Tỉnh ủy Bắc Giang chỉ đạo làm rõ sai phạm của Chủ tịch Thanh Sơn
Như đã phản ánh, ông Phạm Văn Thắng - Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn, huyện Sơn Động đã chỉ đạo kế toán lập nhiều chứng từ chi khống rút tiền ngân sách Nhà nước trong 2 năm 2017 và 2018 để lấy tiền tổ chức đi du lịch tại Đà Nẵng gây bức xúc cho người dân địa phương.
Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn là người trực tiếp chỉ đạo kế toán lập khống chứng từ để rút tiền đi du lịch tại Đà Nẵng |
Mặc dù sai phạm đã rõ ràng nhưng Công an huyện Sơn Động sau khi điều tra và kết luận hành vi vi phạm như vậy chưa đến mức định khung để xử lý về hình sự nên không khởi tố vụ án.
Trước sự việc trên, Tỉnh ủy Bắc Giang đã có văn bản chỉ đạo cơ quan liên quan vào cuộc làm rõ hành vi vi phạm của Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn và kết luận của Công an huyện Sơn Động.
Trao đổi với PV, ông Đỗ Xuân Bình - CVP Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết đã nắm bắt được thông tin phản ánh của báo, dư luận địa phương và đã có văn bản chỉ đạo Công an, Ban Nội chính và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy làm rõ sai phạm và kết luận của Công an huyện Sơn Động.
Tỉnh ủy Bắc Giang đã có văn bản chỉ đạo Công an, Ban Nội chính và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra, làm rõ sai phạm và kết luận của Công an huyện Sơn Động. |
Trước đó, Tuổi trẻ và Pháp luật đã thông tin, hàng loạt hồ sơ mua bán vật tư, trang thiết bị có dấu hiệu lập "khống" dưới bàn tay "ma thuật" của ông Phạm Văn Thắng - Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn cùng sự trợ giúp đắc lực của kế toán trưởng đã dễ dàng rút hàng trăm triệu đồng từ Kho bạc Nhà nước trước sự ngỡ ngàng của những cán bộ đang làm việc tại đây.
Nghiêm trọng hơn, những vị "công bộc của dân" này còn bất chấp làm giả chữ ký của 6 trưởng thôn (thôn Néo, Đồng Giang, Đồng Thanh, thôn Chợ, Nòn, Đồng Rì) để hoàn thiện hồ sơ, chứng từ và rút tiền. Ngoài ra, ông Thắng còn ký hợp đồng mua hàng với con dâu là bà Nguyễn Thị Khanh – Phó Chủ tịch hội Phụ nữ thị trấn và cho con trai là Phạm Văn Cương (cán bộ Tư pháp - pv) sơn lại trụ sở UBND với số tiền gần 400 triệu đồng khi mà hồ sơ khái toán, dự toán vẫn là một "bí ẩn" với cán bộ nơi đây.
Hóa đơn mua bồn nước Tân Á khống để rút tiền ngân sách |
Theo những tài liệu chúng tôi thu thập được, phương thức cũng như thủ đoạn lập nên các hợp đồng "ma" đều rất chặt chẽ, đầy đủ nội dung trên hợp đồng. Tuy nhiên, thực tế việc giao nhận hàng hóa, sửa chữa cấp phát cho người sử dụng thì chỉ có bộ ba ông Thắng, bà Khanh và một người nữa biết với nhau. Trong quy trình đó, để có hóa đơn VAT thì từ khi ký kết hợp đồng cho đến nghiệm thu, thanh lý đồng đều phải “trích” lại 5% tổng giá trị hợp đồng cho chủ cửa hàng để xuất hóa đơn.
