VEAM lên tiếng vụ nguyên Tổng giám đốc Trần Ngọc Hà bị bắt

VEAM khẳng định thông tin ông Trần Ngọc Hà - nguyên Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc cùng 3 người khác bị khởi tố, bắt tạm giam không ảnh hưởng đến hoạt động của công ty.
Ông Trần Ngọc Hà, cựu Tổng giám đốc VEAM vừa bị bắt là ai? Vì sao ông Trần Ngọc Hà và nhiều lãnh đạo VEAM bị bắt? Hai nguyên Tổng giám đốc VEAM bị bắt

Ngày 5/8, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) đã lên tiếng thông tin liên quan đến loạt cựu lãnh đạo, lãnh đạo đương nhiệm bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam.

Theo đó, VEAM cho biết, ngày 3/8/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố hình sự về “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra Tổng công ty và một số đơn vị thành viên” và khởi tố bị can đối với ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng Giám đốc; ông Lâm Chí Quang, nguyên Tổng Giám đốc; ông Vũ Từ Công, Phó Tổng Giám đốc; ông Nguyễn Mạnh Chung, Giám đốc Công ty TNHH Máy kéo và Máy nông nghiệp.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã tiến hành thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) và đã ban hành Kết luận thanh tra số 3202/KL-BCT ngày 8/5/2019.

veam len tieng vu nguyen tong giam doc tran ngoc ha bi bat
Các bị can bị bắt. Ảnh: Bộ Công an.

Tại Kết luận thanh tra, Bộ Công Thương đã kiến nghị chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm về quản lý kinh tế. Việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can của Bộ Công an là về các vụ việc liên quan đến các vi phạm này.

Hiện tại, hoạt động chính của VEAM bao gồm sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ của Công ty mẹ, đầu tư tài chính dài hạn tại các công ty con và đầu tư tài chính ngắn hạn. Những vấn đề còn tồn tại về quản lý của VEAM đã liên tục được xem xét, chấn chỉnh, cải thiện ngay trong quá trình thanh tra, kiểm tra từ cuối năm 2018 đến nay.

Bên cạnh đó, VEAM cũng khẳng định hoạt động không bị ảnh hưởng tiêu cực từ những thông tin về khởi tố vụ án nói trên. Mục tiêu chính năm 2019 đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 30/6/2019 thông qua sẽ đảm bảo được thực hiện thành công với kết quả tốt hơn nhờ các định hướng hoạt động và biện pháp quản trị ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả.

veam len tieng vu nguyen tong giam doc tran ngoc ha bi bat
Trụ sở VEAM.

"Đồng thời, VEAM cũng đang thực hiện những biện pháp đảm bảo hiệu quả hoạt động ổn định dài hạn trong tương lai, đặc biệt là liên quan đến các khoản đầu tư tài chính dài hạn", thông báo của VEAM nêu rõ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 8/5/2019, Bộ Công Thương đã ban hành kết luận số 3202/KL-BCT thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại VEAM.

Theo kết luận của Bộ Công Thương, trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6 năm 2018, mặc dù kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hàng năm đều có lãi, tuy nhiên thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh (Toyota, Honda...) mang lại. Nếu không tính số tiền lãi từ các liên doanh trên, hoạt động sản xuất kinh doanh của VEAM bị lỗ.

Bên cạnh đó, VEAM còn tự ý cho vay tính lãi, gia hạn nợ gốc và giảm lãi, miễn lãi mà không có quy định cụ thể bằng văn bản. Thậm chí một số trường hợp vay không có hợp đồng mà chỉ có giấy nhận nợ, với tổng số tiền chưa thu hồi được lên tới hơn 595 tỷ đồng.

Điển hình như tại Công ty TNHH MTV máy kéo và máy nông nghiệp (TAMAC), công ty còn nợ tổng công ty tiền vay 27,8 tỷ đồng. Đáng chú ý, tại thời điểm 31/12/2017, khoản tiền hỗ trợ TAMAC là 49,7 tỷ đồng là trái với chỉ đạo của Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó là việc rót vốn vào Nhà máy ôtô VEAM không thông qua Hội đồng thành viên lên tới hàng trăm tỷ đồng, không thực hiện đầy đủ việc giám sát tài chính, gây mất vốn đầu tư của VEAM 331,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Công Thương kết luận, việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, công tác kiểm tra, giám sát thiếu chặt chẽ đối với xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch tài chính hằng năm dẫn đến hoạt động của VEAM và một số đơn vị thành viên nhiều năm không hiệu quả, gây nguy cơ thất thoát vốn nhà nước, tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động kinh doanh.

Vụ việc điển hình nhất là việc mua 1.500 bộ linh kiện giữa VEAM và chi nhánh Công ty TNHH Mekong Auto. Tại thời điểm thanh tra, toàn bộ số xe đã lắp đặt của Mekong Auto (540 xe) không thực hiện đăng kiểm được; còn 360 bộ chưa lắp ráp và 600 bộ chưa đến thời điểm giao hàng. Mekong Auto thực hiện không đúng quy định của hợp đồng trong việc đăng kiểm và bàn giao xe thương mại.

Bên cạnh đó, VEAM cũng thực hiện việc mua 3.000 bộ linh kiện xe Hyundai Mighty nhưng không có trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của nhà máy, không được phê duyệt của HĐTV/Tổng giám đốc, theo quy định. Việc ký kết hợp đồng mua 3.000 bộ linh kiện là vượt thẩm quyền được giao; ngoài ra còn không thực hiện việc tham khảo giá và đàm phán giá theo quy định. Trách nhiệm chính thuộc về ông ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch VEAM giai đoạn 2011 - 2014 và là Tổng giám đốc giai đoạn 2015 - 2018) cùng HĐTV và Ban Tổng giám đốc.

Về công tác cán bộ, VEAM đã để xảy ra một loạt các sai phạm như không thực hiện đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục, quy chế trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.

Sau khi thanh tra, Bộ Công Thương đã yêu cầu VEAM, các đơn vị liên quan thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các nội dung kết luận thanh tra. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế.

Văn Huy
Phiên bản di động