Tôn vinh tài năng, đóng góp cho đất nước của Nguyễn Như Uyên
Xây dựng không gian văn hoá để tôn vinh lịch sử chữ Quốc ngữ Triển lãm tranh tôn vinh phụ nữ Việt tại Singapore |
Tham dự lễ kỷ niệm có đại diện các cơ quan quản lý văn hóa Trung ương, Hà Nội, các nhà khoa học cùng hậu duệ dòng họ Nguyễn làng Hạ Yên Quyết.
Lễ kỷ niệm 550 năm ngày Đại đăng khoa Hoàng giáp, Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Như Uyên được tổ chức trang trọng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. |
Nguyễn Như Uyên tên thụy là Chân Tính, người làng Hạ Yên Quyết, huyện Từ Liêm, nay thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ông là vị thủy tổ và cũng là người mở đầu cho truyền thống hiếu học, khoa bảng của dòng họ Nguyễn làng Hạ Yên Quyết. Năm 33 tuổi, ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) tại khoa thi Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469), dưới đời vua Lê Thánh Tông.
Trong suốt 30 năm làm quan triều đình nhà Lê, Nguyễn Như Uyên đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng như: Thượng thư Bộ Lại, Chưởng Lục bộ sự kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, Nhập thị Kinh diên… Ba lần ông cùng nhà vua đi chinh phạt Ai Lao, Lão Qua và Bồn Man, lập nhiều chiến công. Ông được ban thái ấp, tước vị, lập nên cơ nghiệp ở Hạ Yên Quyết. Khi về trí sĩ, triều đình phong cho ông làm Thái bảo, tước Liêm Quận công.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhuệ, Viện Sử học Việt Nam, Nguyễn Như Uyên cũng là người khai khoa truyền thống khoa bảng của dòng họ Nguyễn ở làng Hạ Yên Quyết. Nguyễn Như Uyên được dùng chữ Liêm trong tên huyện Từ Liêm làm hiệu cho tước phong của mình (Liêm quận công). Theo lệ tập ấm, các con và cháu trưởng của Nguyễn Như Uyên cũng được phong tước hoặc hàm tản quan, được xếp vào hạng quan viên tử, quan viên tôn, có vị trí nhất định trong xã hội.
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết, qua những ghi chép của lịch sử có thể thấy, Tiến sĩ, Quốc Tử Giám Tế tửu Nguyễn Như Uyên là người văn võ song toàn, học vấn uyên thâm. Lễ kỷ niệm Ngày Đại đăng khoa của ông là dịp để tôn vinh tài năng, nhân cách cao đẹp, có nhiều cống hiến cho quê hương, đất nước, qua đó nêu tấm gương sáng, đề cao truyền thống hiếu học để con em chúng ta ngày nay học tập và noi theo.
Sau lễ kỷ niệm tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, các đại biểu đã tham dự Lễ dâng hương tại nhà thờ Nguyễn Như Uyên tại làng Hạ Yên Quyết, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy.