"Vành đai biên giới" mở ra bầu trời tư tưởng!

"Vành đai biên giới" là bài thơ vừa được đăng trên báo Tuổi trẻ Thủ đô ngày 18/7/2022. Chạm đến trái tim người đọc, "mở ra một bầu trời tư tưởng", "Vành đai biên giới" của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh được PGS.TS Nguyễn Thanh Tú rất trân trọng. Báo Tuổi trẻ Thủ đô xin trân trọng giới thiệu bài viết này!
Tập trung triển khai đúng kế hoạch, tiến độ Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo triển khai Dự án đường Vành đai 4 Tổng quan Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội

Vành đai biên giới

Nguyễn Hồng Vinh

Tôi lại thăm Đồn Biên phòng Trà Cổ

Du khách muôn nơi tấp nập vành đai

Ngắm biên giới đất liền trải ra biển cả

Lời tiền nhân văng vẳng bên tai…

Gặp vợ chồng son lần đầu tới đây

Đón trăng mật ngập tràn hạnh phúc

Từ Năm Căn thăm thẳm rừng tràm, đước

Ra Sa Vĩ ngút ngát hàng dương

Họ chụp hình bên cột mốc số 0

Ghi: “Mũi Cà Mau 3260 cây số”

Phải 21 năm ròng, cả nước đổ máu xương

Mới vẹn toàn một con đường THỐNG NHẤT!

Ngực cha vẫn còn găm mảnh đạn

Một thời đánh Mỹ gian lao

Nay vẫn cùng bà con khóm, ấp

Vớt phù sa tôn tạo bãi bờ

Đất lặng thầm vươn ra biển lớn!

Mắt rơi lệ khi nói mình được hưởng

Thành quả lớn lao từ thế hệ cha, ông

Lớp trẻ anh được xuôi ngược Bắc - Nam

Ngắm đất trời đẹp tươi lồng lộng!

Vành đai biên giới

Thấm máu tiền nhân

Loang rộng nước rừng tràm

Bám rễ lòng Dân

Tổ quốc trường tồn, bất diệt!

Sa Vĩ, 16/7/2022

"Vành đai biên giới" mở ra bầu trời tư tưởng!
Tác giả Nguyễn Hồng Vinh tại mũi Sa Vĩ - cực Bắc Tổ quốc

Bài thơ có hai mạch chìm, nổi xuyên suốt, tạo nên kết cấu đa tầng trong - ngoài, hiện tại - quá khứ, cụ thể - trừu tượng thật đặc biệt. Kết cấu bên ngoài là không gian nhìn thấy: “Tôi lại thăm Đồn Biên phòng Trà Cổ/ Du khách muôn nơi tấp nập vành đai/ Ngắm biên giới đất liền trải ra biển cả”.

Những mảng không gian thật cụ thể, nơi đồn biên phòng ở Trà Cổ, du khách tới tham quan vành đai biên giới, từ điểm nhìn này nhìn ra xa sẽ thấy đường biên cực Bắc vươn ra biển khơi. Khổ thơ mở đầu có sức gợi: Gợi về niềm thiêng liêng, tự hào về đất đai Tổ quốc.

Đến hình ảnh “Gặp vợ chồng son lần đầu tới đây/ Đón trăng mật ngập tràn hạnh phúc” thì chất gợi được tăng lên. Trước khi bước vào cuộc đời hạnh phúc, nhiều cặp vợ chồng đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ để cảm ơn tiền nhân. Cặp “vợ chồng son” này khác hơn, đến vùng biên giới vừa để “đón trăng mật” vừa để cảm ơn cha ông, cảm ơn lịch sử...

Đến câu: “Từ Năm Căn thăm thẳm rừng tràm, đước/ Ra Sa Vĩ ngút ngát hàng dương” là không gian cảm thấy. Nối hai không gian “Năm Căn” và “Sa Vĩ” là cây cầu liên tưởng, tưởng tượng. Hình tượng “rừng tràm, đước”, “hàng dương” xuất hiện tưởng như vô tinh, nhưng là sự sắp xếp rất tự nhiên để “bùng nổ” điều cần chốt ở cuối bài!

Từ hình tượng đường biên, vành đai biên giới, mạch thơ chuyển dịch vào tâm của thế giới nội cảm trữ tình. Cái nhìn ngoại giới nhìn thấy đôi vợ chồng nọ “Họ chụp hình bên cột mốc số 0/ Ghi: “Mũi Cà Mau 3260 cây số” chuyển dần vào cái nhìn bên trong, cái nhìn tâm cảm để tạo ra không gian suy ngẫm, triết lý: “Phải 21 năm ròng, cả nước đổ máu xương/ Mới vẹn toàn một con đường THỐNG NHẤT!”.

