Việt Nam cần có hợp đồng mua điện theo chuẩn quốc tế để thu hút nhà đầu tư ngoại

Đây là ý kiến của ông Thomas Jacobs - Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023.
Việt Nam là "điểm sáng trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất ở đâu?

Theo ông Thomas Jacobs, trong lịch sử, Việt Nam đã đóng góp khá ít trong phát thải khí nhà kính nhưng hai thập niên vừa qua, với tốc độ tăng trưởng nhanh, Việt Nam là một trong những nền kinh tế thâm dụng về carbon nhất ở Đông Á.

Khi nhận thức được nhu cầu giảm thiểu khí nhà kính và đối phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đưa ra những cam kết tham vọng tại COP26 để có được trung hòa carbon vào năm 2050 và hiện thực hóa nỗ lực này.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được phát thải carbon trung hòa vào năm 2050, Việt Nam phải đẩy mạnh việc khử carbon nền kinh tế thông qua quá trình chuyển đổi năng lượng và bảo vệ môi trường. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa khu vực công, tư nhân và nguồn tài chính cần có.

Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới dự báo rằng lộ trình tăng trưởng phát thải ròng bền vững cần phải có thêm tới 6,8% GDP đầu tư hằng năm, tức là 368 tỷ USD cho tới năm 2040 và một nửa phần này khoảng 184 tỷ USD cần có từ khu vực tư nhân và để huy động được thì chúng ta phải vượt qua một số rào cản cơ bản như môi trường thể chế, pháp luật để khu vực tư nhân đầu tư vào những ngành chính gây phát thải như năng lượng, giao thông, nông nghiệp và sản xuất nhanh hơn, đơn giản hơn, rẻ hơn.

Việt Nam cần có hợp đồng mua điện theo chuẩn quốc tế để thu hút nhà đầu tư ngoại
Ông Thomas Jacobs - Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC). Ảnh: VGP

Ông Thomas Jacobs cho rằng, Việt Nam cần có hợp đồng mua điện theo đúng chuẩn quốc tế để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành rất quan trọng này.

Đồng thời, Việt Nam cần có thị trường vốn để có được các mô hình huy động trái phiếu bền vững và các cấu trúc này để Việt Nam đạt được những nguồn tài chính cần thiết trong lộ trình biến đổi khí hậu của mình.

Cuối cùng, Việt Nam cần có sự tham gia của khu vực tư nhân hơn nữa, thêm cơ hội cho họ trong thị trường carbon. Đây là thị trường mang tính tự nguyện nhưng sau này, bắt buộc chúng ta bảo đảm được môi trường đó phát triển mạnh mẽ và có được nền kinh tế xanh hơn trong việc giúp Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh cũng như tiếp cận hàng hóa tốt hơn. Điều này cần sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa khu vực tư nhân trong nước, nhà đầu tư nước ngoài để chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ mới cho nền kinh tế xanh Việt Nam.

Cũng tại diễn đàn, ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng đã chia sẻ một số khuyến nghị chính sách mở đường hướng tới sự thịnh vượng xanh và chuyển đổi kinh tế của Việt Nam.

Theo ông Gabor Fluit, việc sử dụng năng lượng tái tạo là nhiệm vụ cấp bách và có ảnh hưởng lớn của chúng ta. Để làm được điều này, Chính phủ nên khuyến khích tất cả các bên tiêu dùng điện đầu tư vào năng lượng tái tạo. Để giảm lượng khí thải carbon và thúc đẩy một tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch hơn, điều cần thiết là hoàn thiện Quy hoạch điện VIII và đưa vào một chiến lược bù đắp cho năng lượng từ than.

Với nguồn năng lượng mặt trời và gió dồi dào của Việt Nam, ông Gabor Fluit cho rằng, điều quan trọng là phải chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi hoàn toàn sang các nguồn năng lượng tái tạo này và việc sử dụng khí tự nhiên làm nhiên liệu chuyển đổi sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này. Các vấn đề về rác thải và thiếu nước cũng có thể được giải quyết với mô hình kinh tế tuần hoàn.

Hậu Lộc
Phiên bản di động