Các cá nhân đã cấu kết với nhau bằng các hợp đồng mua bán hàng hóa hết sức chặt chẽ, tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng |
Luật sư Lê Ngọc Hoàng, Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm cho biết, kết luận điều tra của Công an huyện Sơn Động chưa làm rõ các sai phạm. Với những chứng cứ là hàng loạt chứng từ chứng minh hành vi "trục lợi" ngân sách của Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn và Kế toán trưởng nhưng không bị khởi tố hình sự là điều rất khó hiểu.
"Tôi nhận thấy vụ việc này có dấu hiệu "dàn xếp" để biến hàng loạt các sai phạm của ông Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn thành mức nhẹ nhất có thể để tránh bị khởi tố. Hơn lúc nào hết, các cơ quan thực thi pháp luật cấp cao hơn cần vào cuộc kiểm tra và làm rõ những nội dung kết luận điều tra của Công an huyện Sơn Động đã đầy đủ chưa hay đang che giấu điều gì".
Đến thiết bị nhà vệ sinh cũng bị lập khống để ăn tiền ngân sách |
Vì sao tôi lại nhận định như vậy?. Thứ nhất, trong 21 chứng từ mà báo chí phản ánh thì công an huyện Sơn Động kết luận ông Thắng chỉ lập khống 3 chứng từ với tổng số tiền 48.990.000 đồng để đi du lịch tại Đà Nẵng và mua quà biếu lãnh đạo. Còn lại 18 chứng từ như mua hóa chất diệt côn trùng, sửa chữa nhà vệ sinh, mua đồ phòng chóng lụt bão… thì cơ quan CSĐT kết luận chưa phát hiện sai phạm trong khi những bằng chứng để chứng minh có lập khống hay không đã rất rõ ràng.
Đơn cử như chứng từ rút tiền mua quần áo mưa phục vụ phòng chống lụt bão (do bà Khanh là con dâu ông Thắng - Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn bán và xuất hóa đơn) với số tiền hơn 17 triệu đồng nhưng thực chất đại đa số những người có trong danh sách được cấp phát đều khẳng định không được nhận và còn bị giả mạo chữ ký là đã nhận đồ để hợp thức hóa hồ sơ rút tiền.
Làm giả chữ ký các Trưởng thôn để hồ sơ hoàn thiện, đầy đủ khi rút tiền |
Chứng từ mua văn phòng phẩm, đường điện, cấp thoát nước và sửa chữa nhà vệ sinh (cũng vẫn là con dâu ông Thắng bán và xuất hóa đơn) với số tiền hơn 28 triệu đồng thực chất cũng bị lập khống bởi không có việc sửa chữa nhà vệ sinh, không thay thế các thiết bị ghi trong hóa đơn bán hàng thể hiện.
Ngoài ra, chứng từ mua hóa chất diệt côn trùng năm 2017 với một cá nhân ở tỉnh Hải Dương với số tiền 113 triệu đồng cũng có dấu hiệu lập khống vì trong năm đó UBND huyện Sơn Động đã cấp phát 15 lít hóa chất và có văn bản chỉ đạo mua vôi bột để sát trùng nhưng Chủ tịch thị trấn Thanh Sơn vẫn "bỏ ngoài tai" để cương quyết mua hóa chất.
Công an huyện Sơn Động kết luận chưa đến mức định khung để xử lý hình sự khiến dư luận vô cùng bức xúc |
Nghiêm trọng hơn, kết luận điều tra của cơ quan CSĐT Công an huyện Sơn Động cũng chưa làm rõ động cơ, mục đích khi ông Thắng cho con trai là Phạm Văn Cương - Cán bộ Tư pháp sơn lại trụ sở ủy ban và bên trong Nhà văn hóa với số tiền gần 400 triệu đồng từ đầu năm 2018. Hồ sơ khái toán, dự toán cũng như thành lập ban giám sát quá trình sơn lại không có, không ai biết cũng như không biết sẽ lấy nguồn tiền ở đâu để thanh toán. Đó là những vấn đề mà cơ quan cấp trên cần làm rõ hơn - luật sư Hoàng nói thêm.
Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.