"Vành đai biên giới" mở ra bầu trời tư tưởng!
Tác giả Nguyên Hồng Vinh thăm giống Lan do các chiến sĩ Đồn Biên phòng Trà Cổ thí điểm lai ghép

Tác giả gợi ý người đọc suy tư, ngẫm ngợi để hình dung được cái hi sinh, cái hào hùng một thời đánh giặc. Có thể gọi đó là không gian tâm tưởng. Bài thơ được nâng thêm một tầm nhận thức mới. Ý thơ sâu sắc hơn. Tình thơ sâu nặng, nồng nàn hơn.

Lời nhân vật “tôi” trao gửi rất khéo đến nhân vật “vợ chồng son nọ”. Đến khổ thơ tiếp theo giọng của cặp đôi này rõ hơn: “Ngực cha vẫn còn găm mảnh đạn/ Một thời đánh Mỹ gian lao/ Nay vẫn cùng bà con khóm, ấp/ Vớt phù sa tôn tạo bãi bờ” là sự kết hợp hai lớp không gian lịch sử qua liên tưởng, tưởng tượng về người cha thương tật thời đánh Mỹ và không gian hiện tại “vớt phù sa tôn tạo bãi bờ”. Thì ra, họ đi từ không gian khóm, ấp ở cực Nam ra nơi Trà Cổ cực Bắc để chiêm ngưỡng đất nước mình, để chiêm bái Tổ tiên đã cho họ một không gian thiêng liêng nhất là Tổ quốc!

Giọng nhân vật “vợ chồng son” và “tôi” hòa vào làm một, khó phân biệt. Hiện tượng “hòa” giọng này chỉ xảy ra khi tất cả cùng đồng hướng về một điểm: “Đất lặng thầm vươn ra biển lớn!/ Mắt rơi lệ khi nói mình được hưởng/ Thành quả lớn lao từ thế hệ cha, ông/ Lớp trẻ anh được xuôi ngược Bắc - Nam/ Ngắm đất trời đẹp tươi lồng lộng”. Các hình tượng dường như cũng trừu tượng, mờ đi qua làn nước mắt, “đất” thì “lặng thầm”; Xxuôi ngược” cũng chỉ là ước lệ... Đó là nước mắt của lòng tri ân rất đáng quý trọng!

Đến khổ cuối cùng, giọng chuyển thành một, không gian trĩu nặng tình thơ; Ý thơ cũng chuyển theo, từ rất cụ thể chuyển thành rất trừu tượng. Tất cả như đồng hướng, đồng cảm, đồng thanh, đồng ý để nói cái sâu nặng của tình yêu nước, lòng biết ơn hướng về nguồn cội, ý chí đoàn kết, quyết tâm dồn tụ vào điều tâm niệm thiêng liêng: “Vành đai biên giới/ Thấm máu tiền nhân/ Loang rộng nước rừng tràm/ Bám rễ lòng Dân/ Tổ quốc trường tồn, bất diệt!”.

Đến đây, thật sự có ánh sáng của tư tưởng được kết đọng lại: “Bám rễ lòng Dân”. Hình tượng “Bám rễ lòng Dân” tuy trừu tượng nhưng người đọc đều thấu hiểu một thông điệp tổng quát: Nhân dân là nguồn sức mạnh to lớn! Dựa vào Dân, mọi việc sẽ thành công! Rõ ràng, bài thơ mang tính tư tưởng kết hợp hài hòa với tính nghệ thuật. Nhờ vậy, tính chính trị của thơ ca dễ hòa vào bầu trời văn hóa bạn đọc.

Tư tưởng trước nay vốn trừu tượng nhưng qua bài thơ này, nó được nảy nở và tỏa sáng trên nền cái cụ thể, cho nên tư tưởng có sức khái quát sâu sắc và nâng tầm, nhưng người đọc vẫn dễ hiểu và thấm thía vì lời thơ dung dị, tự nhiên. Đó là điều kiện để có thơ hay. Bài thơ này là như vậy; Mặt khác được ra đời đúng dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, càng tôn lên giá trị thời sự!

PGS.TS Nguyễn Thanh Tú
Phiên bản di động