Ủy ban Chứng khoán vẫn trực thuộc Bộ Tài chính
Công ty Dược phẩm Bến Tre bị phạt 120 triệu đồng ''Om'' báo cáo thông tin, Công ty Công trình hàng không bị phạt 60 triệu đồng Chây ỳ lên sàn, Bánh kẹo Hải Châu bị phạt tổng cộng hơn 400 triệu đồng |
Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội, chiều 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Theo báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày tại phiên họp, dự thảo Luật còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau đó là quy định về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; mô hình của Sở giao dịch chứng khoán; chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty không phải là công ty đại chúng; chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và về ngân hàng thanh toán.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Ảnh: CTTĐT Quốc hội. |
Về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện có 03 phương án. Phương án 1 quy định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính. Phương án 2, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng cần tăng thêm tính độc lập, thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với Sở Giao dịch chứng khoán và Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán. Phương án 3, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước độc lập, trực thuộc Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế đề xuất lựa chọn phương án 2. Theo lý giải, phương án này đảm bảo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tương đối tính độc lập, quản lý và giám sát toàn diện thị trường, phù hợp với nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán, khuyến nghị của Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) và quy định của các nước có cơ quan quản lý chứng khoán nằm trong Bộ Tài chính (như Malaysia, Bangladesh, Bồ Đào Nha) và giữ được ổn định, không làm xáo trộn về bộ máy tổ chức.
Về mô hình của Sở Giao dịch chứng khoán có 2 phương án. Phương án 1 như Chính phủ đã trình tại Kỳ họp thứ 7. Phương án 2 quy định chỉ có 1 Sở giao dịch chứng khoán duy nhất và đặt tại trung tâm tài chính quốc gia, là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán. Ủy ban Kinh tế đề xuất lựa chọn phương án 2 bởi phương án này cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận tại Phiên họp thứ 33. Phương án này bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả của thị trường, minh bạch, rõ ràng trong áp dụng quy định của pháp luật.
Theo đó, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng sửa đổi tên gọi Sở giao dịch chứng khoán thành Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam; quy định rõ Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán. Đồng thời bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 43 của dự thảo Luật theo hướng: "Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, giải thể, cơ cấu tổ chức, hình thức sở hữu của SGDCK Việt Nam nhưng phải bảo đảm Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của các đơn vị tổ chức thực hiện giao dịch chứng khoán” để bảo đảm giữ vai trò chỉ đạo, chi phối của Nhà nước đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù quan trọng này.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, dự thảo Luật chỉnh lý quy định về chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty không phải là công ty đại chúng theo hướng: “Chào bán chứng khoán riêng lẻ (bao gồm cổ phiếu và trái phiếu) của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp” và giao Chính phủ hướng dẫn đối với nội dung này.
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với báo cáo của Ủy ban Kinh tế và cho rằng dự thảo luật đã nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, các nội dung thống nhất tiếp thu như quy định chào bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá, điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, đăng ký giao dịch bảo đảm của Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam…đều phù hợp với điều kiện của Việt Nam, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng đề nghị cần lưu ý đến tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, cần rà soát thật kĩ để tránh xung đột pháp tránh làm phức tạp rắc rối cho thị trường.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, sau khi nghe báo cáo, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với hướng tiếp thu giải trình như báo cáo của Ủy ban Kinh tế về những vấn đề thống nhất tiếp thu giải trình giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo.
Đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn giữ quan điểm như tại kết luận của Phiên họp thứ 33 về địa vị pháp lý nhiệm vụ quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán. Theo đó quy định Ủy ban Chứng khoán trực thuộc Bộ Tài chính đồng thời bổ sung thêm một số quyền nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật và các quy định của Đảng và giữ mối quan hệ giữa Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước như hiện nay.
Về mô hình của Sở giao dịch chứng khoán, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định chỉ có một Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và đặt tại trung tâm tài chính quốc gia, còn việc đặt cụ thể tại địa điểm nào do Chính phủ cân nhắc quyết định mà không quy định trong luật. Song Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc việc quy định “Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, giải thể, cơ cấu tổ chức, hình thức sở hữu của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam nhưng phải bảo đảm Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của các đơn vị tổ chức thực hiện giao dịch chứng khoán”.
Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến rõ ràng về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), đề nghị Ủy ban Kinh tế tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật và Báo cáo tiếp thu giải trình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 37.