Mỹ và cho biết, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã kịp thời tuyên bố, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có thông tin báo chí, nêu rõ quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam là nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm mục đích hạ giá tiền tệ để tạo lợi thế thương mại.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác Mỹ để duy trì đà quan hệ hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai nước.

Việt Nam chưa bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 18/12. Ảnh: VGP

Trước đó, ngay sau khi có thông tin việc Bộ Tài chính Mỹ chính thức xác định Việt Nam và Thụy Sỹ là quốc gia thao túng tiền tệ, cả Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước đều lên tiếng và khẳng định quan điểm nhất quán là Việt Nam không thao túng tiền tệ.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung, nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

Việc Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố Dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Việt Nam coi trọng mối quan hệ kinh tế thương mại ổn định và bền vững với Mỹ, cơ quan này sẽ phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến đến quan hệ thương mại hài hòa, công bằng theo kế hoạch hành động hợp tác giữa hai nước.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Chia sẻ về việc này với báo chí, chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch cho rằng, việc áp dụng ba tiêu chí để đánh giá các nước có thao túng tiền tệ hay không là cách nhìn của Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam có thể giải thích cho phía Mỹ hiểu rõ hơn về đặc điểm cơ cấu kinh tế Việt Nam và triển vọng hợp tác kinh tế hai bên trong dài hạn.

"Với vai trò của một người đã tham gia Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia của Việt Nam, tôi khẳng định chưa bao giờ Việt Nam có chủ trương phá giá đồng tiền theo kiểu thao túng tiền tệ để cạnh tranh xuất khẩu'', TS Trần Du Lịch khẳng định.

Về việc Việt Nam luôn xuất siêu trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, TS Trần Du Lịch cho rằng, cái gốc của vấn đề là do cơ cấu xuất khẩu, ngoại thương của hai nước, không phải do nguyên nhân khác. Những hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh với doanh nghiệp Mỹ, tạo điều kiện để người tiêu dùng của Mỹ được sử dụng hàng hóa rẻ của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chỉ mới xuất siêu trong mấy năm gần đây, do đó, cán cân vãng lai chủ yếu được cân đối bằng các nguồn ngoại tệ khác không phải từ thương mại, chẳng hạn như kiều hối. Dòng kiều hối chuyển về nước để đầu tư và tiêu dùng đều phải được chuyển sang đồng Việt Nam, nên việc Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ ròng thực sự là dịch vụ đổi tiền để phục vụ hoạt động thanh toán trong nước, không phải là công cụ thao túng đồng tiền.

Cũng theo TS Trần Du Lịch, trong thời gian qua, Việt Nam rất muốn và đã hết sức nỗ lực để cân bằng cán cân thương mại với Mỹ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư vào Việt Nam để họ tăng cường nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị từ Mỹ. Tiến trình này chưa được như kỳ vọng nhưng có những tín hiệu tích cực trong thời gian tới. Mặt khác, ngay Việt Nam cũng là một nước nhập siêu với nhiều quốc gia khác.

Văn Thành Nhân
Phiên bản di động