Trào lưu "anti" vắc-xin gây hậu quả: Bệnh sởi bùng phát khắp thế giới

Trào lưu "anti" vắc-xin đã khiến tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp ở nhiều nước trên khắp thế giới. 
4 trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin ComBE Five, Bộ Y tế khẳng định "không dừng" Phụ huynh "tẩy chay" vắc xin, số ca mắc sởi tại Hà Nội tăng gấp 14 lần 31 trẻ em co giật sau tiêm vắc xin Combe Five ở Hải Phòng: Bộ y tế lên tiếng

Những con số biết nói

Theo các chuyên gia, tỷ lệ tiêm phòng bệnh sởi đã giảm tới 95% trên toàn Đông Nam Á, reo rắc vào cộng đồng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, số ca bệnh sởi đã tăng đột biến ở Indonesia, Malaysia và Philippines trong những năm gần đây, góp phần lớn khiến tỷ lệ nhiễm sởi trên toàn thế giới tăng tới 50%. Chỉ sau 2 năm, Philippines và Indonesia trở thành nước có tỷ lệ mắc sởi cao thứ hai và thứ ba toàn cầu, chỉ sau Ấn Độ.

trao luu anti vac xin gay hau qua benh soi bung phat khap the gioi
Số ca trẻ em mắc sởi bùng phát ở Philippines. Ảnh: EPA-EFE.

Bộ trưởng Y tế Eric Domingo cho biết, tính đến ngày 28/02/2019, Philippines có 14.938 trường hợp nhiễm sởi với 238 ca tử vong và "số ca mắc bệnh vẫn đang tăng". Năm 2018, bệnh sởi đã giết chết 200 người dân nước này, tăng gấp 4 lần so với năm 2017.

Tại Indonesia, năm 2017 có 11.300 ca mắc sởi, gấp đôi năm 2015. Năm 2018 con số này đã tăng thêm 5.500 người.

Trước tình trạng trên, Singapore đã đưa ra điều luật tiêm chủng bắt buộc đối với bệnh sởi và bạch hầu. Nếu vi phạm, phụ huynh sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 735 USD.

Phong trào "anti" vắc-xin cũng khiến tình hình bệnh sởi trở nên phức tạp tại nhiều nước châu Âu và Hoa Kỳ, nơi có 83.000 ca mắc sởi vào năm ngoái, tăng gấp 3 lần so với năm 2017. Chỉ trong 1 tuần đầu năm 2019, Ukraina đã ghi nhận 8.498 trường hợp mắc sởi, đột biến so với 54.481 ca trong cả năm 2018.

Tại Hoa Kỳ, sau gần 20 năm công bố loại trừ bệnh sởi, các ổ dịch sởi lại bùng phát tại nhiều thành phố như: Atlanta, New Jersey, NewYork, Oregon, Rockland County, Rochester, Vancouver. Tình hình nghiêm trọng đến mức chính quyền bang Washington đã công bố tình trạng khẩn cấp nhằm huy động các nguồn lực khống chế dịch sởi. Khu vực ngoại ô New York thậm chí đã ra lệnh cấm người dưới 18 tuổi chưa tiêm vắc-xin sởi đến các địa điểm công cộng.

Cuối năm 2018, giáo sư Amanda Cohn của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) đã phải cay đắng thừa nhận: “Nước Mỹ đã mất đi miễn dịch cộng đồng trên 18 bang. Chúng ta đang quay lại thời kỳ nguyên thuỷ".

Ở Việt Nam, đến tháng 3/2019, bệnh sởi đã lan ra 56 tỉnh thành với 2.924 trường hợp. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng đầu năm, Hà Nội ghi nhận 192 ca bệnh sởi, tăng 170 ca so với cùng kỳ năm ngoái; TP HCM có 60 trường hợp trong khi hai tháng đầu năm ngoái không có ca nào. Các con số này vẫn đang có xu hướng tăng với nhiều ca biến chứng nặng, đe doạ đến tính mạng.

Trào lưu "anti" vắc-xin đến từ đâu?

Trào lưu nguy hiểm này được cho là bùng phát từ năm 1998 khi bác sĩ người Anh Andrew Wakefield công bố một nghiên cứu về mối liên hệ giữa vắc-xin và bệnh tự kỷ trên tờ Lancet, khiến rất nhiều các bậc phụ huynh ở các nước phát triển không cho con mình tiêm phòng.

Các nhà khoa học đã mất tới hơn 10 năm nghiên cứu, theo dõi 650.000 trường hợp khác để chứng minh Wakefield đã sai. Năm 2010, nghiên cứu này đã bị gỡ xuống, tác giả của nó bị tước giấy phép hành nghề khi liên tục có dấu hiệu dùng thông tin thất thiệt để trục lợi. Tuy nhiên, nó vẫn để lại hệ luỵ lớn cho sức khoẻ cộng đồng.

