Trạm BOT kêu giảm mạnh doanh thu vì dịch
Trạm BOT bị tài xế phản đối trong ngày đầu thu phí |
Ngày 8/4, ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, cho hay lưu lượng phương tiện trên cao tốc này giảm khoảng 70%, trước kia có trên 60.000 lượt xe mỗi ngày đêm thì trong tháng 3 chỉ còn trên 20.000 lượt. Từ 1/4 đến nay, phương tiện lưu thông giảm hơn nữa do áp dụng giãn cách xã hội, doanh thu thu phí của dự án chỉ đạt 1,05 tỷ đồng mỗi ngày, bằng một nửa so với tháng 3.
Theo ông Khôi, phương án tài chính hoàn vốn sẽ bị ảnh hưởng vì nguồn thu giảm và có thể phải kéo dài thời gian thu phí.
Đại diện Công ty CP BOT Hà Nội - Bắc Giang cũng cho biết, trong tháng 2, 3, bình quân mỗi ngày dự án này thu khoảng 1,1 tỷ đồng, trong khi theo phương án tài chính, bình quân mỗi ngày cần phải thu đạt 1,7 tỷ đồng. Từ đầu tháng 4 đến nay, doanh thu thu phí bình quân mỗi ngày tại trạm BOT Hà Nội - Bắc Giang chỉ còn khoảng 710 triệu đồng, giảm 40 - 50% so với doanh thu tháng 3.
Trạm thu phí quốc lộ 5 hiện nay chỉ còn nhiều xe tải chở hàng hóa lưu thông. Ảnh: Anh Duy. |
Các tuyến huyết mạch khác như quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng giảm lưu lượng xe 40-50% từ 1/4, khiến doanh thu các trạm sụt giảm tương ứng. Hiện nay chỉ có xe tải lưu thông trên các quốc lộ, xe con lưu thông rất ít, xe khách đã bị cấm hoàn toàn.
Đề cập yêu cầu giảm phí, đại diện các doanh nghiệp BOT cho rằng, nếu giảm phí càng ảnh hưởng phương án tài chính
của các dự án, gây nợ xấu cho ngân hàng. Các dự án BOT đã không được tăng phí trong thời gian dài và sụt giảm doanh thu do Covid-19 nên không thể tiếp tục giảm phí.
Theo ông Trần Văn Ngọ, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cơ quan này đang tổng hợp số liệu doanh thu thu phí các trạm BOT trên cả nước, từ đó mới đánh giá được tổng thể tác động.
Trước đó, tháng 3 Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội và Hiệp hội taxi TP HCM đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải giảm phí BOT 3-5% cho các phương tiện chở khách và hàng hóa để giảm chi phí vận tải.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải phản hồi rằng, mức giá dịch vụ đường bộ được tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng dự án BOT, đủ để các nhà đầu tư hoàn trả phần vốn đã huy động đầu tư các dự án đường bộ. Thời gian qua, các doanh nghiệp BOT đã gặp nhiều khó khăn khi phải giảm phí cho một số loại phương tiện và chưa được tăng phí như dự kiến trong hợp đồng dự án.
Mặt khác, các ngân hàng đang yêu cầu doanh nghiệp BOT huy động vốn bổ sung cho phần doanh thu thiếu hụt để tránh nguy cơ phải tái cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ. Các doanh nghiệp BOT cũng khó khăn hơn khi lượng xe qua trạm giảm sút mạnh do dịch bệnh. Vì vậy, thời điểm này việc giảm phí BOT chưa thể thực hiện.