TS Việt tại Mỹ cảnh báo về 'thảm họa' môi trường sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông
TS Hồng Vũ cho biết: Cơ chế thắp sáng của đèn huỳnh quang là cần thủy ngân (Hg). Lượng thủy ngân có trong bóng đèn dao động từ 3 đến 46 mg (mili gram). Bóng đèn dài 1.2m, trắng thường sử dụng có khoảng 5 mg thủy ngân trong đó.
Trong khi đó, thủy ngân là kim loại nặng, trạng thái lỏng ở nhiệt độ bình thường và dễ bay hơi. Trong vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông, với nhiệt độ cao của đám cháy, kim loại thủy ngân trữ trong nhà máy để sản xuất bóng đèn và lượng kim loại thủy ngân có trong bóng đèn hoàn chỉnh bể ra đã rất dễ dàng bốc hơi vào không khí.
Kim loại thủy ngân ở dạng hơi trong không khí (Elemental mercury vapor) rất dễ dàng được hấp thụ (tỷ lệ hấp thu xấp xỉ 80%) vào phổi, và nhanh chóng khuếch tán vào máu và phân phối vào tất cả các cơ quan của cơ thể.
Ở dạng nguyên tố kim loại thủy ngân không tích điện, có khả năng khuếch tán cao và tan trong lipid, vượt qua hàng rào máu não và hàng rào máu nhau thai, cũng như hai lớp lipid của màng tế bào và các cơ quan nội bào!
Hai cơ quan chính trong cơ thể tích tụ thủy ngân sau khi bị hấp thụ là não và thận. Sự bài tiết của thủy ngân ra khỏi cơ thể khá chậm, cần khoảng 30-60 ngày để bài tiết phân nữa (half-life) lượng thủy ngân trong các cơ quan trong cơ thể ngoại trừ não! Theo một số nghiên cứu não cần khoảng 20 năm!
Do thủy ngân có ái lực cao với nguyên tố Selen (Se) và các nhóm sulfhydryl có trong nhiều enzyme và protein mô dẫn đến gây ra ảnh hưởng trực tiếp rối loạn các chức năng của chúng và làm hư hỏng tế bào. Các hư hỏng này có thể rất nghiêm trọng và cuối cùng làm tê liệt các hệ thống cơ quan như phổi, thận hoặc hệ thần kinh. Nhiễm độc nặng có thể dẫn đến tử vong.
Triệu chứng nhiễm độc cấp tính với hơi thủy ngân khi hít phải là: run rẩy, khó thở, tức ngực, không cảm giác được mùi, mất trí nhớ, khó ngủ, đau đầu, cảm giác yếu mệt, suy nhược cơ bắp, co giật cơ bắp, giảm chức năng nhận thức,… Nhiễm độc thủy ngân còn là nguyên nhân gây nên sẩy thai và thai dị dạng!
Chính vì vậy, TS Vũ khuyến cáo người dân 4 điều:
Thứ nhất, khi đã biết bị phơi nhiễm và nghi ngờ nhiễm độc bởi thủy ngân thì cần được điều trị càng sớm càng tốt do các tác động có hại của thủy ngân lên cơ thể là không thể phục hồi được! Nên tham khảo ý kiến sớm với nhân viên y tế và các cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát độc tố.
Thứ hai, nếu các bạn trong vùng nhiễm, nên đi chỗ khác ở tạm trong một thời gian.
Thứ ba, trong vùng nhiễm khi ra đường tuyệt đối phải sử dụng khẩu trang có trang bị than hoạt tính.
Thứ tư, cẩn thận với nước các bạn đang sử dụng, sau cơn mưa, thủy ngân có thể đã nhiễm vào nguồn nước! Nên mua nước chai uống trong thời gian chờ kiểm nghiệm.
Bên cạnh đó, TS Vũ cũng chia sẻ: "Chuyện này có thể gây nên một thảm họa môi trường nghiêm trọng cho một lượng lớn người đang sống ở Hà Nội. Với vai trò là một nhà khoa học, tôi có những đề xuất như sau:
Phải ngay lập tức lấy mẫu khí, nước, đất từ tâm cùng cháy trở ra kiểm tra nồng độ thủy ngân cho đến khi không còn thấy nữa để xác định chính xác vùng nhiễm mà khoanh vùng.
Đề nghị người dân di tản ngay ra khỏi những vùng được coi là nhiễm nặng, và điều trị ngay những người có triệu chứng nhiễm độc thủy ngân.
Cô lập khu vực nhà máy có chứa thủy ngân ngay, tránh các tác nhân có thể làm lây lan.
Cần sự hỗ trợ của các chuyên gia để thực hiện thu dọn và xử lý ô nhiễm thủy ngân".
Số liệu cần tham khảo về nồng độ thủy ngân cho phép của tổ chức y tế thế giới (WHO): Lượng thủy ngân cho phép trong không khí là 2–10 nanô gram/mét khối. Lượng thủy ngân cho phép trong nước ngầm và nước bề mặt là 0.5 micrô gram/lít |