Tổng cục ĐBVN ra "tối hậu thư" cho việc cải tạo hầm chui dân sinh và lắp rào chắn Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang
Sáng ngày 4/5/2020, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã có buổi kiểm tra hiện trường, bàn phương án khắc phục tình trạng úng ngập nước trong các hầm chui dân sinh và lắp đặt rào chắn Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, đoạn đi qua địa phận huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Tổng cục Đường bộ và các đơn vị, địa phương khảo sát tình hình hạ tầng cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. |
Cùng đi có đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang; Sở Giao thông vận tải Bắc Giang; Lãnh đạo và chuyên viên Cục Quản lý đường bộ 1; Lãnh đạo, chuyên viên Công ty CP Đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang (Công ty BOT Hà Nội - Bắc Giang, Doanh nghiệp dự án - PV) và đại diện chính quyền huyện Việt Yên.
Cống chui dân sinh tại khu vực Vân Trung. |
Sau khi kiểm tra thực trạng, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN nhận định: Đối với hạng mục hầm chui, mặc dù các đơn vị liên quan đã phối hợp với Công ty BOT Hà Nội - Bắc Giang để khắc phục dứt điểm tình trạng ngập úng tại các hầm chui dân sinh, tuy nhiên thực tế việc này chưa triệt để.
Thực trạng một số cống chui dân sinh luôn trong tình trạng ũng nước. |
Chính vì vậy, ông Nguyễn Mạnh Thắng đã yêu cầu các đơn vị liên quan, đặc biệt là Công ty BOT Hà Nội - Bắc Giang phải khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục tình trạng ngập nước tại các hầm chui dân sinh. Bố trí hệ thống biển báo giao thông để hướng dẫn người dân, phương tiện đi lại thuận tiện, an toàn.
Đối với hầm chui nào không thể cải tạo, nâng cấp thì cần có những biển báo, tuyên truyền và cảnh báo cho người tham gia giao thông không được đi qua khi có mực nước ngập cao (kẻ sơn phản quang ghi rõ đơn vị đo mực nước - PV), những việc này cần hoàn thành ngay trong tháng 5/2020.
Đối với hạng mục lắp rào chắn cao tốc đoạn chạy qua địa phận huyện Việt Yên, ông Nguyễn Mạnh Thắng nhận xét do điều kiện chưa cho phép triển khai trên toàn tuyến nên trước mắt đề nghị Công ty BOT Hà Nội - Bắc Giang lắp dựng rào chắn tại các “điểm đen”, trong đó có đoạn qua các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Việt Yên. Yêu cầu việc nâng cấp, cải tạo hầm chui dân sinh và lắp rào chắn phải được hoàn thành trong tháng 6/2020.
Về phía Sở GTVT Bắc Giang, ông Hoàng Văn Thanh - Phó Giám đốc sở chia sẻ từ ngày khánh thành tuyến đường Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang thì có rất nhiều tồn tại liên quan đến rào chắn, đường gom và hầm chui dân sinh.
Ông Hoàng Văn Thanh - Phó Giám đốc Sở GTVT Bắc Giang (thứ 2 từ trái qua) đề nghị Công ty BOT Hà Nội - Bắc Giang làm việc với chính quyền địa phương để phối hợp quản lý, khắc phục những tồn tại. |
“Ngay từ lúc đầu, Sở GTVT đã cùng với chính quyền địa phương và Công ty BOT Hà Nội - Bắc Giang đi khảo sát, xác định những tồn tại để phối hợp giải quyết. Rất nhiều buổi làm việc diễn ra nhưng việc thực hiện của công ty rất hạn chế, xử lý không đến nơi đến chốn”.
Bên cạnh đó, ông Thanh cũng đề nghị Công ty BOT Hà Nội - Bắc Giang làm việc với chính quyền huyện Việt Yên để phối hợp quản lý, khắc phục những tồn tại. Nâng cao công tác bảo trì đường gom, cống chui, dọn dẹp vệ sinh ven đường gom và mong muốn Tổng cục ĐBVN tạo điều kiện để làm thêm cầu vượt cho công nhân qua đường.
Tình trạng ùn tắc trên đoạn đường gom chạy qua khu công nghiệp Vân Trung, huyện VIệt Yên, tỉnh Bắc Giang. |
Đại diện cho tiếng nói của nhân dân, ông Trần Văn Lâm, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang nói “Chúng tôi cũng đã nhiều lần chuyển ý kiến cử tri phản ánh về vấn đề này nhưng Công ty BOT Hà Nội - Bắc Giang chưa tích cực giải quyết. Công nhân và người dân tham gia giao thông khu vực này rất bức xúc. Đề nghị Tổng cục ĐBVN chỉ đạo các đơn vị vào cuộc quyết liệt, phối hợp với Công ty BOT Hà Nội - Bắc Giang, Sở GTVT Bắc Giang, chính quyền huyện Việt Yên có biện pháp xử lý triệt để vì Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.”
