Tổng Công ty Sông Hồng giải trình khoản lỗ hơn 387 tỷ đồng năm 2018

Năm 2018, Tổng Công ty Sông Hồng ghi nhận khoản lỗ hợp nhất tới 387,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 55,6 tỷ đồng năm 2017.
Khó khăn bủa vây ông lớn của Bộ Xây dựng Tổng Công ty Sông Hồng Tổng Công ty Sông Hồng đang là "cục nợ" của nhiều ngân hàng Khả năng hoạt động bị nghi ngờ, Tổng Công ty Sông Hồng vẫn chưa thoát lỗ

Tổng Công ty CP Sông Hồng (mã CK: SHG) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP Hà Nội (HNX) giải trình về việc năm 2018 công ty ghi nhận khoản lỗ hợp nhất tới 387,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 55,6 tỷ đồng năm 2017.

Theo giải trình của Tổng Công ty Sông Hồng, nguyên nhân tăng lỗ là do trong năm 2018, công ty này phát sinh khoản lãi vay quá hạn của dư nợ gốc 191 tỷ đồng, số tiền lãi phạt quá hạn là 87 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong năm 2018, Tổng Công ty Sông Hồng phát sinh khoản trích lập bổ sung dự phòng trả dài hạn nghĩa vụ nợ Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) theo bản án phúc thẩm của TAND TP Hà Nội số tiền là 238 tỷ đồng và các khoản trích lập dự phòng công nợ phải thu và các đầu tư tài chính.

tong cong ty song hong giai trinh khoan lo hon 387 ty dong nam 2018
Tổng Công ty CP Sông Hồng (mã CK: SHG).

Trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 đã được kiểm toán, đơn vị kiểm toán đã đưa ra vấn đề nhấn mạnh việc lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu tới hàng trăm tỷ đồng, kết quả kinh doanh năm 2017, 2018 âm, công với việc nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn... cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đấn nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tổng Công ty Sông Hồng.

Đáng nói, tình hình kinh doanh tiêu cực của Tổng Công ty Sông Hồng tiếp tục kéo dài sang năm 2019, theo báo cáo tài chính hợp nhất, trong quý 1/2019, doanh nghiệp này ghi nhận khoản doanh thu thuần 15,9 tỷ đồng, tăng hơn 3,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng cũng tăng lên xấp xỉ 14,7 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp chỉ vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng.

Trong quý vừa qua, chi phí lãi vay của Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng tăng đột biến lên mức 21,3 tỷ đồng, so với mức 6,7 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng ở mức 4,5 tỷ đồng. Với gánh nặng chi phí lãi vay, kết quả, Tổng Công ty Sông Hồng tiếp tục ghi nhận lỗ ròng hơn 23 tỷ đồng trong quý 1/2019, nâng tổng lỗ lũy kế tính đến cuối kỳ kế toán lên 915 tỷ đồng.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất, tính đến cuối quý 1/2019, Tổng Công ty Sông Hồng có khoản nợ đến hạn trả 192 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) - chi nhánh Hà Tĩnh. Theo hợp đồng hạn mức tín dụng ngày 1/12/2011, công ty vay ngân hàng này với tổng hạn mức tín dụng 200 tỷ đồng, thời hạn cấp tín dụng 12 tháng kể từ ngày 1/12/2011, lãi suất sẽ theo quy định của Oceanbank tại từng thời điểm giải ngân.

Mục đích vay này nhằm bổ sung vốn lưu động và cấp bảo lãnh cho bên B phụ vụ thi công công trình tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1. Để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, SHG chấp thuận để Oceanbank - chi nhánh Hà Tĩnh quản lý nguồn thu từ việc thực hiện thi công các hạng mục xây dựng thuộc hợp đồng EPC của dự án trên.

Theo phụ lục hợp đồng hạn mức tín dụng lần thứ 6 (ngày 26/11/2014), khoản vay này được gia hạn đến ngày 30/1/2016, lãi và gốc được trả một lần khi đáo hạn. Tổng Công ty Sông Hồng và OceanBank - chi nhánh Hà Tĩnh chưa có văn bản thỏa thuận gia hạn khoản vay này.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty Sông Hồng còn 2 khoản vay ngắn hạn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) - chi nhánh Hoàn Kiếm là 67 tỷ đồng và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Phú Thọ là 34 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Tổng Công ty cổ phần Sông Hồng được thành lập năm 1958, được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng. Công ty đưa cổ phiếu lên giao dịch tại thị trường UPCoM từ 2015, hiện nay Bộ Xây dựng vẫn còn nắm giữ 73,2% vốn.

Tổng Công ty cổ phần Sông Hồng nằm trong danh mục những tổng công ty có khối tài sản lớn, diện tích đất rộng và nhiều lao động mà Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng thực hiện nghiêm túc chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn.

Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn giai đoạn 2017-2020 ban hành vào tháng 8/2017, Bộ Xây dựng phải thoái toàn bộ vốn khỏi Sông Hồng trong năm 2017. Với tình cảnh thua lỗ triền miên của Tổng Công ty cổ phần Sông Hồng hiện nay, công cuộc thoái vốn có lẽ sẽ còn kéo dài.

Văn Huy
Phiên bản di động