Thực hiện nghiêm các Công điện về phòng chống thiên tai
Đề xuất thu phí chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng Việt Nam huy động nguồn lực thực hiện thích ứng với biến đổi khí hậu |
Lực lượng chức huy động máy móc khắc phục sự cố sạt lở tại thị xã Sa Pa. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN) |
Để tiếp tục chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Văn phòng thường trực ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc thực hiện nghiêm Công điện số 08/CĐ-TWPCTT ngày 17/8 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Công điện số 09/CĐ-TWPCTT ngày 20/8 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Các tỉnh, thành phố tiếp tục hỗ trợ gia đình có người bị nạn; theo dõi, xử lý sự cố về đê điều, giao thông; tổ chức khắc phục hậu quả mưa lũ để ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, đề phòng lũ quét, sạt lở đất, khu vực dân cư có nguy cơ mất an toàn, di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt trượt cao mới phát sinh.
Các địa phương miền núi phía Bắc tổ chức thường trực đến cấp thôn 24/24 giờ để theo dõi, cảnh báo, xử lý các tình huống có thể xảy ra; cử người canh gác, cắm biển cảnh báo hoặc rào chắn các ngầm tràn để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại.
Các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Tây Nguyên kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Theo số liệu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, mực nước sông Hồng tại Lào Cai đạt đỉnh ở mức 80,55m (trên báo động 1 là 0,55m) vào lúc 5 giờ ngày 21/8. Đến 7 giờ ngày 22/8, mực nước trên sông Hồng tại thành phố Lào Cai 79,21m (dưới báo động 1: 0,79m), các trạm hạ lưu đều dưới mức báo động 1.
Các sông khu vực Bắc Bộ, mực nước trên các sông suối khu vực thượng lưu lưu vực sông Hồng-Thái Bình sẽ lên lại, xuất hiện đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1-3m. Ngày 22/8, mực nước đỉnh lũ trên sông Thao có khả năng lên mức báo động 2; thượng lưu sông Chảy và các sông suối nhỏ lên mức báo động 1 - báo động 2.
Các sông khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, mực nước các sông trong khu vực biến đổi chậm dưới báo động 1, dao động theo điều tiết hồ chứa.
Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều, Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Công Tuyên cho biết, từ ngày 17-21/8 đã xảy ra 5 sự cố đê điều, trong đó ngày 21/8 trên tuyến đê hữu Hồng, huyện Ba Vì (Hà Nội) xảy ra sạt lở bờ sông đoạn tương ứng K23+450 - K24+000, chiều dài cung sạt 257m, sâu từ 1,0-1,5m, gây ảnh hưởng đến công trình dân sinh trong khu vực.