Tiếp tục bứt phá trong công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản

Sáng nay (22/2), tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Diễn đàn "Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 - Thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019”.
tiep tuc but pha trong cong nghiep che bien xuat khau go va lam san

Tham dự diễn đàn có khoảng 600 đại biểu là đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương; một số Đại sứ quán, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính trị xã hội; các Hiệp hội và trên 300 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản.

Diễn đàn quan trọng này được tổ chức ngay từ đầu năm 2019, thể hiện sự quan tâm, ghi nhận của Thủ tướng Chính Phủ với những cố gắng, nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp, doanh nhân trong quá trình xây dựng và phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, góp phần phát triển ngành lâm nghiệp Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2005, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam bắt đầu gia nhập câu lạc bộ xuất khẩu 1 tỷ USD với việc xuất khẩu lên đến 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo số liệu thống kê mới nhất, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt 9,382 tỷ USD, chiếm trên 23% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, giá trị xuất siêu đạt 7,1 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 Châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản hiện đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá thành quả của ngành lâm nghiệp đã khẳng định sự cố gắng nỗ lực không ngừng nghỉ, tinh thần làm việc say mê, đặc biệt là sự vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Thủ tướng ghi nhận thành tích nổi trội trong trồng rừng, bảo vệ rừng, chăm sóc rừng và chế biến xuất khẩu lâm sản đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế quốc gia nói chung và xuất khẩu của ngành nông nghiệp nói riêng.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập của ngành chế biến gỗ, lâm sản như: đầu tư nhà nước chưa xứng đáng với tiềm năng, lợi thế của ngành; chính sách tín dụng chưa được triển khai tốt, chưa hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, chưa hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân trồng rừng, phát triển rừng nguyên liệu; việc bảo đảm nguồn nguyên liệu chất lượng còn hạn chế; mối liên kết giữa người trồng rừng với doanh nghiệp chế biến và thị trường còn chưa chặt chẽ; xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia chưa được quan tâm đúng mức.

Thủ tướng đặt ra yêu cầu ngành cần tiếp tục bứt phá trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Kim ngạch xuất khẩu không chỉ đạt 11 tỷ USD trong năm 2019 mà phải đạt mức cao hơn, phấn đấu đạt 13 tỷ USD vào năm 2020 và đến năm 2025 đạt 20 tỷ USD gắn với khát vọng vươn lên là quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gỗ và lâm sản, Việt Nam là trung tâm sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản của thế giới.

Ông Hoàng Công Phong, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Triển Việt Nam.

Ông Hoàng Công Phong, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Triển Việt Nam.

"Nối tiếp những hội nghị trước do Thủ tướng, Phó Thủ tướng cùng các Bộ liên quan chủ trì thì các doanh nghiệp ngành gỗ VN rất phấn khởi. Tôi tin rằng với tinh thần ấy, năm 2019 có sự tăng trưởng mạnh của ngành gỗ VN, cùng với chỉ đạo sát sao của Thủ tướng cũng như các bộ ban ngành thì các doanh nghiệp sẽ có sự khuyến khích để tăng trưởng mạnh về sản phẩm cũng như chính sách tuyển dụng công nhân để kích thích, kích cầu tăng trưởng cho ngành gỗ VN" - ông Hoàng Công Phong, Giám đốc Công Công ty TNHH Tiến Triển Việt Nam.

HOAI AN - PHÙNG ĐÔ
Phiên bản di động