Với các quốc gia có nhiều người Hồi giáo như Malaysia hay Indonesia, việc tiêm chủng còn liên quan tới vấn đề nhân quyền, tôn giáo hay đạo đức. Phong trào "anti" vắc-xin đã lan sang Việt Nam với biện giải mỹ miều “nuôi con thuận tự nhiên”. Những “tín đồ” của trào lưu nguy hiểm này thường ra sức lùng sục các thông tin thất thiệt, thổi phồng những tác dụng không mong muốn của vắc-xin để tạo hiệu ứng trên mạng xã hội.

Rất nhiều những thông tin chưa được kiểm chứng lan truyền chóng mặt trên mạng Internet, như vắc-xin chứa thuỷ ngân, vắc-xin gây biến chứng nguy hiểm, hay chỉ cần cho con bú mẹ, sinh hoạt khoa học là đủ,… Điều kỳ lạ là ở chỗ có rất nhiều bà mẹ chọn tin vào các thông tin “trôi nổi” thay vì tin vào các bác sĩ và chuyên gia y tế mặc dù con mình có thể trở thành nạn nhân hàng đầu khi dịch bệnh bùng phát.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM), trào lưu "anti" vắc-xin chỉ có thể xuất hiện và dâng cao khi tình hình dịch bệnh đang ở mức thấp. Đơn giản vì nhìn lại cách đây khoảng 20 năm, khi dịch bệnh còn nhiều với các bệnh như sởi, ho gà, bạch hầu, sốt bại liệt thì chẳng ai dám nghĩ về chuyện "anti" vắc-xin. Nhưng đến nay, khi chương trình tiêm chủng mở rộng, bao phủ khá rộng, các dịch bệnh này bị kiềm chế và đẩy lùi thì phong trào "anti" vắc-xin lại nở rộ.

Alan Melnick, Giám đốc Y tế cộng đồng Hạt Clark (Mỹ) bày tỏ lo ngại về trào lưu không tiêm vắc-xin của nhiều phụ huynh: "Mọi người đang trở nên tự mãn khi họ không nhận ra dịch sởi có thể khủng khiếp đến mức nào. Và sự tự mãn của người dân mới là điều khiến tôi lo ngại nhất”.

WHO thậm chí đã đưa "anti" vắc-xin vào một trong 10 mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe toàn cầu bởi phong trào từ chối vắc-xin của nhiều phụ huynh.

Thành tựu của y học thế giới

Vắc-xin chính là thành tựu của y học thế giới, giúp hàng triệu người thoát khỏi tử vong do dịch bệnh. Nếu không duy trì tỷ lệ tiêm chủng, toàn cộng động sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề khi các dịch bệnh lây lan nhanh, vượt khỏi tầm kiểm soát; chi phí điều trị và gánh nặng đè toàn xã hội và quốc gia. Trong đó, trẻ em và đặc biệt là những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng là đối tượng bị đe doạ hàng đầu.

Nhiều bậc phụ huynh e ngại khi xuất hiện nhiều ca biến chứng gây tử vong sau khi tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới hiện tượng này bên cạnh chất lượng vắc-xin, như cơ địa, tiền sử bệnh tật, tình trạng sức khoẻ của trẻ khi tiêm phòng,…

Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, bất kỳ loại vắc-xin nào dù tốt đến đâu cũng không bảo đảm an toàn tuyệt đối như mong muốn, bởi vì tiêm vắc-xin tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể. Mỗi cá thể sẽ có phản ứng với vắc-xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24 giờ. Tuy nhiên một số rất ít cơ thể lại có phản ứng mạnh với vắc-xin như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong.

Cục Y tế Dự phòng nhận định, nhiều trường hợp tiêm cùng một lô vắc-xin, thậm chí tiêm cùng một lọ vắc-xin lại có trẻ có phản ứng rất nghiêm trọng, trong khi tất cả các trẻ khác hoàn toàn bình thường và đó là do phản ứng cá thể cơ địa của từng người với vắc xin chứ không phải do chất lượng vắc-xin.

Các chuyên gia cho biết, chỉ cần làm theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế quá trình tiêm vắc-xin sẽ diễn ra an toàn. Theo đó, trẻ cần được khám sàng lọc và tiêm chủng theo chỉ định khi đủ điều kiện. Bố mẹ của trẻ cần cung cấp các thông tin về tình trạng sức khoẻ, lịch sử tiêm chủng và phản ứng của trẻ sau những lần tiêm trước. Sau khi tiêm phòng, trẻ cần được theo dõi tối thiểu 30 phút tại cơ sở tiêm chủng. Nếu phát hiện biểu hiện bất thường như nôn trớ, thở gấp, ngắt quãng, da mẩn đỏ,… cần báo ngay cho nhân viên y tế. Trong 24-48 giờ sau, trẻ tiếp tục cần được theo dõi thân nhiệt, nhịp tim, sự tỉnh táo, da toàn thân, vùng tiêm,… để được cấp cứu kịp thời khi cần thiết.

Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm đã quy định tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch là tiêm chủng bắt buộc. Hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ cho từng cá thể và cho cộng đồng.

Diệu Anh
Phiên bản di động