Trừng phạt Trung Quốc là con cờ của Tổng thống Trump cho bầu cử 2020
Sau khi kết thúc màn châm chọc hàng loạt ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ tại cuộc gặp cử tri ở bang Florida hôm 8/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump chuyển hướng sang cuộc đối đầu thương mại ngày càng gay gắt với Trung Quốc. Động tác đổi chủ đề ấy có mục tiêu rất rõ ràng, Tổng thống Trump muốn khẳng định ông sẽ là người cứng rắn với Trung Quốc hơn bất cứ đối thủ tiềm năng nào trong cuộc bầu cử 2020.
"Được đại diện cho người Mỹ chống lại Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc là một điều tuyệt vời", Tổng thống Trump nói.
Trước đó, ông Trump mỉa mai cựu phó tổng thống Joe Biden khi tuyên bố rằng Trung Quốc tìm cách rút khỏi thỏa thuận thương mại với Mỹ bởi muốn chờ nhiệm kỳ của Tổng thống Trump qua đi, và Bắc Kinh có thể tìm kiếm một thỏa thuận khác có lợi hơn từ một tổng thống phe Dân chủ.
"(Biden) Một trong những ứng viên mềm yếu của đảng Dân chủ, và vì thế sẽ tiếp tục xé nát nước Mỹ", Tổng thống Trump phát biểu.
Thay đổi chiến lược
Từ nhiều tháng qua, triển vọng về một thỏa thuận thương mại biểu tượng mang tính bước ngoặt với Trung Quốc là điều ông chủ Nhà Trắng hết sức trông đợi. Thế nhưng, một số nhà phân tích và cựu trợ lý của Tổng thống Trump nhận định toan tính chính trị của ông đã thay đổi.
Trong những phát biểu gần đây, Tổng thống Trump thể hiện sự cứng rắn với Trung Quốc và sẵn sàng bỏ rơi các thỏa thuận có thể đạt được. Một số chuyên gia cho rằng chiến lược này sẽ giúp ông có lợi thế lớn hơn trước thềm bầu cử 2020, thay vì thực sự ký kết một thỏa thuận thương mại.
Tổng thống Trump phát biểu trước cử tri ủng hộ tại Florida hôm 8/5. Ảnh: AFP. |
Áp đặt thuế trừng phạt mới chống Trung Quốc dường như sẽ làm tổn hại chính nông dân Mỹ, tác động tới thị trường chứng khoán, và có thể gây thiệt hại cho cả nền kinh tế. Tuy nhiên, việc ký một thỏa thuận có thể khiến Tổng thống Trump trở thành nạn nhân cho các cuộc tấn công của phe Dân chủ, đặc biệt nếu thỏa thuận này bị coi là không đủ mạnh.
Trường hợp thỏa thuận với Bắc Kinh thiếu hiệu quả và không giải quyết căn bản những bất cập trong quan hệ kinh tế - thương mại song phương, phe Dân chủ nhiều khả năng sẽ tô đậm yếu tố này như bằng chứng cho thấy ông Trump chỉ là kẻ "thùng rỗng kêu to".
"Một thỏa thuận yếu, bao gồm việc không thể ngăn chặn hoạt động trộm cắp và gián điệp mạng của Trung Quốc, sẽ là một bằng chứng khác để đảng Dân chủ cho rằng ông Trump đã không hoàn thành nhiệm vụ", Geoff Garin, chuyên gia bầu cử đảng Dân chủ, nhận xét.
Vì lẽ đó, cách tiếp cận cứng rắn trong vấn đề thương mại với Bắc Kinh sẽ giúp ông Trump có cơ hội lấy lòng các cử tri trung thành, đồng thời khiến phe Dân chủ không có cơ hội chỉ trích ông, bởi ông đang được coi là "người bảo hộ vĩ đại của công nhân Mỹ".
"Đã qua rồi cái thời chúng ta nhẹ nhàng với Trung Quốc, chính trị nay đang điều khiển cả nền kinh tế", Stephen Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của ông Trump, cho biết. Ông Bannon là người đã xây dựng chính sách thương mại trong chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016 và liên tục cảnh báo nguy cơ đối với kinh tế Mỹ từ Bắc Kinh.
Chính trị chi phối thương mại
Công kích Trung Quốc là chiến thuật phổ biến trong năm bầu cử đối với cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đang sử dụng chiến thuật này thường xuyên bằng cách đưa ra những biện pháp gay gắt thực sự để chống lại Bắc Kinh. Bản chất thiên về bảo hộ của ông Trump thậm chí đi chệch ra khỏi quỹ đạo chính thống của đảng Cộng hòa, khiến Tổng thống Trump có một chút cấp tiến giống các thượng nghị sĩ Dân chủ như Bernie Sanders hay Elizabeth Warren.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đã tuyên bố sẽ xếp Trung Quốc vào danh sách nước thao túng tiền tệ, điều ông Trump từng cam kết khi tranh cử nhưng sau đó bị các cố vấn thuyết phục không thực hiện.
"Thật sai lầm nếu cứ vờ như Trung Quốc không phải là một trong những đối thủ kinh tế lớn nhất của chúng ta. Khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng, chúng tôi sẽ thắng cuộc đua kinh tế bằng cách sửa lại chính sách thương mại", ông Sanders viết trên Twitter.
