Từ 15/4: Cung cấp chia sẻ thông tin bịa đặt về Covid-19 bị phạt 20 triệu đồng

Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt về Covid-19 hoặc các thông tin gây hoang mang dư luận sẽ bị xử phạt 20 triệu đồng là một trong những quy định nổi bật có hiệu lực từ hôm nay 15/4.
Xử lý một KOL đưa hàng trăm thông tin thất thiệt về Covid-19 trên mạng xã hội Đà Nẵng: Xử lý người đăng tin sai sự thật về du khách nhiễm SARS-CoV-2

Hôm nay (15/4), Nghị định 15, Nghị định 28 năm 2020 do Chính phủ ban hành bắt đầu có hiệu lực với hàng loạt chính sách nổi bật.

tu 154 cung cap chia se thong tin bia dat ve covid 19 bi phat 20 trieu dong
ảnh minh họa (nguồn IT)

“Câu like” bằng tin giả trên mạng xã hội phạt đến 20 triệu đồng

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Cụ thể, Điều 101 Nghị định này quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Ngoài ra, mức phạt trên cũng được áp dụng đối với người thực hiện một trong các hành vi sau trên mạng xã hội:

- Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

- Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;

- Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;

- Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản ấn phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;

- Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

- Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;

- Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

Đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng.

Cấm người chơi mua bán tài khoản, vật phẩm game

Theo Nghị định 15 năm 2020, phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với hành vi:

- Mua, bán vật phẩm ảo hoặc đơn vị ảo hoặc điểm thưởng;

- Lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia.

Ngoài ra, khoản 6 Điều 104 Nghị định quy định phạt tiền từ 170 - 200 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi quy đổi vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng thành tiền hoặc thẻ thanh toán hoặc phiếu thưởng hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử dưới bất kỳ hình thức nào.

Đối với người chơi không chấp hành quy định về quản lý giờ chơi tại điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng sẽ bị phạt tiền từ 600.000 - 1 triệu đồng.

Chủ doanh nghiệp không khám sức khỏe cho nhân viên phạt đến 150 triệu đồng

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP. Theo đó, phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng khi vi phạm với mỗi người lao động đối với người sử dụng lao động không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động, trừ trường hợp người sử dụng lao động đã tổ chức nhưng người lao động không muốn khám.

Mức phạt tối đa 75 triệu đồng. Riêng với tổ chức thì mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân, tương đương tối đa 150 triệu đồng.

Ngoài ra, Nghị định cũng có nhiều quy định mới trong xử phạt hành chính lĩnh vực lao động:

- Doanh nghiệp tạm đình chỉ công việc đối với người lao động không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng;

- Doanh nghiệp áp dụng nhiều hình thức kỷ luật lao động đối với 1 hành vi vi phạm kỷ luật lao động sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng;

- Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với doanh nghiệp không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh. Đồng thời, buộc phải trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động nếu có hành vi vi phạm quy định này;

- Phạt tiền tới 150 triệu đồng nếu doanh nghiệp không trả sổ BHXH cho người lao động khi người lao động nghỉ việc…

Sau 3 lần tiêm thuốc độc còn sống thì tử tù được tạm dừng thi hành án

Theo Nghị định 43/2020/NĐ-CP, khi thi hành án tử hình phải chuẩn bị đủ 03 liều thuốc (trong đó có 02 liều dự phòng).

Mỗi lần tiêm thuốc sau 10 phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết thì tiếp tục sử dụng liều thuốc dự phòng tiêm lần thứ hai, thứ ba.

Trường hợp tiêm hết liều thuốc thứ ba sau 10 phút mà người bị thi hành án chưa chết thì Đội trưởng Đội thi hành án phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình ra quyết định tạm dừng thi hành án.

PV
Phiên bản di động