Trường ca về người lính biển
Nga phát triển công nghệ giáp mới cho người lính tương lai Những "người lính" bốn chân quả cảm của Liên Xô Đại dịch Covid-19: Người lính và những hy sinh thầm lặng |
“Ngang qua bình minh” là tác phẩm viết về biển đảo với hình tượng người thủy thủ - chiến sĩ hải quân trên những con tàu làm nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc. Đây được ví như “sợi dây” yêu thương kết nối đất liền với hải đảo.
Nhờ đặc trưng bao quát và "ôm chứa" thể loại, bố cục này tạo cơ hội cho tác giả triển khai mạch tư tưởng, cảm xúc và hình tượng trữ tình trong sự phong phú, linh hoạt, uyển chuyển, đan xen giữa chất sử thi và thế sự, hùng ca và bi ca |
Nhà thơ Lữ Mai chia sẻ, tập trường ca là kết quả sau chuyến công tác của chị ra Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2019. Trước đó, trong năm 2019, tác giả đã ra mắt hai cuốn tản văn, ghi chép: “Nơi đầu sóng” và “Mắt trùng khơi” (in chung với kỹ sư Trần Thành, NXB Văn học). Hai cuốn sách này đã đạt giải thưởng Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 của Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Giải B giải thưởng Văn học nghệ thuật, báo chí giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Tư lệnh Hải quân.
Nhận xét về trường ca của Lữ Mai, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chia sẻ: Đây là tác phẩm thực sự mới mẻ trong cách thể hiện nhưng bi tráng và rộng lớn về một đề tài dễ “gục ngã” nhất vì chính nội dung của nó. Tác giả đã vượt qua “hố sâu” của một đề tài mà lại là đề tài rất quen thuộc. Cách triển khai trường ca của tác giả bất ngờ, ngôn ngữ đẹp, ý tưởng sâu sắc và sức gợi mở rộng.
Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Viết văn - Báo chí (trường Đại học Văn hóa Hà Nội) trong bài viết về tập sách này với tiêu đề “Những vọng âm từ biển”, nhận định: “Là một người viết chuyên nghiệp, Lữ Mai hẳn nhiên ý thức về những cái bóng trường ca đã phủ xuống thơ Việt cũng như hiểu rõ cả áp lực mà một người viết trẻ như chị phải đối diện trước đòi hỏi thể loại cần nhiều trải nghiệm sống, trải nghiệm viết. Vì thế, trong trường ca này, thấy rõ những nỗ lực, gắng gỏi để tạo nên cái riêng khác của tác giả, dựa trên chính việc khai thác tối đa ưu thế của thể loại và “vốn liếng” thực tế quý giá của những ngày ra với biển, với người lính cũng như trải nghiệm sống của chị”; “Ngang qua bình minh là khúc ca bi tráng về những người lính kiên trung, bất khuất ấy ở cả chiều kích rộng lớn, hào sảng: Tình yêu Tổ quốc, biển cả, tinh thần quyết tử bảo vệ chủ quyền đất nước lẫn những xúc cảm riêng tư, sâu lắng…
Nhờ đặc trưng bao quát và “ôm chứa” thể loại, bố cục này tạo cơ hội cho tác giả triển khai mạch tư tưởng, cảm xúc và hình tượng trữ tình trong sự phong phú, linh hoạt, uyển chuyển, đan xen giữa chất sử thi và thế sự, hùng ca và bi ca, giữa câu chuyện “thời sự” có tính thời điểm liên quan tới chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa”.
Trong tương quan với không gian biển, nỗi niềm của họ trở nên thật hơn |
Nhà phê bình văn học Hoàng Thụy Anh nhận xét về tác phẩm trong bài viết “Trái tim người từ lòng biển vút lên”: “Ngang qua bình minh” của Lữ Mai có 8 chương gọn ghẽ, cô đọng. Chị cấu trúc triển khai tác phẩm theo mô hình khá quen thuộc: Mối quan hệ giữa tiền tuyến và hậu phương. Chị đã biết lạ hóa mô hình quen thuộc ấy bằng sự kết hợp nhiều yếu tố song trùng: Thực và mơ, giữa niềm vui và nỗi buồn, giữa tự hào và đau thương, giữa sự sống và cái chết... Chị sử dụng yếu tố kì ảo để tạo dựng cuộc gặp gỡ, trò chuyện “người đã khuất thức cùng người sống”.
Những câu chuyện về người lính, đàn bà, thiếu nữ, trẻ con… ở Điêu Lương lúc xuất hiện cõi dương, lúc cõi âm, lúc đất liền, lúc ngoài hải đảo, tách biệt và hòa nhập đều hết sức bất ngờ. Lữ Mai dựng chân dung người lính hải quân không đơn thuần chỉ là những công việc, thử thách mà họ đang hằng ngày đối mặt mà ở đó, chị còn làm đầy lên thế giới tâm hồn, tình cảm hết sức chân thành của những người lính tuổi đôi mươi.
Trong tương quan với không gian biển, nỗi niềm của họ trở nên thật hơn. Biển được chị nhìn như “cái tử cung mang giữ sự sống”, luôn ôm chứa tình mẫu tử thiêng liêng: “Vòng tay mẹ hãy rộng dài nhấp nhô vỗ về như biển / đủ cho tất cả chúng con”.
Chia sẻ về trường ca “Ngang qua bình minh”, tác giả Lữ Mai cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi viết thể loại trường ca. Lao động sáng tạo bao giờ cũng có nỗi nhọc nhằn riêng. Đối với tôi đó cũng là niềm thăng hoa tuyệt diệu. Trong thời điểm toàn xã hội căng thẳng, tổn thất vì dịch bệnh Covid-19, đúng giai đoạn “sôi sục” nhất, hoang mang nhất thì tôi nhận được những cuộc gọi điện hỏi thăm tình hình đất liền từ các đồng chí bộ đội đang làm nhiệm vụ trên tàu trực và ở đảo xa. Bấy giờ, tôi chợt nhận ra rằng, những người lính của chúng ta cũng đang gánh trên vai nhiệm vụ cao cả, quan trọng. Họ phải từng phút từng giờ canh giữ chủ quyền biển đảo trong mọi điều kiện hoàn cảnh.
Tuy nhiên, dường như tất cả mọi sự quan tâm, chia sẻ và yêu thương đều gửi tới đất liền - nơi không chỉ có gia đình, quê hương các anh, mà có cả chúng tôi, những con người chỉ thoáng gặp trong hải trình ngắn ngủi. Có một người lính còn mang về cho chúng tôi cát và nước biển khi con tàu anh đi thả neo làm lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, với niềm tin những người nơi đất liền sẽ luôn được sẻ chia, che chở. Kỷ niệm ấy khiến tôi xúc động và quyết định viết tập trường ca mà ý tưởng, hình ảnh đã được ngẫm ngợi, liên tưởng từ trước đó.
Tôi nghĩ rằng, lòng biết ơn và sự tri ân của chúng ta đối với những người lính không bao giờ đủ. Người viết trẻ như tôi còn nhiều thiếu sót và hạn chế, nhất là đối với một thể loại trường sức, một đề tài cao cả, sâu xa. Biết vậy nhưng không thể nào không rung động, trắc ẩn và không cầm bút. Viết, trước hết là cho chính chúng tôi, để thêm trân trọng, biết ơn bao thế hệ những người đã hy sinh phần hạnh phúc riêng tư cho Tổ quốc, cho Nhân dân được bình yên”.