Một số trợ lý cũ và đương nhiệm của ông Trump, như Stephen Bannon và trợ lý thương mại Peter Navarro, từ lâu cho rằng cứng rắn và không chấp nhận thỏa thuận thương mại với Trung Quốc là lựa chọn đúng đắn.
Tổng thống Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong một cuộc họp về thương mại song phương. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, một số nhân vật khác, như Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin hay cố vấn kinh tế trưởng Larry Kudlow, lại cảnh báo kéo dài chiến tranh thương mại sẽ làm xáo trộn nền kinh tế và thị trường thương mại cả 2 nước.
Mặc dù vậy, trong vài tuần qua, các trợ lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump cũng bắt đầu thúc đẩy cách tiếp cận không thỏa hiệp. Điều này càng khiến ông Trump xa rời ý tưởng sớm đạt được một thỏa thuận thương mại.
Đối với Tổng thống Trump, quyết định về việc có từ bỏ các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc hay không sẽ phụ thuộc vào vấn đề chính trị. Thương mại là một trong số ít những vấn đề ông Trump có niềm tin ý thức hệ sâu sắc. Tổng thống Trump coi chiến thuật cứng rắn là công cụ hiệu quả để đánh bại sự cứng đầu của Bắc Kinh, điều khiến 3 vị tổng thống tiền nhiệm của ông Trump thất bại trong các cuộc đàm phán thương mại.
Tổng thống Trump mất kiên nhẫn
Trong những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, Tổng thống Trump đã coi một thỏa thuận với Trung Quốc là chiến thắng chính trị lớn lao và biến đây trở thành một trong những ưu tiên chính sách.
Từ đầu năm nay, ông chủ Nhà Trắng bắt đầu thiếu kiên nhẫn với các cuộc đàm phán, và bắt đầu gây sức ép lên các trợ lý về vấn đề thỏa thuận. Hồi tháng 2, khi các nhà đàm phán hai bên mới chỉ vừa đặt bút viết những ý tưởng đầu tiên cho bản dự thảo thỏa thuận, Tổng thống Trump đã đưa ra ý tưởng về hội nghị thượng đỉnh cấp cao với Chủ tịch Tập Cận Bình, tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của mình, để ký thỏa thuận nêu trên.
Thèm muốn đạt được thỏa thuận thương mại của Tổng thống Trump khiến cho các ông Lighthizer và Mnunchin, hai quan chức đứng đầu nhóm đàm phán của Mỹ, đưa ra những bản báo cáo lạc quan quá mức về tiến trình làm việc với Bắc Kinh, nhằm tránh những cơn thịnh nộ hay những dòng tweet có thể khiến phức tạp thêm tình hình.
Tối 3/5, sau chuyến làm việc của ông Mnuchin và ông Lighthizer tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã gửi lại phía Mỹ một dự thảo trong đó chỉnh sửa toàn bộ 7 chương của thỏa thuận dài 150 trang. Những chỉnh sửa này về cơ bản đảo ngược lại toàn bộ những cam kết mà trước đó nhóm đàm phán của Trung Quốc đã đưa ra về cải cách luật pháp.
Thành phần diều hâu tại Washington coi động thái của Trung Quốc là bằng chứng cho thấy nước này chưa bao giờ có ý định giữ lời hứa. Bản dự thảo thỏa thuận mà Bắc Kinh gửi lại cho Washington đã thay đổi căn bản cái nhìn của ông Trump về vấn đề thỏa thuận thương mại song phương.
Thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc sau khi Tổng thống Trump tuyên bố đánh thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Hôm 5/5, Tổng thống Trump đăng tải hai dòng tweet chỉ trích Bắc Kinh và tuyên bố tăng thuế đánh vào 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đến ngày 10/5, Đại diện thương mại Mỹ Lighthizer thông báo sẽ đánh thuế 25% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chưa rõ có phải ông Trump đã đổi thay, từ tổng thống lạc quan háo hức đạt được một thỏa thuận thương mại trở lại phiên bản diều hâu chống Trung Quốc như chiến dịch tranh cử 2016, hay không.
Các nhà phân tích nhận định cử tri Mỹ thường đánh giá các hành động của tổng thống thông qua tác động mà chính sách của ông mang lại tới túi tiền của họ, chứ không phải dựa trên mức độ cứng rắn của ông so với đảng Dân chủ. Điều này ít nhiều là sự thật, kể cả trong số các cử tri ủng hộ trung thành của Tổng thống Trump.
"Thái độ của họ là ủng hộ tổng thống để làm điều này (cứng rắn với Trung Quốc), nhưng cuối cùng, nó phải mang lại tác động tích cực cho đất nước", David Winston, chiến lược gia của đảng Cộng hòa, nhận xét.
Trong khi đó, ông Garin tuyên bố công ty khảo sát bầu cử của mình đã tiến hành thăm dò các cử tri chưa quyết định và cử tri độc lập. Kết quả cho thấy nhiều người gặp khó khăn do thu nhập giảm sút, nguyên nhân là các đòn trả đũa của Trung Quốc.
"Vấn đề thương mại với Trung Quốc cực kỳ quan trọng bởi tồn tại mối liên hệ mật thiết giữa sự bốc đồng và thất thường của ông Trump với hậu quả thực sự mà người Mỹ phải gánh chịu, khi nhiều nông dân và công nhân rơi cảnh vào khó khăn hơn trước kia", ông Garin tuyên bố.