Trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội

Chiều 27/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khai mạc tháng 5 sẽ họp trực tuyến UBTVQH họp bất thường, xem xét hỗ trợ người dân do đại dịch COVID-19

Dự phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà.

Trình bày báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nêu rõ một số nội dung xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, với quy định của dự thảo Nghị định, mức dư nợ vay của ngân sách thành phố được nâng lên không vượt quá 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN).

trinh quoc hoi ban hanh nghi quyet ve co che chinh sach dac thu cho thu do ha noi

Toàn cảnh phiên họp

Việc quy định tăng hạn mức dư nợ vay từ 70% (theo Nghị định số 63/NĐ-CP) lên 90% bảo đảm cho thành phố Hà Nội có thêm dư địa được vay và phù hợp với bối cảnh thực hiện đẩy mạnh cơ chế cho chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài, thay vì cấp phát như trước đây.

Hiện nay, TP HCM đã được áp dụng mức dư nợ vay 90% theo Nghị quyết số 54/2017/QH14. Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội cũng được phép tạm ứng quỹ dự trữ tài chính để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. Thời gian tạm ứng không quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng. Tổng mức tạm ứng không quá 50% so với số dư quỹ dự trữ tài chính thành phố bình quân 3 năm trước.

Về mức chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố Hà Nội quản lý, dự thảo quy định “không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của thành phố do HĐND thành phố Hà Nội quy định”…

Cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù quy định tại Nghị định này được thực hiện từ năm ngân sách 2020 đến hết năm ngân sách 2022. Riêng cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù về tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính được thực hiện từ năm ngân sách 2020. Quy định như trên để đảm bảo đồng bộ về thời gian thực hiện cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù áp dụng cho thành phố Hà Nội với việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM theo Nghị quyết số 54/2017/QH14.

Đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với việc ban hành quy chế đặc thù về tài chính - ngân sách cho thành phố Hà Nội, tuy nhiên vấn đề thẩm quyền ban hành Nghị định được nhiều ý kiến trao đổi tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng cần xem xét về thẩm quyền ban hành chính sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng tán thành nhiều nội dung của chính sách như nâng mức dư nợ vay của ngân sách thành phố từ 70% lên 90%; tạm ứng quỹ dự trữ tài chính để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng…

Kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí cần sửa đổi Nghị định số 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất trình ra Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết để ngang tầm Thủ đô; thống nhất bổ sung nội dung này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV theo thủ tục rút gọn tại một kỳ họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ rà soát lại một số nội dung để bảo đảm tính đặc thù nhưng không xung đột với các văn bản pháp luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sau.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động