Do không có rào chắn nên tình trạng công nhân hàng ngày đi bộ qua đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang xảy ra như cơm bữz khiến cho nhiều vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra. |
Có mặt trong đoàn kiểm tra sáng 4/5, ông Nguyễn Văn Phương, PCT huyện Việt Yên phụ trách lĩnh vực giao thông nêu quan điểm: Để giảm tải ùn tắc giao thông và hạn chế tối đa tai nạn giao thông giữa người đi bộ và xe cơ giới trên "đường cao tốc", chính quyền địa phương sẵn sàng tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp dự án hoàn thành đúng hạn hạng mục làm rào chắn, nâng cấp 10 hầm chui dân sinh và lắp đặt một số biển hiệu. Bên cạnh đó, vừa qua, huyện đã phối hợp với Sở GTVT Bắc Giang cùng với các đơn vị liên quan, thống nhất làm thêm một cây cầu vượt dành cho công nhân sang đường, cách cổng chính của Khu công nghiệp Vân Trung khoảng 800m về phía TP Bắc Giang.
Liên quan đến sự an toàn của người dân và phương tiện lưu thông trên tuyến đường này, Báo Tuổi trẻ thủ đô, chuyên trang Tuổi trẻ và Pháp luật đã đăng tải nhiều bài viết phản ánh và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cơ quan quản lý cũng như Doanh nghiệp dự án. Gần nhất, ngày 27/4/2020, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, ông Nguyễn Mạnh Thắng đã ký văn bản đồng ý cho Công ty BOT Hà Nội - Bắc Giang triển khai lắp đặt biển hiệu, rào chắn hai bên đường gom và đường cao tốc để ngăn chặn tình trạng người đi bộ thường xuyên băng ngang cao tốc khiến hàng chục vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra chỉ sau 5 năm tuyến cao tốc này đi vào hoạt động.
Đại diện của Công ty CP Đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang, ông Ngô Thành Long - TGĐ cho biết: Chúng tôi luôn ủng hộ địa phương trong việc này, công ty đã thống nhất được các vị trí lắp dựng rào chắn và cắm biển báo hiệu với Sở GTVT Bắc Giang; Chi cục I.5 (Cục Quản lý Đường bộ I - Bộ GTVT); Phòng CSGT công an tỉnh Bắc Giang.
“Doanh nghiệp đã thuê một đơn vị tư vấn chuyên nghiệp đi khảo sát, lên phương án chi tiết để làm sao trong thời gian sớm nhất sẽ khởi công lắp dựng hàng rào chắn và cải tạo, nâng cấp hầm chui” - ông Long chia sẻ thêm.
Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang có chiều dài khoảng 45,8 km, điểm đầu tại lý trình Km113+985, Quốc lộ 1 cũ (nút giao Quốc lộ 31) thuộc địa phận TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang và điểm cuối dự án tại lý trình Km159+100, Quốc lộ 1 (vị trí trạm thu phí Phù Đồng cũ) thuộc địa phận Huyện Gia Lâm, Hà Nội. Chủ đầu tư ban đầu là liên danh: Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú - Invest, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương, Tổng công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại 319. Hiện, Công ty CP Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang là đơn vị quản lý, vận hành. Giám đốc, ông Ngô Thành Long. Dự án được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc có vận tốc thiết kế 100 km/h. Có 3 cầu vượt ngang trên tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ là cầu vượt Quốc lộ 37 (cầu vượt Đình Trám), cầu vượt tỉnh lộ 398, cầu vượt Hùng Vương được thiết kế với quy mô vĩnh cửu. Để hoàn vốn, dự án xây dựng 1 trạm thu phí hở tại lý trình Km 152+080 Quốc lộ 1 thuộc xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh với 8 làn xe công nghệ 1 dừng có thể nâng cấp lên không dừng. Dự án đi vào hoạt động từ tháng 1/2016 và chính thức thu phí vào ngày 25/5/2016. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn về nhiều mặt mà tuyến cao tốc này mang lại thì vẫn còn đó một số vấn đề phát sinh “ngoài mong muốn” của chủ đầu tư cũng như chính quyền tỉnh Bắc Giang. Đặc biệt là câu chuyện thiếu hàng rào ngăn cách giữa đường cao tốc và đường gom tại địa phận huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang khiến người dân, công nhân làm việc trong Khu công nghiệp Quang Châu, Vân Trung… “thiếu ý thức” thường xuyên trèo qua dải phân cách hiện tại để băng qua đường cũng như tình trạng xe khách ngang nhiên dừng đỗ đón trả khách tại chân cầu vượt Đình Trám (cầu vượt QL37). |