Thực phẩm để qua đêm: Nên hay không?

Nhiều người có thói quen để thức ăn thừa qua đêm, mai làm nóng ăn lại mà không biết rằng không phải loại thức ăn nào cũng để được. Bên cạnh đó, nếu không bảo quản đúng cách, thức ăn dễ bị vi khuẩn có hại xâm nhập gây biến đổi chất, dẫn đến ngộ độc.

Từ bỏ thói quen sau khi nhập viện

Bảo quản thức ăn qua đêm trong tủ lạnh hay nấu sẵn thức ăn để sáng tiện mang đi làm là thói quen của không ít người.

Chị Hương Giang (ở Trường Chinh, Hà Nội) cho biết: “Tôi thường nấu nhiều thức ăn từ tối hôm trước, một phần để ăn trong bữa cơm gia đình, phần còn lại tôi để mang đi làm, vừa tiết kiệm được chi phí mà cũng không phải ra ngoài ăn giữa thời tiết nắng nóng như thế này”.

Không chỉ có chị Giang, trên thực tế nhiều gia đình vẫn thường có thói quen cất các món ăn dùng không hết vào tủ lạnh để dành cho bữa hôm sau sử dụng lại. Tuy nhiên, đây là thói quen tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tổn hại đến sức khỏe.

Chị Nguyễn Thị Duyên là một người thích nấu ăn. Chị thường xuyên lên mạng tìm hiểu các công thức mới vì vậy mâm cơm nấu thường dành cho tận 5 - 6 người.

Do vậy, từ lâu gia đình này chị đã quen với việc để dành đồ ăn thừa của bữa tối cho việc ăn sáng. Đến một ngày gần đây, cả 3 người trong gia đình chị Duyên đều cảm thấy đau bụng dữ dội, kèm triệu chứng ói mửa, buồn nôn, tiêu chảy, sốt cao, toàn thân ớn lạnh...

Họ được người thân đưa đến bệnh viện để khám và được bác sĩ chẩn đoán là ngộ độc thực phẩm. Nhờ được cấp cứu kịp thời, gia đình chị dần hồi phục và được xuất hiện.

Thực phẩm để qua đêm: Nên hay không?
Không phải thực phẩm nấu chín nào cũng có thể để qua đêm

Trường hợp bác Dương Thị Lan (ở Lò Đúc) cũng vậy. Bác Lan cho biết, từ sau lần đau bụng tháng trước, gia đình bác đã bỏ hẳn thói quen ăn đồ ăn cũ từ hôm trước.

Bác Lan kể, sau bữa ăn sáng như thường lệ hai vợ chồng bác lên cơn đau vật vã. Nguyên nhân được xác định sau đó là do ăn súp rong biển, rau và dưa chua còn thừa từ đêm hôm trước, dẫn tới ngộ độc hypochlorite. Đây là một độc chất có thể được phát hiện ở những món ăn để qua đêm 8 - 10 tiếng đồng hồ.

“Gia đình bác vẫn có thói quen ăn đồ ăn tủ lạnh qua đêm vì chỉ nghĩ đơn giản bỏ đi thì phí. Không ngờ đồ ăn để qua đêm lại gây hại đến vậy”, bác Lan nói.

Năm ngoái, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng tiếp nhận một trường hợp bệnh với chẩn đoán nhiễm khuẩn nhiễm độc do ăn dưa lê để từ tủ lạnh tối hôm trước.

Theo lời bệnh nhân kể lại, buổi sáng trước khi vào viện, bệnh nhân có ăn một quả dưa lê đã cắt và để trong tủ lạnh từ tối hôm trước. Sau khi ăn khoảng 2 tiếng đồng hồ, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện buồn nôn, nôn ra dịch dạ dày có lẫn thức ăn, kèm theo đau bụng âm ỉ quanh rốn, đi ngoài phân lỏng, rối loạn tiểu tiện.

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng ý thức tỉnh, kích thích, môi khô, lưỡi bẩn, đau bụng nhiều, nôn ra dịch dày dày, sốt cao (38,7 độ C), huyết áp thấp (90/50mmHg). Bệnh nhân đã được khám chẩn đoán, điều trị và chăm sóc kịp thời, toàn trạng ổn định và được ra viện.

Các bác sĩ cho biết, trong trường hợp này, bệnh nhân bị ngộ độc thức ăn mà không xử trí kịp thời rất dễ xảy ra nguy cơ và biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Sử dụng thức ăn để qua đêm thế nào cho an toàn?

Rất nhiều người nghĩ rằng thực phẩm để trong tủ lạnh là “an toàn”, không bị chua, bị hỏng vì tủ lạnh có thể ức chế tốc độ sinh sản của vi khuẩn. Nhưng thời gian lưu trữ thực phẩm quá dài cũng là nguy cơ gây mất an toàn và xuất hiện một triệu chứng gọi là “ngộ độc thực phẩm tủ lạnh”.

Theo các chuyên gia, mọi món ăn sau khi nấu chín có thể để được ở nhiệt độ bên ngoài trong 2 giờ đồng hồ. Sau thời gian này, các vi khuẩn có hại có thể phát triển nhanh về số lượng cũng như sinh ra các độc tố nguy hiểm gây ngộ độc.Do đó nếu thực phẩm không được sử dụng ngay hoặc thực phẩm thừa, cần bảo quản ở nhiệt độ dưới 5 độ C hoặc trên 60 độ C.

Trong trường hợp bảo quản dưới 5 độ C, tức ngăn mát tủ lạnh, thì thời gian bảo quản cũng không quá 1 - 2 ngày. Sau thời gian này, thức ăn vẫn có thể bị hỏng và gây ngộ độc.

