Tranh cãi nồi chiên không dầu sinh ra chất gây ung thư
Vì sao số người mắc và tử vong vì ung thư ở Việt Nam tăng nhanh |
Cơ quan này lưu ý rằng, các hợp chất có khả năng gây ung thư vẫn có thể được sinh ra từ việc chế biến thực phẩm bằng nồi chiên không dầu.
Trong một nghiên cứu ở 12 loại nồi chiên không dầu, Hiệp hội Người tiêu dùng Hồng Kông đã thấy rằng, khoai tây thái lát mỏng được chế biến ở một nửa số nồi chiên có chứa hàm lượng cao một chất có khả năng gây ung thư - được gọi là acrylamide.
Chất này được sinh ra khi chế biến một số thực phẩm như khoai tây ở nhiệt độ cao.
12 loại nồi chiên không dầu được thử nghiệm. |
Một nghiên cứu vào năm 2015 đăng trên Tạp chí Khoa học thực phẩm cho thấy, khoai tây chiên bằng nồi chiên không dầu sản sinh ra lượng acrylamide thấp hơn nhiều so với chiên ngập dầu.
Tuy nhiên thử nghiệm của Hiệp hội Người tiêu dùng Hồng Kông cho thấy mức độ vẫn vượt quá tiêu chuẩn an toàn của EU.
Chẳng hạn, khoai tây được chiên bằng nồi Imarflex IHF-26E, có giá khoảng 129 USD, sản sinh ra lượng acrylamide cao nhất - 7.038 microgram/kg, gấp 13 lần tiêu chuẩn 500 microgram/kg của EU.
Mẫu nồi chiên sản sinh ra lượng acrylamide cao thứ 2 là DAF-35 của Denki với 1.475 microgram/kg và cao thứ 3 là AF1400BK của ecHome. Cả hai loại này cũng gần như cao gấp 3 lần tiêu chuẩn của EU.
Chủ tịch bộ phận Nghiên cứu và thử nghiệm của Hiệp hội Người tiêu dùng - bà Nora Tam Fung-yee, đã kêu gọi những người yêu ẩm thực hãy lưu tâm đến việc tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến từ nồi chiên không dầu, mặc dù phương pháp nấu ăn này nhìn chung lành mạnh hơn cách chiên ngập dầu truyền thống.
“Nồi chiên không dầu là một loại chế biến thực phẩm giống như rang. Nó vẫn không tốt cho sức khoẻ lắm vì nó có thể tạo ra các hợp chất gây ung thư như acrylamide, đặc biệt là khi bạn chiên khoai tây mỏng ở nhiệt độ cao hoặc trong thời gian dài”.
“Bạn cũng không nên ăn thực phẩm chiên bằng nồi chiên không dầu thường xuyên và nên xem kỹ khẩu phần ăn”.
Giáo sư Nora Tam Fung-yee của Hiệp hội Người tiêu dùng Hồng Kông thông báo kết quả nghiên cứu hôm 17/2. |
Hiệp hội này cho biết, người dùng có thể làm giảm nguy cơ tạo ra acrylamide bằng cách điều chỉnh thời gian và nhiệt độ nấu. Trong các thử nghiệm riêng biệt, các nhà nghiên cứu đã chiên khoai tây lát mỏng bằng nồi Imarflex với nhiệt độ thấp hơn và thời gian chiên ngắn hơn. Kết quả là lượng acrylamide giảm xuống trong mức tiêu chuẩn của EU.
Trong khi đó, đại diện hãng Imarflex cho biết, nhiệt độ và thời gian nấu được đề xuất trong phần hướng dẫn sử dụng chỉ mang tính chất tham khảo. Nhà sản xuất này cũng nói thêm rằng, thời gian khuyến nghị cho món khoai tây chiên được áp dụng với những lát cắt dày hơn.
Hãng Denki không đưa ra lời giải thích nào với kết quả nghiên cứu. Trong khi hãng ecHome cho biết, thời gian chế biến khoai tây chiên mà họ đề xuất là từ 12 đến 20 phút nhưng các nhà nghiên cứu đã chiên tới 23 phút. Tuy nhiên, Hội đồng Người tiêu dùng lý giải rằng, hướng dẫn sử dụng của họ chỉ dẫn người dùng tăng thời gian nấu thêm 2-3 phút đối với thực phẩm đông lạnh.
Đối với hiệu suất nấu ăn nói chung, các nhà nghiên cứu nhận thấy 12 loại nồi chiên này khá giống nhau khi chế biến đùi gà, chả giò theo hướng dẫn.
Nhưng với khoai tây chiên, kết quả lại chênh lệch đáng kể. Có 2 loại không thể chiên chín được khoai nếu làm theo hướng dẫn, và 2 loại khác chín không đều.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra có 3 loại nồi có khả năng cách điện chưa đủ an toàn. Ba công ty này đều trả lời rằng, họ sẽ kiểm tra lại và cải thiện quy trình sản xuất.
“Chúng tôi đã kiểm tra và phát hiện một số loại có vấn đề về an toàn nhưng không nghiêm trọng đến mức bạn phải ngừng sử dụng nó”, bà Tam cho hay.
“Chúng tôi chỉ muốn nhắc nhở người tiêu dùng rằng khi sử dụng nồi chiên không dầu, bạn có thể gặp một số mối nguy hiểm”.
Bà cũng lưu ý thêm rằng không nên cho trẻ em chạm vào loại nồi này.