Thương chiến Mỹ-Trung, hai bên vẫn chưa thấm đòn đau
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đẩy lên cấp độ đối đầu mới Báo Anh: Nhiều công ty đổ vào Việt Nam để tránh thương chiến Mỹ-Trung |
Các cuộc đối thoại cấp cao giữa hai cường quốc kinh tế thế giới đã đổ vỡ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục áp thuế nhằm vào Trung Quốc. Tuần trước Bắc Kinh cho biết, các cuộc đối thoại trong tương lai sẽ không thể tiếp tục trừ khi Washington “sửa sai”.
Tuy nhiên, ông Trump vẫn dự đoán hai bên sẽ “sớm” đạt được thỏa thuận. Cụ thể, tại cuộc họp báo trong chuyến thăm Nhật Bản, ông Trump cho biết Mỹ vẫn chưa sẵn sàng kí kết với Trung Quốc, nhưng hai nước sẽ “có những thỏa thuận tuyệt vời” trong một thời điểm nào đó.
Bà Tan Min Lan, người đứng đầu văn phòng đầu tư châu Á-Thái Bình Dương thuộc bộ phận Quản lý Tài sản Toàn cầu của Ngân hàng UBS, dự đoán rằng bất kỳ thỏa thuận nào giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ chỉ đến “trong đầu năm 2020”.
Bà Tan Min Lan. Ảnh: Businesstimes |
“Có thể thấy khá rõ ràng rằng căng thẳng trong thương mại đã leo thang trở lại và tại thời điểm này, hai bên Mỹ-Trung vẫn chưa hứng chịu đủ thiệt hại đến mức phải tìm cách đạt được thỏa thuận. Nếu nhìn về Mỹ, thực tế nền kinh tế hiện vẫn đang khá mạnh mẽ. Còn về phía Trung Quốc, chúng ta đều biết rằng họ ít nhất vẫn có đủ khả năng để ổn định nền kinh tế”, đài CNBC trích dẫn phát biểu của bà Tan cho biết.
Các quan chức của cả Washington và Bắc Kinh đã gửi đi những tín hiệu ám chỉ rằng, việc đối thoại thương mại sẽ có triển vọng mới trước khi mọi thứ trở nên căng thẳng trong vài tuần qua. Ông Trump đã tố Trung Quốc không tuân thủ thỏa thuận và tuyên bố áp mức thuế quan lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh trả đũa và tăng thuế tương tự lên 60 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Ngoài ra, chính quyền ông Trump cũng đưa tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc vào danh sách đen và ngăn cấm các công ty Mỹ được tự do mua bán với Huawei mà không có sự cho phép từ chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, chắc chắn sẽ có những động lực để cả hai bên đạt được thỏa thuận về thương mại. Ví dụ như ông Trump muốn tăng tỉ lệ thành công và tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Trong khi đó, Trung Quốc cũng mong muốn loại bỏ những bất ổn trong nền kinh tế.
“Vậy nên, chúng tôi cho rằng thỏa thuận thương mại có thể sẽ đạt được vào năm 2020. Ngoài ra, bất kì thỏa thuận nào đạt được cũng sẽ là chiến thắng dành cho Bắc Kinh, và không thể coi đó là ‘sự kìm hãm’ của Mỹ nhằm vào sự trỗi dậy của Trung Quốc”, theo nhận định của bà Tan.