Thực phẩm để qua đêm: Nên hay không?
Nếu thức ăn để qua đêm không nên để ở nhiệt độ thường vì vi khuẩn dễ xâm nhập

Bên cạnh đó, việc cất giữ chung nhiều loại thức ăn sống - chín, rau củ, thịt cá trong tủ lạnh cũng là nguy cơ dẫn đến ô nhiễm chéo do tiếp xúc giữa các thực phẩm.

“Không nên tích trữ đồ ăn quá lâu trong tủ lạnh, tốt nhất nên nấu vừa đủ cho cả gia đình, ăn hết trong ngày. Thức ăn đã nấu chín chỉ nên để trong tủ lạnh 1-2 ngày, cho vào các túi nilon, hộp nhựa hoặc hộp thủy tinh đậy nắp kín, trữ ở ngăn đông hoặc ngăn mát. Các loại rau, củ, quả nên dùng khi còn tươi”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) nhấn mạnh.

Những thức ăn không nên để qua đêm

Theo TS. BS Hoàng Minh Đức (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), không phải thực phẩm nào sau khi nấu chín đều có thể để qua đêm. Không chỉ bị thay đổi hương vị, mất chất dinh dưỡng mà chúng còn có thể có thể bị vi khuẩn phát triển, lên men, chuyển hóa thành các chất không tốt cho cơ thể... từ đó gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc, thậm chí gây nguy hiểm tính mạng.

Các loại rau có màu xanh như cần tây, chân vịt thường chứa hàm lượng nitrit rất cao. Nếu ăn thừa để thừa qua đêm, chúng sẽ sản sinh ra nitrit, là chất đã được WHO công nhận là có khả năng gây ung thư.

Thực phẩm để qua đêm: Nên hay không?
Rau xanh là một trong những thực phẩm không nên để qua đêm vì dễ gây độc tố

Chưa kể, các vitamin và chất Folate trong rau xanh đậm cũng rất nhạy cảm với nhiệt. Khi bị chế biến với nhiệt lần thứ 2, các chất này sẽ bị phá hủy và tạo thành chất độc cho cơ thể. Tốt nhất chỉ ăn rau xanh trong vòng 4 giờ sau khi chế biến và tuyệt đối không giữ lại để qua đêm dù là bọc kín bảo quản trong tủ lạnh.

Một số chị em phụ nữ có thói quen nấu cơm, thức ăn vào buổi tối rồi để trong tủ lạnh đến sáng lấy ra hâm lại và đóng hộp mang theo đi làm. Thói quen này cực kỳ có hại cho sức khỏe. Vì cơm và thức ăn để qua đêm sẽ bị mất chất dinh dưỡng, phát sinh vi khuẩn dẫn đến ôi thiu nhanh. Các nhà khoa học khuyến cáo nếu chúng ta ăn thức ăn để qua đêm nhiều sẽ gây nguy cơ ung thư.

Bên cạnh đó, các loại hải sản như cua, cá, tôm… sau khi để qua đêm sẽ sản sinh chất thoái biến của protein, gây nguy hiểm cho gan và thận. Nếu đã mua quá nhiều hải sản, có thể cho hải sản sống vào túi hoặc hộp, cho vào tủ lạnh để giữ tươi, lần sau lại lấy ra nấu tiếp, không nên nấu chín hết hải sản rồi để qua đêm, rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Theo các chuyên gia, tất cả các loại trứng luộc đều không nên để lâu ở ngoài môi trường bên ngoài. Vì điều này sẽ khiến chất béo và chất đạm có trong trứng dễ bị biến tính. Đặc biệt là với trứng lòng đào, vì chưa được nấu chín kỹ nên có thể chứa vi khuẩn, cộng thêm trứng có nhiều dưỡng chất nên dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nhiều hơn.

Gỏi, nộm là món ăn ưa thích của nhiều người. Tuy nhiên vì món ăn này không được nấu chín qua nhiệt độ, nên có thể còn sót lại vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Nếu để qua ngày hôm sau, các vi khuẩn này sẽ không ngừng sinh sôi, sinh ra độc tố và ảnh hưởng xấu đến đường tiêu hóa, sức khỏe của người dùng.

Các món ăn chế biến từ nấm cũng rất giàu dưỡng chất song nếu để qua đêm chúng sẽ dễ bị biến chất, mất chất, thậm chí là sản sinh nhiều thành phần có hại cho sức khỏe. Cụ thể, nếu để qua đêm, hàm lượng nitrit có trong nấm sẽ bị phân hủy thành độc tố.

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm: Thứ trưởng Bộ Y tế nói gì? Nỗi lo ngộ độc thực phẩm: Thứ trưởng Bộ Y tế nói gì?

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong 5 tháng năm 2024, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm, ...

Hồi chuông cảnh báo từ việc hàng trăm công nhân ngộ độc thực phẩm tại Vĩnh Phúc Hồi chuông cảnh báo từ việc hàng trăm công nhân ngộ độc thực phẩm tại Vĩnh Phúc

Vụ ngộ độc thực phẩm khiến hơn 400 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) đã gióng lên hồi chuông cảnh ...

Bộ Y tế: Cần tăng truy xuất nguồn gốc thực phẩm khi liên tục xảy ra ngộ độc Bộ Y tế: Cần tăng truy xuất nguồn gốc thực phẩm khi liên tục xảy ra ngộ độc

Theo Bộ Y tế, trong thời gian từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó ...

Tụê Uyên
Phiên bản di động